QĐND - Những ngày cuối tháng 11, khi những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về, cũng là lúc người dân xã vùng cao Phiêng Pằn (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) rục rịch dọn nhà để đón khách. “Khách quý” mà bà con dân bản ngóng chờ là đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Mười năm qua, Sơn La là điểm đến thường xuyên của các thầy thuốc bệnh viện, nhưng với người dân xã Phiêng Pằn, đây là lần đầu tiên họ được đón các thầy thuốc mặc áo lính.
Nhiều ngày trước, bà con vừa mong ngóng khách, vừa “cầu trời” đừng mưa, bởi chỉ sau một trận mưa thì con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu dài hàng chục ki-lô-mét từ Quốc lộ 4G vào các bản sẽ nhanh chóng trở thành những bãi lầy trơn trượt, sạt lở. Rồi trời cũng chiều lòng người. Những chuyến xe chở đoàn công tác lần lượt vượt qua những dốc cao hiểm trở tới các điểm khám ở bản Nà Hiên và trung tâm y tế xã. Khi đoàn xe gần 10 chiếc của đoàn vào tới nơi, Chủ tịch UBND xã Lù A Dủa thở phào, bảo: “Chưa khi nào xe to vào tận các bản như thế này, các thầy thuốc đi giỏi quá!”.
Trong lúc mặn chuyện, tôi tranh thủ hỏi Chủ tịch Lù A Dủa về tình hình “điện-đường-trường-trạm” ở địa phương. Anh bảo, xã có 19 bản thì còn tới 14 bản đặc biệt khó khăn, nhưng khó khăn nhất vẫn là việc đi lại. Anh Dủa kể như để “bổ sung” về sự gian nan của con đường: “Mỗi khi mua xe về, việc đầu tiên là chủ nhân phải thay những chiếc lốp xe gắn máy bằng loại lốp “chân chó” để thích nghi với những đoạn đường đất, nhiều đèo dốc. Vào mùa mưa (từ tháng 9 năm trước tới tháng 1 năm sau), muốn ra được đường nhựa thì phải lấy xích cam hoặc dây cao su quấn vào hai lốp của xe máy. Làm như vậy, lốp xe sẽ bám đường hơn”.
 |
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Oanh Oanh (Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103) tới khám bệnh, cấp thuốc tại nhà ông Vàng A Chái (bản Pá Ban, xã Phiêng Pằn).
|
Nghe chuyện, tôi tỉ mẩn quan sát những "chú ngựa sắt" của người dân Phiêng Pằn. Ở vùng núi nên những chiếc xe gắn máy của bà con thường rất nhanh hỏng. Nhưng chuyện hại xe cũng không đáng ngại bằng việc phải tìm cách để đi lại mỗi khi gặp trời mưa. Vì thế, trong cốp xe, người nào cũng chuẩn bị một bộ xích cam hoặc những đoạn dây cao su. Song, không phải ai cũng có thể đi tốt bằng những “đồ nghề” ấy. Đầu năm học vừa qua, nhiều cô giáo đã không thể đi xe gắn máy vào các điểm trường do đường quá lầy lội. Các cô đành dựng xe đứng nhìn rồi gọi điện, chờ người ra đón. Có lần, chính Chủ tịch Lù A Dủa đã phải phóng xe gắn máy ngược trở ra để… trả lời phỏng vấn, bởi xe của các phóng viên truyền hình không thể vượt qua dốc Phiêng Khàng…
“Mùa khô thì lại có nỗi khổ khác, ấy là trời không mưa cũng phải mặc áo mưa!”, ông Lù A Dủa tếu táo bảo. Quả thực, trời nắng chang chang, chúng tôi đã gặp rất nhiều người dân khoác áo mưa, bởi nếu không, bụi đường sẽ làm cho quần áo họ đổi màu sau hơn 10km đánh vật với đường đất.
