QĐND - Chúng tôi tới Đồn Biên phòng Nậm Nhừ, xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên sau trận lũ vừa xảy ra hồi tháng 8-2014. Từ thành phố Điện Biên vượt qua gần 200km với một nửa độ dài là đường đất, tôi đếm có đến vài chục điểm sạt lở. Ngầm Nà Khoa bị nước lũ đánh gãy và cuốn trôi nhiều đoạn, chia cắt xã Nậm Nhừ. Thiếu tá Khuất Văn Tiến, Đồn trưởng Đồn Nậm Nhừ chia sẻ: “Mùa mưa ở đây, lũ, sạt lở diễn ra thường xuyên, người dân đã quen sống với việc đó rồi. Cái khó nhất ở Nậm Nhừ không phải là khắc nghiệt của thiên nhiên mà chính là tình trạng dân di cư tự do, vượt biên trái phép gây mất ổn định chính trị”.

Được anh Tiến giới thiệu, chúng tôi đến nhà Vàng A Hầu, một người dân trong bản Nậm Nhừ 3 vừa trở về nước sau chuyến lưu đày bị kẻ xấu lừa vượt biên trái phép sang Thái Lan. Trước khi chúng tôi xuất phát, anh Tiến cử hai đồng chí rất thông thạo địa hình là Thiếu úy, QNCN Sùng A Vừ và Thiếu úy QNCN Hồ A Dế đi cùng. Trên con đường mòn dẫn vào nhà A Hầu, chúng tôi phải vượt qua bốn quả núi, nhiều khe nước lớn với hàng chục điểm sạt lở. Nhà A Hầu nằm khuất ở hẻm giữa hai quả núi. Vậy nên, đã hơn 9 giờ sáng mà trong nhà vẫn tối như bưng. Trong ngôi nhà gỗ nền đất, vật dụng giá trị nhất là chiếc giường kê ở góc cuối nhà. Lấy chồng ghế nhựa, Hầu đưa cho chúng tôi mỗi người một cái để ngồi, đặt một cái ở giữa làm bàn rót nước mời khách, rồi kể: Năm 2011, Hầu nhận được điện thoại của Sùng Dùng Công và Vàng A Lìn rủ sang Thái Lan sinh sống. Công và Lìn trước kia cũng là người ở bản, nhưng hiện tại đang sống bên Thái Lan. Công bảo với Hầu, cuộc sống bên Thái Lan sướng hơn ở bản, không phải làm việc, chỉ ngồi chơi cũng có ăn. Sau vài lần liên lạc với Công, Hầu bán hết tài sản, vật dụng gom được 7 triệu, cùng vợ là Sùng Thị Phanh và đứa con gần một tuổi sang Thái Lan.

Bộ đội Đồn Biên phòng Nậm Nhừ giúp dân sửa đường.  Ảnh: VĂN DƯƠNG

Đến Băng Cốc, Công gặp gia đình Hầu và bảo nói xấu Đảng, Nhà nước Việt Nam đàn áp đối với đồng bào dân tộc Mông, kêu gọi mọi người tham gia cái gọi là “Vương quốc Mông” để ghi hình thì sẽ được đưa đến sống ở trại tị nạn. Gia đình Hầu không đồng ý nên bị Công bỏ mặc bơ vơ nơi vùng đất lạ. Đến ngày thứ ba, gia đình Hầu bị Công an Thái Lan bắt, đưa đến một tỉnh rất xa Băng Cốc. Hầu tìm cách liên lạc với Công nhưng điện thoại của Công đã khóa. Số tiền mang theo đã cạn, không người thân thích, gia đình Hầu thường xuyên phải nhịn đói. Thương nhất là đứa con nhỏ chưa đầy một tuổi, mệt lả vì hành trình trên đoạn đường dài, lại không có ăn, khóc ngằn ngặt. Thời gian sau đó, Hầu chui lủi kiếm việc làm thuê, khi thì phụ hồ, xách vữa, khi đi làm cửu vạn với giá rẻ mạt. Vợ con Hầu sống lén lút trong nhà, ban ngày không dám ra ngoài. Biết là bị lừa, Hầu đã liên lạc với gia đình nhờ cán bộ đồn Nậm Nhừ tìm cách đưa về nước. Đến năm 2013, đồn Nậm Nhừ phối hợp với các cơ quan chức năng đưa gia đình Hầu về Việt Nam an toàn. Xúc động được trở về nhà sau những ngày phiêu dạt nơi đất khách quê người, A Hầu nói: “Gia đình tôi cảm ơn cán bộ biên phòng nhiều lắm”. Tuy vậy, Hầu vẫn chưa hết ám ảnh, dằn vặt: “Tôi có lỗi với dân bản, có lỗi với chính quyền, với cán bộ đồn”, giọng Hầu run run, tỏ rõ sự ăn năn. Vì thế, ngay khi về bản, Hầu đã cùng Bộ đội Biên phòng đi tuyên truyền cho bà con không nhẹ dạ nghe theo lời kẻ xấu vượt biên trái phép. Từ đó, nhiều hộ gia đình trong xã đã chủ động nhờ đồn biên phòng đưa người thân đã bị lừa vượt biên trái phép trở về bản. Đến nay, đồn Nậm Nhừ đã đưa được 7 hộ đồng bào Mông bị đường dây của Công lừa sang Thái Lan trở về nước an toàn.

