QĐND Online - Đoàn Kinh tế- Quốc phòng 313 đứng chân trên địa bàn 12  xã biên giới vùng đá cao cực bắc của tỉnh Hà Giang. Hơn chục năm trước, nơi đây còn là vùng “trắng” dân cư. Thế nhưng, kể từ khi Đoàn thành lập, vùng đất này đã từng ngày thay da, đổi thịt. Cuộc sống của bà con các dân tộc nơi đây tuy chưa hết nghèo khó nhưng bước đầu đã có của ăn, của để...

Thực hiện “3 cùng”

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Đoàn bộc bạch, dù đã chuẩn bị trước tư tưởng là sẽ phải đối mặt với không ít thử thách, cam go, thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ, các anh cũng không thể lường hết được khó khăn lại nhiều đến thế: Địa hình núi đá, cơ sở điện, đường, trường, trạm đều chưa có, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu còn ăn sâu, bám rễ dai dẳng; đời sống bà con phần đông trong cảnh nghèo túng, nhiều gia đình mỗi năm thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng. Cùng với đó, bom, mìn sót lại trong chiến tranh luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn… Nhưng, điều các anh lo lắng, trăn trở nhất vẫn là: Phải bắt đầu tháo gỡ từ đâu? Bằng cách nào?

Hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây.

Lãnh đạo, chỉ huy Đoàn tổ chức nhiều cuộc họp bàn và xác định rõ: Trước hết, phải đến với bà con, tìm hiểu tập tục ăn, ở ra sao, cần gì…để từ đó giúp bà con tháo gỡ, tìm hướng làm ăn mới. Vì thế, ngay sau khi tạm ổn định xong nơi ăn, chốn ở, đồng chí Đoàn trưởng đã dẫn đoàn cán bộ chủ chốt khăn gói vào tận Quân khu 4 tìm hiểu mô hình và cách làm của Đoàn 4. Đây là mô hình đã có nhiều thành công trên vùng đất xứ Nghệ mấy năm qua. Tuy nhiên, những điều các anh tiếp thu ở đây lại không thể đem triển khai áp dụng được, bởi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, con người... vùng đất này hầu như khác biệt. Không cam chịu bó tay, các anh đã chia nhau ra thành nhiều tổ, đội, lặn lội đến “3 cùng” với đồng bào.

Bà con trong vùng dự án thuộc nhiều dân tộc khác nhau, phần đông chỉ mới biết đọc, biết viết tên mình. Vì thế, sẽ là “công cốc” nếu cán bộ chỉ lên lớp “lý thuyết suông”. Hiểu rõ điều này, ở từng tổ, đội, các anh đã làm những mô hình vườn mẫu cho bà con học tập. Quân số ít, mỗi đội chỉ có 3-4 người, thế nhưng mùa nào thức nấy, không khi nào trong vườn thiếu rau xanh. Mỗi chuồng lúc nào cũng có vài ba con lợn thịt. Nhiều đội còn nuôi được cả bò, dê, ngăn suối thả cá..., tiêu biểu như  Đội sản xuất số 2. Hiện Đội tổ chức nuôi tới gần 70 lợn đen, 500 con gà, 30 con thỏ và gần 100 chim bồ câu. Đoàn còn tổ chức quy hoạch một vườn thực nghiệm để thẩm định khả năng thích nghi, hiệu quả kinh tế từng giống cây trồng trước khi hướng dẫn bà con phát triển nhân rộng. Đặc biệt, chỉ huy Đoàn chủ trương  mỗi đội một năm phải “đỡ đầu” cho 1 gia đình khó khăn nhất trong bản, tìm mọi cách để “vực” họ vươn lên, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ gia đình đó trong vòng 3 năm tiếp theo. Thấy bộ đội làm ăn có hiệu quả, bà con dần dần bảo nhau học làm theo.

Trong quá trình “3 cùng”, các anh đã phát hiện giống cây thảo quả khi đem trồng dưới tán rừng sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại giữ gìn, bảo vệ độ mầu mỡ cho rừng. Kể từ đó, thảo quả thật sự là cây “cứu cánh” cho người dân nơi đây. Từ vốn ban đầu hơn chục héc-ta thảo quả trồng phân tán (năm 2003), hiện nay, Đoàn đã hỗ trợ quy hoạch, phát triển lên tới 1.102ha. Ngoài thảo quả, mô hình nuôi lợn đen và gà xương đen cũng được Đoàn ưu tiên phát triển, nhân rộng trong vùng dự án vì các giống vật nuôi này rất phù hợp với khí hậu vùng cao. Đoàn cũng đã cấp giống ngô lai và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc; góp phần nâng năng suất ngô lên gần 4 tấn/ha, cao hơn nhiều lần so với trước. Mới đây, Đoàn bắt đầu triển khai thực hiện dự án giảm nghèo với tổng số vốn là 1 tỷ đồng do Bộ Quốc phòng cấp, giúp 129 hộ nghèo của 5 xã biên giới huyện Vị Xuyên phát triển chăn nuôi lợn đen, gà xương đen, trồng cây su su, khoai tây, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tiến hành khảo sát cụ thể từng địa bàn, thống nhất triển khai dự án xây dựng các công trình dân sinh thiết yếu. Sau đó, chính các anh lại là những người giám sát, theo dõi tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình đó, rồi tham gia nghiệm thu, bàn giao, hướng dẫn bà con sử dụng, phát huy hiệu quả công trình. Đến nay, Đoàn đã hoàn thành xây dựng 9 công trình thủy nông trên địa bàn, bảo đảm đủ nước tưới cho hơn 305ha ruộng lúa nước và nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân. Mới đây, đường nước sinh hoạt phục vụ khu xóm mới Pa Hán (Thanh Thuỷ) đã được khánh thành, cung cấp nước cho 24 hộ với 175 nhân khẩu. Rồi nhiều trường học, trạm điện hạ thế cũng đã mọc lên, đường giao thông liên thôn, liên xã cũng đang trong quá trình triển khai thực hiện… Cuộc sống bà con vùng dự án dần được cải thiện, hướng tới no đủ. Nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Gần 50% số hộ đã mua được ti-vi, đài bán dẫn; 826 hộ đã có điện thắp sáng. Nhiều gia đình đã mua được xe máy... Từ năm 2002 đến nay, số hộ nghèo vùng dự án liên tục giảm. Nếu như năm 2002, có tới 71% số hộ trong vùng thuộc diện nghèo thì năm 2013, con số này chỉ còn 27%.  Đời sống bà con ngày càng khấm khá nên tỷ lệ trẻ em đến trường cũng ngày càng tăng lên. Từ chỗ chỉ có khoảng 50% trẻ em đi học, đến nay, con số đó là 98%.

