QĐND - Thực hiện chủ trương của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam-Lào và nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng giao: “Chung sức, phát triển kinh tế-xã hội, giúp bà con các bộ tộc Lào trên địa bàn tỉnh A-ta-pư xóa đói giảm nghèo, giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội trên tuyến biên giới miền Trung Việt Nam- Lào”, cán bộ, chiến sĩ Công ty Hợp tác kinh tế 385 (Binh đoàn 15) đã khai hoang đất, ươm mầm, phủ lên vùng đất hoang hóa màu xanh bạt ngàn của cao su, lúa nước… Đến nay, địa bàn ổn định, đời sống người dân cải thiện rõ rệt, tình cảm quân và dân Việt-Lào ngày càng bền chặt.
“Điểm sáng” cụm bản Văng Tắt
Tỉnh A-ta-pư nằm ở phía Nam của nước bạn Lào, có diện tích tự nhiên 10.320km2; dân số hơn 121.000 người, bao gồm 11 dân tộc, trong đó có gần 300 Việt kiều; có 50km đường biên giới tiếp giáp với huyện Đăk Lây, tỉnh Kon Tum-địa bàn đứng chân của Công ty Hợp tác kinh tế 385.
Trong đoàn công tác của Binh đoàn 15 thăm và kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết quả giúp bà con các bộ tộc Lào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, Đại tá Nguyễn Đức Thành, Phó chính ủy Binh đoàn 15 cho biết: “Thời gian gần đây, mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng cán bộ, chiến sĩ Công ty Hợp tác kinh tế 385 vẫn hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Cùng với xây dựng thành công cụm bản Văng Tắt thuộc huyện Xan Xay, tỉnh A-ta-pư, phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giúp dân xóa đói giảm nghèo, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Lào-Việt, thì mô hình “trồng lúa xen canh”, “lúa nước trên núi”, “rau xanh trong khung trường”… đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân nước bạn Lào”.
 |
Lúa nước trên núi bội thu và niềm vui của người dân trong vùng dự án cụm bản Văng Tắt.
|
Năm 2006, sau khi được thành lập, Công ty Hợp tác kinh tế 385 đã nhanh chóng tiến hành khảo sát địa hình, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiệm vụ xây dựng cụm bản Văng Tắt, gồm: Đường giao thông, đập thủy lợi, công trình nước sạch tự chảy, khai hoang đồng ruộng, cung cấp cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su, lúa nước và chăn nuôi; xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, kỷ luật dân vận. Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đường sá đi lại hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt; phong tục tập quán và trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu.... Nhưng, với những cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ, đến đầu năm 2012, Dự án xây dựng cụm bản Văng Tắt đã hoàn thành với hơn 41km đường giao thông; 2 cầu bê tông cốt thép dài 45m; 2 công trình thủy lợi; 4 hệ thống nước sạch tự chảy và các công trình nhà trẻ, trường học, bệnh xá, trụ sở làm việc, nhà văn hóa các bản; khai hoang, trồng và bàn giao cho bà con 5,5ha ruộng lúa nước…, với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.
Công ty vận động bà con thực hiện tốt quy chế biên giới; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn lượt người, riêng năm 2014 đã khám bệnh, cấp thuốc cho hơn 1.350 lượt người, trị giá tiền thuốc hơn 35 triệu đồng. Người dân địa phương được hưởng lợi từ dự án trên, cuộc sống được cải thiện, nhiều hộ đã biết làm giàu, các hủ tục lạc hậu dần bị loại bỏ, thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh, góp phần bảo đảm an ninh chính trị trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.
Cao su xanh tốt, mùa vàng bội thu
Sau 8 năm xây dựng, phát triển, những người lính Công ty 385 đã đạt được những con số ấn tượng: Trồng và chuẩn bị khai thác gần 1.800ha cao su; 5,5ha lúa nước và tạo điều kiện cho bà con trồng lúa trên đất xen canh hơn 195ha; gần 800 lao động là người dân địa phương nhận khoán, trồng chăm sóc cao su, thu nhập bình quân khoảng 2000 kíp/người/tháng (khoảng 5 triệu đồng Việt Nam). Công nhân, người lao động yên tâm nhận khoán và gắn bó với công ty.