Nậm Nhừ là một xã nghèo mới được thành lập năm 2013, chưa có điện lưới, nhiều bản chưa có đường dân sinh. Cả xã có một trường tiểu học, y tế xã đã có nhân viên, nhưng nhà trạm vẫn chưa được xây dựng. Ông Tráng A Sủ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cùng chia sẻ khó khăn, đồn cử cán bộ xuống bản “bốn cùng” giúp dân. Tới các bản, cán bộ đồn đều giúp đỡ bà con bằng những việc làm thiết thực như hướng dẫn ăn ở vệ sinh bằng cách làm truồng nuôi trâu, bò, lợn, gà tách riêng khu nhà ở; hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng lúa xen với trồng màu. Ngoài ra, giúp dân thu hoạch mùa màng; tu sửa đường giao thông liên bản; tổ chức khám, chữa bệnh, phát thuốc miễn phí... cho họ.

Hai năm về trước, nhiều người dân trong xã chưa biết khái niệm khám, chữa bệnh. Ở bản Huổi Nụ 2 có nhiều người bị ốm, quân y đồn đến thăm khám, nhưng người dân không tin dùng thuốc khỏi bệnh nên không đi khám. Quân y đồn kết hợp cùng cán bộ vận động quần chúng thuyết phục. Như trường hợp của Giàng A Sào bị thoát vị đĩa đệm, sau khi được quân y đồn điều trị, cho thuốc uống, thấy bệnh thuyên giảm, Sào dẫn vợ là Giàng Thị Dung đến đồn nhờ khám bệnh. Dung bị đau bụng liên tục nên hai vợ chồng tưởng có thai. Tuy nhiên, khi khám thì quân y đồn phát hiện Dung bị đại tràng mãn tính. Sau khi được quân y đồn cho uống thuốc, đến nay, bệnh của Dung đã được chữa khỏi. Từ việc làm hiệu quả ấy, bộ đội đồn Nậm Nhừ được nhân dân tin yêu, công tác chăm sóc y tế cho người dân thuận lợi hơn.

Đồn Biên phòng Nậm Nhừ phụ trách hai xã biên giới là Nậm Nhừ và Na Cô Sa, có diện tích rộng và đường biên giới dài. Đồng bào chủ yếu là dân tộc Mông mới di cư đến sinh sống từ năm 1992. Trong vụ việc gây rối do kẻ xấu xúi giục ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé năm 2011, trên địa bàn đồn phụ trách có hơn 80 hộ nghe lời kẻ xấu lôi kéo di cư, 5 đối tượng trực tiếp tham gia vào cái gọi là “Vương quốc Mông”. Trung tá Đinh Văn Dương, Chính trị viên đồn cho chúng tôi biết: Quá trình vận động đã thuyết phục được đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn, giúp nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Đến nay, người dân ở Nậm Nhừ và Na Cô Sa đã tin tưởng và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cùng với cán bộ đồn tuần tra biên giới, giữ vững an ninh trật tự. Tại các bản, người dân đã tự nguyện nộp súng tự chế cho chính quyền, định canh, định cư trên ruộng, nương của mình.

Ngày chúng tôi rời Nậm Nhừ trời mưa rả rích, con suối Nậm Nhừ cuộn nước đục ngầu, chảy ùng ục quanh đồn. Nhìn lại dãy nhà tranh vách nứa của đồn, tôi nghe như văng vẳng tiếng gió luồn lách, rít bên tai. Vẫn biết rằng cuộc sống của quân dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng với cố gắng của cán bộ, chiến sĩ đồn Nậm Nhừ, đời sống nhân dân vùng biên dần dần được đổi mới. Những kết quả ấy đã góp phần tô thắm truyền thống gắn bó quân dân, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo vệ vững chắc nơi phên giậu của Tổ quốc.

PHẠM VĂN TUẤN