Gặp chúng tôi tại khu nhà ở Đội 3, anh Giàng Văn Phia, một cựu chiến binh dân tộc Tày ở thôn Cóc Nghè (xã Thanh Thuỷ) “khoe”: “Nhờ bộ đội cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, trồng ngô lai mà 5 năm nay, cả bản không còn gia đình nào thiếu ăn nữa. Cám ơn bộ đội nhiều lắm”. Còn anh Giàng Chẩn Ly ở thôn Cáo Sào (xã Lao Chải) thì không giấu nổi vẻ hồ hởi: Mấy năm vừa rồi thảo quả được mùa, lại được giá nên bà con vui cái bụng lắm. Không có Bộ đội Cụ Hồ, cái đói, cái nghèo còn đeo bám dân bản không biết đến khi nào...

Thay đổi tập tục lạc hậu

Tuyên truyền cách bảo vệ sức khỏe cho bà con các dân tộc.

Thành công có ý nghĩa “đột phá” ở vùng dự  án Vị Xuyên chính là sự thay đổi một trong những tập quán có từ đời xa xưa ở nơi đây, đó là đưa gia súc, gia cầm ra “ở riêng”. Trước đây, bà con các dân tộc thường nuôi gia súc, gia cầm ngay dưới sàn nhà. Không chỉ mất vệ sinh, đó còn là nguồn gốc sinh ra nhiều dịch bệnh. Theo các cán bộ Đội sản xuất số 3, vấn đề tưởng chừng đơn giản song khi đến vận động, nhiều hộ không đồng ý. Người thì vin lý do sợ mất trộm, sợ bị ốm đau; nhà thì bảo không có tiền… Cái chính là họ không muốn thay đổi tập quán cố hữu từ bao đời nay. Không nản, các anh đến gặp 2 cán bộ thôn chủ chốt là bí thư, trưởng thôn, đề nghị họ vận động gia đình mình gương mẫu làm trước. Hai vị đồng ý, cả Đội mừng như “bắt được vàng”. Không chỉ hướng dẫn, cả Đội còn xúm vào cùng giúp san nền, chặt cây dựng chuồng, hỗ trợ tiền mua tấm lợp... Ngày đưa trâu, bò về “nhà mới”, bà con trong thôn tò mò kéo đến xem. Những ngày sau, chẳng thấy trâu, bò bị ốm đau, ruồi, muỗi cũng giảm hẳn, thế là bà con tự giác bảo nhau làm theo. Đến nay, không chỉ ở thôn Cóc Nghè mà nhiều xã trong vùng dự án đều đã hoàn thành việc di chuyển chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà ở. Tiếp đà thắng lợi này, các anh liền xúc tiến vận động bà con ốm đau phải đi khám bệnh, không tổ chức cúng bái, vừa tốn kém, lại không khỏi bệnh. Được trên giúp đỡ, năm 2004, Bệnh xá quân dân y kết hợp đầu tiên của vùng dự án đã được khánh thành tại xã Thanh Thủy, được trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Hằng ngày, y, bác sĩ của Đoàn thay nhau tham gia trực tại đây. Định kỳ mỗi năm 2 lần, quân y Đoàn đến từng thôn, bản để tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; kịp thời phát hiện nhiều trường hợp bệnh lý nặng gửi lên tuyến trên điều trị. Hiện nay, tất cả các thôn, bản trong vùng dự án đều được trang bị túi thuốc y tế, có đủ các loại thuốc thông dụng như cảm cúm, đường ruột…; 2 xã Xín Mần và Thanh Thủy đã được trên công nhận xã đạt chuẩn về y tế.

Giờ đây, với đồng bào các dân tộc khu KT-QP Vị Xuyên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 313 đã như là người nhà, là họ hàng thân thiết. Bà con trìu mến gọi họ là những người “mang mùa xuân về bản”. Họ chính là điểm tựa vững vàng của thế trận lòng dân nơi biên cương Tổ quốc thân yêu.

Bài, ảnh: NGUYỄN QUANG