QĐND Online - Hơn 5 năm qua, ở khu phố 5, phường 3, TP Tây Ninh, ai cũng biết đến “Lớp học nhân ái” của bà Phạm Thị Xuân, cựu giáo chức, cựu chiến binh phường 3.

Bà Phạm Thị Xuân trong lớp học ấm cúng cùng với trẻ em khuyết tật.

Bà sinh ra và lớn lên ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, là sinh viên sư phạm, năm 1974 xung phong đi bộ đội vào Đoàn 581 – Quân khu 3. Trong thời gian tại ngũ, bà luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được đồng chí, đồng đội yêu mến, cấp trên biểu dương, khen thưởng.

Năm 1977, bà xuất ngũ trở về ngành giáo dục của địa phương và chuyển vào sinh sống tại tỉnh Tây Ninh cùng chồng. Sau gần 20 năm làm giáo viên, năm 2004 vì lý do sức khỏe, bà nghỉ hưu.

Tuy nghỉ hưu nhưng với tâm huyết của một cựu giáo chức, bà Phạm Thị Xuân vẫn đau đáu trong lòng khi nhìn thấy xung quanh còn nhiều cháu có hoàn cảnh đặc biệt, bị khuyết tật không thể đến trường như bao trẻ em bình thường. Năm 2010, bà mạnh dạn đề nghị phường 3 mở “Lớp học nhân ái” cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn phường, do Hội khuyến học phường 3 quản lý.

Được sự hỗ trợ của Đảng ủy, chính quyền, Hội phụ nữ phường 3, Hội khuyến học tỉnh, Hội phụ nữ và Đoàn thanh niên Công an tỉnh Tây Ninh, bà Xuân đã duy trì “Lớp học nhân ái” gần 5 năm qua. Phòng học được xây dựng trên phần đất của gia đình tuy chưa được khang trang, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy và học chưa đầy đủ, nhưng lớp học của bà Xuân luôn ấm áp tình người, chứa đầy ý nghĩa nhân văn. Từ ngày đầu thành lập lớp cho đến nay, gần như bà đã dành trọn đồng lương nghỉ hưu ít ỏi cho lớp học. Tiếng lành đồn xa về việc bà Phạm Thị Xuân mở lớp dạy dỗ, chăm sóc các cháu khuyết tật, nhiều tập thể, cá nhân, mạnh thường quân trên địa bàn phường 3 và địa phương lân cận đã tự tìm đến, chung tay góp công, góp của phụ giúp bà để duy trì lớp học nhân ái ngày càng tốt hơn.

Có mặt tại lớp học khuyết tật của cựu chiến binh, cựu giáo chức Phạm Thị Xuân chúng tôi hết sức cảm phục tấm lòng của bà. Dù tuổi cao, hằng tuần từ ngày thứ hai đến thứ sáu, bà Xuân đều đứng lớp từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút. Không chỉ dạy học, bà Xuân còn dành thời gian chăm sóc những đứa trẻ như người mẹ thứ hai của chúng.

Bà Phạm Thị Xuân, cùng các đại biểu trong ngày khai giảng năm học mới 2014- 2015

Bà Xuân không chỉ được mọi người biết tới là bà giáo của “lớp học nhân ái”, mà bà còn là một nhân tố rất nhiệt tình trong vận động nhóm từ thiện Xuân Hương, khu phố 5, phường 3 và nhiều mạnh thường quân đóng góp mua thẻ bảo hiểm y tế cho những người có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời mỗi tuần nấu 100 suất cháo dinh dưỡng từ thiện tặng bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. Đối với học sinh của mình, bà thành lập tổ cứu trợ mỗi tháng tặng cho 5 cháu trong lớp, mỗi cháu 10kg gạo. Bên cạnh đó, với cương vị Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ của phường, đồng thời là Chi hội trưởng Hội khuyến học khu phố 5, phường 3, bà thường xuyên đi tìm hiểu, bàn bạc tìm công ăn việc làm cho đồng đội, người nghèo, các gia đình trẻ em khuyết tật, động viên, giúp đỡ họ khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Với những suy nghĩ và việc làm cống hiến cho cộng đồng, xã hội suốt nhiều năm qua, bà Phạm Thị Xuân đã nhiều lần được ngành giáo dục công nhận giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua, được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, của ngành giáo dục và được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tặng thưởng bằng lao động sáng tạo về hoạt động chăm sóc thanh thiếu niên nhi đồng. Bà Phạm Thị Xuân còn được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong 2 năm 2011 – 2012 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, với bà những phần thưởng đó khó có thể sánh với sự thành công của những “đứa con” mà bà chăm sóc, đặc biệt là 2 cháu mồ côi mà bà nhận đỡ đầu nay đã thành đạt, một người dạy học ở trường Tiểu học xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh; một cháu đã tốt nghiệp đại học kế toán tài chính. Đó chính là “món quà” quý giá nhất đối với những đóng góp của bà cho cộng đồng, cho xã hội.

 

Bài, ảnh: LÊ HUY THƯỜNG