QĐND - Từ sáng sớm, già làng Bi, ở xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đã loan tin: “Hôm nay diễn ra lễ kết nghĩa và liên hoan giữa làng ta với bà con làng Tăng Lôm, bên nước bạn. Bộ đội Đồn Biên phòng Pô Cô đã chuẩn bị chu đáo, đề nghị bà con đến dự đông đủ…”. Nhận được tin, già trẻ, gái trai trong làng xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất chờ đón bạn...  

Biết ơn bộ đội Việt Nam 

Làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai và làng Tăng Lôm, xã Nhang, huyện Đun Mia, tỉnh Rát-ta-na-ki-ri, Cam-pu-chia uống chung dòng nước sông Sê San. Câu chuyện về những người lính Đồn Biên phòng Pô Cô và bà con các dân tộc Việt Nam với nhân dân nước bạn từ bao đời nay tựa vào nhau để vươn lên thật cảm động. Bên ché rượu cần, ông Ksor Kuội, người làng Tăng Lôm, xã Nhang bên nước bạn vui mừng gặp lại người cựu chiến binh từng giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ bè lũ Pôn Pốt. Ông Ksor Kuội mở đầu câu chuyện bằng những ký ức với người bạn là ông Rơ Man Pen: “Mình và Pen biết nhau từ năm 1979, ngày ấy bộ đội và quân dân làng Ia O sang giúp làng mình nhiều lắm, không có Pen và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của bộ đội Việt Nam thì nhiều bà con chúng tôi hôm nay chắc không được ngồi ở đây mà kể chuyện vì đã bị Pôn Pốt giết rồi! Bộ đội và nhân dân Việt Nam đã yêu thương, đùm bọc chúng tôi như những người cha, người mẹ, như con cái của mình. Ơn nghĩa đó muôn đời nhân dân chúng tôi không thể nào quên được…”.

Quân y Đồn Biên phòng Pô Cô khám, chữa bệnh cho người dân xã Nhang (Cam-pu-chia).

Buổi lễ kết nghĩa được những người lính biên phòng Pô Cô chuẩn bị trang trọng, diễn ra đúng nghi thức. Đây cũng là dịp để bà con hai bên bày tỏ, chia sẻ những tình cảm tận đáy lòng bằng những lời ca, tiếng hát, những kỷ niệm... Hình ảnh chàng trai A Sanh, chèo thuyền đưa bộ đội sang sông trong kháng chiến chống Mỹ, hiện lên thật hùng dũng, bất khuất mà gần gũi, nghĩa tình biết bao trong ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô” mà bà con hai làng cùng hát trong buổi lễ kết nghĩa bằng tiếng Việt: “Ngày đêm anh lái đò trên sông/ Dù gian nguy vẫn vững tay chèo/ Đò anh đưa bao người đi đánh Mỹ bao năm ròng/ Chiến tuyến đây thầm lặng nhịp chèo lập công/... làm chúng tôi rất xúc động. 

Ông Rơ Man Hin, Chủ tịch UBND xã Nhang xúc động nói: “Năm xưa, bộ đội và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng, nay lại có sáng kiến kết nghĩa giữa hai làng để cùng nhau bảo đảm an ninh biên giới, giúp đỡ, sẻ chia. Làm được điều này chúng tôi mừng lắm vì mang lại nhiều lợi ích cho làng Tăng Lôm chúng tôi. Đây cũng là cơ sở để chúng ta kết nghĩa nhiều làng hơn nữa…”.

Ông Rơ Man Hin còn kể nhiều về điểm kết hợp quân dân y của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, nhất là câu chuyện về y sĩ, Đại úy Lâm Mạnh Tuyển chữa khỏi bệnh cho nhiều bà con làng Tăng Lôm. Thêm nữa, năm 2012, trong lúc các anh đi làm nhiệm vụ tuần tra trên sông Sê San thì gặp các cháu nhỏ của làng Tăng Lôm đang tắm sông bị nước cuốn trôi. Bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Cô đã lao ra giữa dòng nước lũ, cứu hai cháu nhỏ thoát khỏi "lưỡi hái tử thần"…

Nội dung bản quy chế kết nghĩa được đại diện chính quyền địa phương và nhân dân khu vực hai bên thống nhất ký kết, gồm: Cùng nhau bảo vệ đường biên, cột mốc, vành đai, khu vực biên giới; chấp hành nghiêm việc qua lại biên giới, không xâm canh, xâm cư qua biên giới; không sử dụng vật liệu nổ, không đốt nương làm rẫy trong vành đai biên giới; không chứa chấp, che giấu, đưa đón, dẫn đường cho người vượt biên trái phép; không tham gia buôn lậu, che giấu, chứa chấp, dẫn đường cho buôn lậu hoặc tham gia vận chuyển hàng lậu ở khu vực biên giới…