Chưa phải nếm trải những gian nan như lời kể của ông chủ tịch xã, nhưng chuyến đi lần này, các thành viên trong đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 103 cũng đã không ít lần phải xuống để đẩy xe qua những đoạn đường hiểm trở. Họ cũng nhiều lần chứng kiến tiếng động cơ rít lên và những bánh xe quay tít mỗi khi vượt qua những con dốc mang tên: Thẳm Khắp, Pá Ló, Phiêng Khàng… Nhưng rồi mọi vất vả, mệt nhọc đã nhanh chóng được xua tan, bởi ngay trong ngày đầu tiên, các thầy thuốc quân y đã đón tiếp rất đông người dân là đồng bào các dân tộc thiểu số: Xinh Mun, Mông, Thái... lặn lội từ các bản xa tới khám bệnh và tư vấn sức khỏe. Đoàn công tác còn mang theo những gói quà, những túi thuốc nghĩa tình để gửi tặng bà con; mang tặng các hộ nghèo và gia đình chính sách những chiếc chăn, tặng các em nhỏ những bộ quần áo ấm và đồ dùng, dụng cụ học tập…
 |
Người dân Phiêng Pằn được các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 103 khám và tư vấn sức khỏe tại Trung tâm Y tế xã.
|
Tại điểm khám đặt ở bản Két Hay, tôi gặp ông Sồng A Phử, một thương binh đến từ bản Nà Pồng. Sau khi khám bệnh xong, ông cầm túi thuốc và chiếc chăn được tặng rồi đi bộ về nhà cách đó hơn 5 cây số. Tôi hỏi: “Sao bác không nhờ con cháu đến chở về”. Ông cười, bảo: “Không cần đâu, thầy thuốc ở xa thế mà còn tới được, nhà mình ở gần đây, đi cũng nhanh thôi!”.
Hỏi nhỏ bà con xem trong số những người tới khám bệnh, có ai là thầy cúng. Họ liền giới thiệu một cụ ông tên là Sùng Lao Chư, 90 tuổi, đang ngồi đo huyết áp ở bàn số 3. Chờ ông khám xong, tôi hỏi: “Mỗi khi đau ốm, người dân có hay mời thầy cúng đến “chữa” không?”, ông Chư cười, nói: “Vẫn cúng theo phong tục đấy, nhưng không khỏi được đâu!”. Nhiều người dân cũng có chung tâm sự như ông Chư. Họ bảo, thường thì dân bản vẫn có phong tục cúng để mong mọi người trong nhà khỏi bệnh, nhưng hôm nay, tới các bàn khám, bà con được các thầy thuốc quân y tận tình chỉ dẫn cách giữ sức khỏe, khuyên mỗi khi đau ốm, không nên nghe lời thầy mo, thầy cúng, mà phải tìm đến y tá của bản hoặc tới trung tâm y tế của xã, của huyện.
Thấy hai cậu bé mặc áo blouse trắng rụt rè đứng cạnh bàn khám của các bác sĩ quân y, lân la hỏi chuyện, được biết đó là Lò Văn Ân (16 tuổi) và Vì Văn Xuân (17 tuổi), cả hai đều ở bản Pà Lò, vừa học hết lớp 9 và đang thực tập làm y tá bản từ giữa tháng 11. “Mặc áo trắng vào thấy ngượng lắm!”, Lò Văn Ân bảo với cậu bạn đi cùng. Thì ra, đứng cạnh các bác sĩ, cậu bé người Mông cảm thấy mình không đủ tự tin, nhất là khi lần đầu được khoác lên người trang phục ngành y. Hôm sau, thấy cả hai đã không còn ngượng ngùng nữa, họ vừa cùng các cán bộ y tế xã làm nhiệm vụ hướng dẫn bà con, vừa mạnh dạn tranh thủ học hỏi các thầy thuốc quân y về nghiệp vụ khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe.
Đem chuyện về hai “đồng nghiệp” nhí kể với Đại tá, PGS, TS Nguyễn Oanh Oanh, Phó giám đốc, Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Quân y 103, chúng tôi được chị bộc bạch: “Nhiều lần cùng đồng nghiệp đến với đồng bào các dân tộc thiểu số nên tôi rất hiểu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của bà con. Những ngày “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” ở địa bàn vùng cao biên giới là dịp để chúng tôi chứng kiến vai trò của đội ngũ cán bộ y tế địa phương, kể cả việc bồi dưỡng, đào tạo theo hình thức “cầm tay chỉ việc” như với các em nhỏ này”.
Trong ba ngày làm nhiệm vụ tại Phiêng Pằn, các thầy thuốc của Bệnh viện Quân y 103 không chỉ khám bệnh, tư vấn sức khỏe giúp hơn 7000 lượt người dân mà còn trở thành những “tuyên truyền viên” về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Hiện nay, ở Phiêng Pằn vẫn còn nạn tảo hôn, nhiều gia đình cho con em lấy vợ, lấy chồng từ độ tuổi 15, 16. Có phụ nữ mới qua tuổi 20 mà đã có tới 4-5 con. Một số gia đình còn dựng vợ gả chồng trong những người cận huyết thống, làm ảnh hưởng tới sự phát triển nòi giống và sức khỏe của những đứa trẻ… Thượng tá Trần Văn Bản, Phó chủ nhiệm Chính trị Bệnh viện Quân y 103, bảo rằng: Chuyến công tác lần này của các thầy thuốc quân y là chuyến dã ngoại làm công tác dân vận và những người lính quân y đã có một sự trải nghiệm đầy ý nghĩa về cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa. Anh tâm sự: “Chúng tôi đã có những ngày sống trong nhà dân, ngủ tại các phòng học nội trú, trải chiếu nằm bên những bao gạo do Nhà nước cấp cho các em học sinh… Thời gian công tác không dài, nhưng chúng tôi đã phần nào thấu hiểu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân Phiêng Pằn”.
Lần thứ 10 Bệnh viện Quân y 103 đến với địa bàn Sơn La, nhưng với nhiều bác sĩ trẻ của bệnh viện, đây là chuyến công tác đầu tiên, vì vậy, họ rất ấn tượng với những chiếc cặp lồng cơm của các em học sinh nội trú, một hình ảnh thể hiện sự nỗ lực của Nhà nước với sự nghiệp giáo dục và ý chí, quyết tâm của các em trong việc “gieo” và “gặt” chữ. Hằng ngày, đôi chân trần của các em đã cuốc bộ qua những con dốc quanh co để xách những xô nước sinh hoạt; còn với các thầy, cô ở xa, mỗi tuần, trong ba lô của họ là những bộ quần áo mang theo đủ mặc cho cả tuần, bởi mùa khô, họ không thể có đủ nước giặt... Vì thế mà hầu hết các thành viên trong đoàn công tác, ai nấy đều biết ý tiết kiệm nước và hạn chế tắm, giặt.
Chuyến công tác lần này, Bệnh viện Quân y 103 còn có sự đồng hành của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Trường THPT Hà Nội-Amsterdam. Hai đơn vị đã phối hợp cùng đội ngũ thầy thuốc bệnh viện trao tặng hơn 7000 túi thuốc, hàng trăm bộ quần áo, chăn màn, sách vở, dụng cụ học tập... với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng tới người nghèo, gia đình chính sách và các em học sinh. Những món quà, túi thuốc cùng hàng trăm chiếc chăn bông, áo khoác đoàn mang tặng đã góp phần “lan tỏa hơi ấm” giữa mùa đông Phiêng Pằn.
Tạm biệt Phiêng Pằn, chúng tôi vượt qua các con dốc khúc khuỷu, quanh co để ngược ra Quốc lộ 4G. Dọc đường, cả đoàn lại nhìn thấy những khuôn mặt thơ ngây, những đôi mắt trong veo cùng những chiếc cặp sách còn chạm đất của từng em nhỏ... Ai đó chợt nhắc lời thầy Dừ Lao Ga, người đang có 10 năm công tác ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Phiêng Pằn: “Nếu có điều kiện, mời các thầy thuốc quân y sớm trở lại nơi này, nhưng đừng đến vào mùa mưa nhé, đường khó đi lắm!”.
Bài và ảnh: BÙI VŨ MINH