Đại tá Cao Hùng Phi, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy công ty, người đầu tiên bổ nhát cuốc khai hoang đất dự án cho biết: “Ban đầu triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bà con chưa biết gì về cây cao su, không ủng hộ chủ trương trồng lúa nước. Đội ngũ cán bộ, công nhân phải ở tạm giữa rừng sâu hẻo lánh, điều kiện rất khó khăn, địa bàn phức tạp, giao thông hiểm trở, thời tiết mưa, nắng thất thường, giá cả các mặt hàng đắt hơn nhiều so với ở Việt Nam. Nhiệm vụ đặt ra cho cán bộ, nhân viên là làm sao để tiếp cận, gần gũi và giúp bà con nhân dân Lào hiểu về nhiệm vụ mà công ty đang thực hiện, tin tưởng vào hiệu quả của việc trồng cây cao su, lúa nước, lúa xen canh”.
Với phương châm “trăm nghe không bằng mắt thấy”, công ty đã đưa một số trưởng bản, lao động của bạn Lào sang vùng lúa nước, cao su của các công ty: 72, 74, 75 trên vùng biên giới Đức Cơ, Gia Lai để tham quan, giúp họ hiểu biết thêm, củng cố niềm tin vào dự án. Cùng với mở rộng diện tích trồng cao su, lúa nước, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động người Lào, Công ty 385 tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở huyện Sa-ma-khi-xay và huyện Phu Vông, lắp đặt 5 trạm biến áp trị giá hơn 1 tỷ đồng; đầu tư 5,5 tỷ đồng xây dựng 10km đường dân sinh liên bản; hỗ trợ các hoạt động của địa phương hơn 200 triệu đồng… Công ty cũng làm tốt công tác dân vận, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hướng dẫn cho bà con cách trồng, chăm sóc, cạo mủ cao su, thu hoạch lúa nước. Đến nay, các đơn vị của công ty đã kết nghĩa với 6 bản, dự kiến thời gian tới sẽ kết nghĩa với toàn bộ các bản trong vùng dự án. Chứng kiến buổi lễ “gắn kết” giữa Đội 2 của công ty với bản Soọk, huyện Sa-ma-khi-xay, chúng tôi thấy không khí thật sôi nổi, vui vẻ và ấm tình hữu nghị. Bên ché rượu thơm hương lúa mới, mọi người xúc động làm lễ cột chỉ tay trong dìu dặt lời ca, điệu múa: Bản Lào chúc phúc cho anh/ Trắng tinh sợi chỉ hiền lành buộc tay/ Mỏng manh một sợi chỉ gầy/ Buộc hờ mà trói lòng này khôn nguôi...
Không giấu được niềm vui, ông Bun Niên (57 tuổi) ở cụm bản Văng Tắt, người đầu tiên nhận 5 sào lúa nước của Công ty 385 xúc động nói: “Ở đây, bà con mình từ xưa tới nay không ai trồng lúa nước và lại càng không biết trồng lúa trên đất xen canh. Sống du canh du cư nên bà con mình khổ cực, thiếu đói mỗi năm từ 2-3 tháng. Từ ngày có hạt lúa của bộ đội Việt Nam, đời sống bà con mình ổn định, phát triển. 5 năm nay, bản mình không còn hộ đói; hộ nghèo cũng giảm, không còn ai phải vào rừng đào củ mài để ăn khi mùa giáp hạt đến". Cũng tâm trạng mừng vui, ông Thạo In Păn (66 tuổi), Trưởng bản Bèng Phu Khăm nói: “Bản mình đã trồng được 200ha cao su, có 150 hộ nhận khoán. Từ khi trồng cây cao su và trồng lúa xen canh, đời sống bà con ổn định”.
Tháng 9-2014, trong chuyến thăm và làm việc với Binh đoàn 15, đồng chí Thượng tướng Sẻng-nuôn Xay-nha-lạt, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa DCND Lào đánh giá cao và khẳng định, việc thực hiện các dự án kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng và phát triển cây cao su, lúa nước trên đất Lào, đặc biệt là việc triển khai xây dựng cụm bản Văng Tắt là một chủ trương đúng đắn của hai Đảng, hai Nhà nước, thể hiện tình hữu nghị đặc biệt Việt-Lào. Thành công từ cụm bản Văng Tắt đã thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Lào phát triển, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới hai nước Việt-Lào ngày càng ổn định, bền vững.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI