QĐND - Đã nhiều lần lên rừng, xuống biển đi làm công tác vận động quần chúng cùng cán bộ Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (KH-CNQS), thế mà chúng tôi vẫn bất ngờ về cách làm của các nhà khoa học quân đội...
Hai ngôi nhà tình nghĩa
Cuối năm 2013, cán bộ và nhân dân các xã Hoa Thám và Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, vui mừng chứng kiến lễ bàn giao hai ngôi nhà tình nghĩa cho ông Tôn Văn Tờ là con liệt sĩ Tôn Văn Kẹn; bà Nông Thị Ven là con liệt sĩ Nông Văn Lôi. Hai ngôi nhà do Viện KH-CNQS thực hiện là những ngôi nhà tình nghĩa đầu tiên được xây dựng tại địa phương dành tặng đối tượng chính sách trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 /22-12-2014). Cũng ngày hôm đó, Viện KH-CNQS còn tặng hàng trăm phần quà, tổng trị giá hàng chục triệu đồng cho các đối tượng chính sách và hơn 6000 bộ quần áo cho nhân dân địa phương. Ông Tôn Văn Tờ xúc động: “Nhờ cán bộ Viện KH-CNQS giúp đỡ, gia đình tôi đã có được ngôi nhà mới khang trang, kiên cố. Để làm căn nhà thế này, có lẽ cả đời tôi lao động, tích cóp cũng khó làm được"...
 |
Viện KH-CNQS triển khai hệ thống lọc nước cho Trường THCS Tam Kim, huyện Nguyên Bình.
|
Nhớ lại những công việc đã làm, Đại tá Trần Đức Long, Chủ nhiệm Chính trị Viện KH-CNQS thông tin: Đầu năm 2013, Đảng ủy, chỉ huy Viện KH-CNQS đã có chủ trương tổ chức cho cán bộ, nhân viên về nguồn, thăm lại nơi ra đời của quân đội ta tại huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), đồng thời chọn nơi đây là địa điểm tổ chức hoạt động tri ân với các đối tượng chính sách và nhân dân trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2014 và 2015. Mặc dù bận nhiều công việc, nhưng cả giám đốc và chính ủy đều thu xếp để tham gia đoàn về nguồn. Sau buổi làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo của viện đã đề nghị được phối hợp với địa phương để giúp đỡ chăm lo các đối tượng chính sách. Được lời như cởi tấm lòng, ông Bế Xuân Tiến, Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình xúc động đáp lại: “Các đồng chí là một trong những đơn vị đầu tiên về giúp đỡ địa phương chăm lo thực hiện công tác chính sách và các hoạt động hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Địa phương còn rất nghèo và khó khăn, vì thế, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của viện và các đơn vị, tổ chức, đoàn thể trong cả nước, để bảo đảm cho cuộc sống của các gia đình chính sách ngày càng được cải thiện hơn”.
Việc làm của Viện KH-CNQS đã thể hiện sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với cán bộ, nhân viên đơn vị. Cùng tham gia đoàn công tác hôm đó còn có Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ thông tin và Truyền thông (Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất, Viện KH-CNQS). Hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Tôn Văn Tờ khiến anh rất trăn trở. Bản thân ông Tờ và vợ bị bệnh lâu năm, sức khỏe yếu, đứa con nhỏ ốm đau, còi cọc, bữa ăn hằng ngày của gia đình chủ yếu là ngô, khoai với rau rừng. Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Thắng đã nhờ một cán bộ địa phương mỗi tháng mua giúp 30kg gạo và hai hộp sữa để tặng gia đình ông Tờ. Việc làm này sẽ được anh Thắng thực hiện cho đến khi cháu bé học hết trung học phổ thông.
Qua những việc làm cụ thể, cán bộ, nhân viên Viện KH-CNQS càng hăng hái tham gia vào công tác chính sách, dân vận của đơn vị. Trong hai năm 2012-2013, toàn viện đã quyên góp, ủng hộ được hơn 1 tỷ đồng xây dựng 7 ngôi nhà tình nghĩa, tặng hàng trăm phần quà cho các đối tượng chính sách. Hướng về Điện Biên, vừa qua, viện đã tổ chức thăm, tặng quà các cháu học sinh Trường Tiểu học bán trú dân nuôi Hoàng Văn Nô, xã Tà Lèng, TP Điện Biên Phủ, với số tiền trị giá 50 triệu đồng…
Đưa sản phẩm mới đến với dân
Trong quý 2-2014, Thiếu tướng Hoàng Bằng, Chính ủy Viện KH-CNQS cùng với một số cán bộ của viện ra công tác tại Trường Sa và gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân các xã đảo thiết bị lọc nước biển và xà phòng sinh học dùng trong môi trường nước mặn. Vừa trở về viện, Thiếu tướng Hoàng Bằng lại cùng lãnh đạo, chỉ huy viện chỉ đạo, đôn đốc đơn vị khẩn trương hoàn thành 500 khẩu phần ăn dạng tuýp (suất ăn bổ sung, tăng cường) và 40 lít xà phòng sinh học để kịp thời tặng các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân tham gia đấu tranh chống việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa và vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các anh cũng kêu gọi tài trợ, triển khai lắp đặp hệ thống chẩn trị y học từ xa kết nối Bệnh xá xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Thiếu tướng Hoàng Bằng nói với tôi: “Càng đi tới những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, tận mắt được chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của bà con, chúng tôi càng phải nỗ lực để giúp đỡ nhân dân nhiều hơn nữa. Bởi đó chính là “mệnh lệnh từ trái tim” của mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội nói chung và cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Viện KH-CNQS nói riêng. Với thế mạnh của một đơn vị nghiên cứu khoa học-công nghệ đa ngành của quân đội, ngoài các sản phẩm phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi còn có nhiều sản phẩm phục vụ đời sống, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân. Đưa những sản phẩm khoa học, cùng kiến thức, kinh nghiệm phục vụ nhân dân đó là biện pháp hay của đội ngũ các nhà khoa học trong thực hiện công tác dân vận”.
Đọc những trang thư của các địa phương, đơn vị, trường học và người dân khắp mọi miền Tổ quốc gửi về cảm ơn cán bộ, nhân viên Viện KH-CNQS, chúng tôi khá bất ngờ về những kết quả của viện đã làm những năm qua. Đó là những túi cao su, hệ thống lọc nước lắp đặt tại các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, giúp đồng bào và các cháu học sinh có nước sinh hoạt trong những ngày khô hạn. Những tủ sách khoa học, những buổi nói chuyện, tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nhân dân các địa phương kết nghĩa tại huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh); huyện Lạng Giang (Bắc Giang); huyện Hoài Đức (TP Hà Nội)… Ấn tượng hơn nữa là những phòng máy vi tính hiện đại, trị giá hàng trăm triệu đồng được lắp tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa); huyện Kim Bôi (Hòa Bình); huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)… đã tạo điều kiện cho thầy và trò các trường ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận dễ dàng hơn với tin học. Chúng tôi được biết, sau khi triển khai xong phòng máy vi tính tại xã Tam Kim, lãnh đạo huyện Nguyên Bình đã đề nghị Viện KH-CNQS giúp đỡ lắp đặt một phòng máy tính tại Trường Tiểu học thị trấn Nguyên Bình, để hình thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên trong huyện và là nơi học tập tin học cho học sinh tiểu học của thị trấn.
Giúp dân bằng nhiều nguồn
Trong vài năm gần đây, Viện KH-CNQS đã huy động được nhiều tỷ đồng, xây dựng hàng chục ngôi nhà cho các đối tượng chính sách, lắp đặt các phòng máy vi tính, tủ sách khoa học… Có được kết quả này, theo Thiếu tướng Đoàn Nhật Tiến, Giám đốc Viện KH-CNQS, đó là kết quả của sự đổi mới nhận thức và cách làm theo tinh thần đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới. Lâu nay, chúng ta vẫn thường tách rời các hoạt động dân vận, chính sách, xây dựng nông thôn mới thành từng mảng riêng biệt, nhưng thực ra là “3 trong 1”. Tất cả cùng hướng đến mục đích dân vận tốt, giúp đỡ nhân dân thiết thực, hiệu quả. Với quân số không được dồi dào như những đơn vị khác, việc huy động kinh phí quyên góp, ủng hộ của cán bộ, nhân viên trong viện sẽ không được nhiều. Để giải bài toán “đầu tiên” hóc búa này, Viện KH-CNQS đã huy động sức mạnh tổng hợp từ nguồn xã hội hóa, chủ động vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, đối tác, bạn hàng, các nhà hảo tâm cùng tham gia, đồng thời tận dụng thế mạnh của viện về chất xám, về sản phẩm có hàm lượng khoa học cao và tập trung vào đối tượng, địa phương cụ thể, cho “ra tấm ra món”.
Thiếu tướng Đoàn Nhật Tiến dẫn chứng một ví dụ: Mới đây, sau khi đi khảo sát nâng cấp, sửa chữa hai cây cầu treo bắc qua suối tại hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình. Mặt cầu gập ghềnh những ống tre, mảng gỗ ghép tạm, ai cũng thấy cần phải làm nhanh để giúp đồng bào đi lại bớt khó khăn, nguy hiểm. Nhưng khi chỉ huy viện đưa ra để dân chủ bàn bạc, triển khai thực hiện thì có ý kiến cho rằng, nên giúp địa phương ít tiền tự sửa chữa cho an toàn, bởi trước đó có bài học về vụ đứt cáp cầu treo Chu Va 6… Lãnh đạo, chỉ huy viện khi ấy đã giải thích: “Việc giúp đồng bào không chỉ có tiền là xong, bởi đơn vị cũng đâu phải có nhiều tiền. Nhưng nếu cán bộ, nhân viên trực tiếp làm thì sẽ ý nghĩa hơn nhiều. Cán bộ của viện có thể thiết kế, sản xuất vật liệu, thì chắc chắn sẽ làm được cầu, thậm chí còn làm với chất lượng tốt, an toàn!”. Thấy lãnh đạo, chỉ huy viện quyết tâm như vậy nên ai cũng đồng lòng thực hiện.
Bây giờ thì hai bản thiết kế của hai cây cầu đã được cơ quan chức năng địa phương thẩm định, phê duyệt. Nhân công, vật liệu, kinh phí cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Viện KH-CNQS đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai sửa chữa, dự kiến sẽ hoàn thành vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Những cây cầu của Viện KH-CNQS sẽ kết nối những bờ vui, góp phần tạo ra diện mạo mới cho vùng quê cách mạng và cũng sẽ bắc thêm nhịp cầu của tình quân, dân gắn bó, bền chặt.…
Bài và ảnh: VŨ XUÂN DÂN