Dòng sông và biên giới khá yên bình, nhưng lịch trình tuần tra trên sông của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pô Cô vẫn không ngừng nghỉ. Cùng với ngăn ngừa, trấn áp các tội phạm ở khu vực biên giới, thông báo lũ cho bà con hai bên…, những người lính Đồn Biên phòng Pô Cô luôn là chỗ dựa tin cậy để bà con nhân dân hai nước bên dòng Sê San an cư lạc nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Yêu thương đôi bờ Sê San

Cách nhau bởi dòng Sê San, bên phía bạn điều kiện kinh tế, việc chăm sóc sức khỏe còn nhiều khó khăn. Chia sẻ với điều kiện của bạn, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Pô Cô đã đề xuất lập điểm khám và điều trị quân dân y ngay tại làng Ia O; ngoài việc khám bệnh, điều trị cho bà con trong làng, điểm khám và điều trị còn là nơi cấp cứu nhiều trường hợp ốm đau đột xuất cho bà con làng Tăng Lôm. Bên ché rượu cần, ông Rơ Man By Uốt, người làng Tăng Lôm muốn chia sẻ thật nhiều với bộ đội Việt Nam. Giọng ông xúc động: “Bộ đội Biên phòng lập điểm khám và điều trị quân dân y này, bà con xã Nhang chúng tôi được giúp đỡ nhiều lắm!". Ông chỉ tay ra phía phòng khám quân dân y, nơi y sĩ Lâm Mạnh Tuyển, cán bộ quân y của đồn đang khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân bên nước bạn và rất tự hào về các chiến sĩ quân y đã tận tâm, hết lòng điều trị cho ông và gia đình trong những lúc khó khăn nhất…

Lễ kết nghĩa giữa hai làng giáp biên của hai nước.

Hơn 15 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Pô Cô, Thiếu tá Hồ Văn Mại, Đồn trưởng thuộc như lòng bàn tay mỗi con sông, con suối, bản làng… nơi đây. Anh kể: “Tình cảm của nhân dân hai làng thật sâu nặng. Ta giúp bạn, được bạn trân trọng, ghi ơn và rất yêu quý”.

Anh Mại kể, mùa mưa năm 2009 khi tham gia ứng cứu lũ cho đồng bào ta, phương tiện của các anh chết máy, bị cuốn theo dòng nước xiết. Phía bạn đã nhanh chóng huy động lực lượng ra cứu kéo. Hơn một giờ vật lộn với dòng nước xiết, rất may lực lượng của hai bên đều an toàn. Ơn này anh em Đồn Biên phòng Pô Cô mãi mãi không bao giờ quên”. Thiếu tá Rơ Man Tuân, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai khoe: “Đây là cặp làng thứ tư kết nghĩa trên biên giới của tỉnh. Thực tế cho thấy, các cặp làng kết nghĩa đã phát huy hiệu quả tốt, mọi công tác ở biên giới thuận lợi hơn…”.

Chiều muộn, nơi miền biên viễn, tại nhà rông, bà con làng Bi và Bộ đội Đồn Biên phòng Pô Cô lưu luyến tiễn những người bạn ở bên kia dòng Sê San về nước. Đại ngàn xanh thắm, dòng Sê San nhiều lúc hung dữ, vậy mà hôm nay thật yên bình, êm ả. Những cái bắt tay của bà con hai nước thật chặt, lưu luyến… Tiễn bà con phía bên kia biên giới, chúng tôi ngồi lại với Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Pô Cô. Thiếu tá Rơ Lan Toanh, Chính trị viên của đồn chân thành khuyên: “Rừng thiêng, gió độc, các anh phải thận trọng nếu không dễ bị cảm!”. Rồi anh kể cho chúng tôi nghe chuyện anh bị liệt dây thần kinh số 7, cũng là do bị cảm: “Dịp ấy anh em đơn vị đi công tác nhiều, tôi đi tuần đêm và bị trúng gió độc, qua một đêm mới biết trong người có bệnh. Tôi đã đi một số nơi điều trị, nhưng không có kết quả, thôi đành chịu “xấu trai” một chút vậy”. Tìm hiểu được biết, giữa rừng thiêng, gió độc, các chiến sĩ bị ốm, bị cảm cũng là chuyện thường và phải luôn đối mặt với không ít hiểm nguy.

Dòng sông Pô Cô năm xưa-dòng Sê San hôm nay đang hiện diện những công trình thủy điện lớn như: Sê San 4, Sê San 4A và nhiều doanh nghiệp trồng cao su phủ xanh cả núi rừng. Bản làng người Gia Rai hôm nay đã điểm tô sắc mới với những mái nhà, trường học khang trang, nơi biên giới đoàn kết, bình yên... Thành quả ấy có đóng góp không nhỏ, bằng cả công sức, mồ hôi và máu xương của Bộ đội Cụ Hồ quân hàm xanh nơi biên cương, ngày đêm thầm lặng cống hiến...

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH