QĐND - Vùng biển tỉnh Bình Thuận thường xảy ra giông lốc bất ngờ, làm lật, chìm nhiều tàu, thuyền của ngư dân. Những năm qua, để giúp ngư dân vươn khơi bám biển, tàu CN09-BP111901 của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Thuận, ngoài hoàn thành tốt nhiệm vụ tuần tra giữ vững chủ quyền an ninh trên biển, cán bộ, chiến sĩ còn phối hợp với các lực lượng cứu hộ, cứu nạn 17 tàu, thuyền và gần 200 ngư dân bị nạn...

 

Đêm tối, giông lốc với gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu CN09-BP111901 vẫn đang khẩn thiết tìm kiếm chiếc tàu Bth 96984-TS do ông Bùi Văn Toàn làm Thuyền trưởng, bị sóng lớn đánh chìm lúc 16 giờ ngày 8-7-2014. Trên tàu có 19 ngư dân làm nghề đánh cá. Sóng biển cuộn trào dữ dội, nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn dán mắt vào màn hình ra-đa, rồi lại dùng ống nhòm, đèn chiếu... để quan sát. Gạt những giọt nước biển pha lẫn mồ hôi mặn chát trên khuôn mặt, Hạ sĩ Nguyễn Thục, nhân viên hàng hải, bày tỏ: “Chân tay nhức mỏi, chóng mặt nhưng nghĩ đến bà con bị nạn đang giành giật sự sống từng phút với sóng dữ, nên chúng tôi cũng phải tranh thủ từng phút, tích cực quan sát, tìm kiếm”.

Cán bộ, chiến sĩ tàu CN09-BP111901 chuẩn bị ra khơi

Đại úy QNCN Nguyễn Xuân Trường, Thuyền trưởng cho biết: “Chúng tôi tổ chức phương pháp tìm kiếm song song, đón trước hướng gió, mở rộng khu vực tìm kiếm từ 20 đến 30 hải lý, nhưng thật tiếc là đến giờ vẫn chưa phát hiện ra dấu vết tàu bị nạn”. Theo anh Trường, đây là vùng biển thường xảy ra tai nạn. Nhiều ngư dân lớn tuổi vẫn truyền rằng, cách bờ biển TP Phan Thiết từ 22 đến 27 hải lý là vùng biển thường xảy ra lốc xoáy bất ngờ do thời tiết vùng này khá đặc biệt. Giữa vùng biển phẳng lặng, có một số ốc đảo, bãi ngầm, tạo biến đổi gió. Khi xảy ra giông lốc, gió thổi, nước biển bị các đảo, bãi ngầm chắn tạo thành vùng gió xoáy, nước xoáy làm chìm tàu. Hơn nữa, khi qua vùng này, ngư dân đánh bắt từ biển xa về mệt nhọc, tàu chở nặng, lại chủ quan, chằng chéo không tốt, nên cũng là nguyên nhân dẫn đến lật, chìm tàu. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, tính từ năm 2007 đến nay, tại đây đã xảy ra 17 vụ lật, chìm, trôi dạt tàu, thuyền vì sóng lớn do giông lốc gây ra. Khi điều khiển tàu qua vùng biển này, các ngư dân luôn tìm cách vượt nhanh qua bãi “tử thần”.

Biết vùng biển thời tiết khắc nghiệt, những năm qua, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bình Thuận chỉ đạo tàu CN09-BP111901 vừa tuần tra, vừa sẵn sàng tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn (TK, CH, CN). Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ chỉ huy tàu có danh bạ điện thoại các chủ tàu. Còn ngư dân nắm được đường dây nóng của tàu CN09-BP111901. Những năm gần đây, khai thác thủy sản phát triển, lượng tàu, thuyền tăng nhanh, trong khi đó, không ít tàu ngư dân đã qua nhiều năm sử dụng, nên nhiệm vụ TK, CH, CN đặt ra ngày càng cao. Thực hiện nhiệm vụ TK, CH, CN trên biển luôn khó khăn gian khổ, nguy hiểm, nhưng mỗi người chiến sĩ biên phòng của tàu đều hiểu rằng, gắn bó mật thiết với ngư dân là nét đẹp truyền thống, là một trong những nguyên nhân giúp BĐBP hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển.

 

Đơn vị có quy chế phát huy tốt lực lượng “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ). Rồi lại phối hợp với lực lượng Quân sự-Công an-Trung tâm Cứu hộ cứu nạn tỉnh xây dựng phương án tổ chức TK, CH, CN trên biển, phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, đồng thời không ngừng tăng cường đầu tư trang bị cơ sở vật chất, tổ chức huấn luyện bộ đội hành động thuần thục phương án, sử dụng thành thạo trang thiết bị, đặc biệt là kỹ thuật cơ động tàu, xuồng trong sóng to, gió lớn, thời tiết khắc nghiệt, kỹ thuật cứu hộ nạn nhân... BĐBP tỉnh còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng vận động ngư dân thành lập các tổ đoàn kết, kết nghĩa giữa tàu BĐBP với tàu,  thuyền tổ ngư dân; tích cực tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn ngư dân kỹ thuật, quy định công tác bảo đảm an toàn trên biển. Thông qua đó, ngư dân vừa giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật khai thác, đồng thời phối hợp với tàu BĐBP tuần tra kiểm soát, TK, CH, CN, giảm đến mức thấp nhất các rủi ro khi hoạt động trên biển. Từ năm 2007 đến nay, tàu CN09-BP111901 phối hợp với các lực lượng, ngư dân, thực hiện cứu hộ, cứu nạn được 17 tàu, thuyền, gần 200 ngư dân bị nạn. Ngày 13-6-2014, tàu CN09-BP111901 đang tuần tra tại khu vực huyện đảo Phú Quý thì nhận được tin tàu BĐ 91377-TS của ngư dân tỉnh Bình Định bị gió lốc làm trôi dạt nhiều ngày trên biển. Vượt 47 hải lý trong điều kiện sóng to, gió lớn, cán bộ, chiến sĩ kịp thời cứu được 11 thuyền viên và lai dắt tàu bị nạn vào bờ biển TP Phan Thiết an toàn…

Suốt đêm gồng mình chống chọi sóng to, gió lớn đến 8 giờ sáng 9-7-2014, cán bộ, chiến sĩ phát hiện một vệt đen trên mặt biển. Con tàu đè sóng, đổi hướng bám nhanh theo vệt đen nghi ngờ. Đó chính là con tàu bị nạn. Tiếp cận tàu Bth 96984-TS, cán bộ, chiến sĩ thực hiện thuần thục kỹ thuật quăng dây, phao, hạ xuồng, tổ chức cứu nạn. Không khí khẩn trương nhưng cũng rất chính xác. Trung úy QNCN Phạm Đình An cho biết: “Nhìn các nạn nhân bị nạn rất xúc động, tôi phải cố kiềm chế để quăng dây, phao cứu nạn để nạn nhân tiếp cận ở tư thế thuận lợi nhất”. Đến 8 giờ 30 phút, ngày 9-7-2014, các cán bộ, chiến sĩ tàu CN09-BP111901 đã cứu được 4 ngư dân. 11 giờ cùng ngày, đã có 13 ngư dân trong tổng số 19 ngư dân bị nạn được bộ đội biên phòng Bình Thuận cứu sống. Cán bộ, chiến sĩ chăm sóc tận tình, chu đáo, nên sức khỏe các nạn nhân hồi phục nhanh. Ngư dân Bùi Văn Vinh, ngụ ở phường Đức Long, TP Phan Thiết, tâm sự: “Tàu chìm nhanh, chúng tôi chỉ kịp nhảy ra khỏi tàu để khỏi bị va đập. Lúc đó, tôi và 5 ngư dân bấu víu trên chiếc cọc tre nhô trên mặt nước, toàn thân tê cóng vì lạnh. Nếu không được cán bộ chiến sĩ tàu CN09-BP111901 kịp thời đến cứu thì có lẽ chỉ ít phút nữa là chúng tôi không thể trụ nổi…”. Đến 14 giờ ngày 9-7-2014, tàu CN09-BP111901 tổ chức đưa các nạn nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện TP Phan Thiết. Đón chồng trở về sau những ngày khắc khoải âu lo, chị Phạm Thị Tuyến, là vợ ngư dân Võ Mốt, xúc động: “Nếu không có các chú bộ đội cứu giúp, không biết bây giờ chồng tôi ở đâu? Gia đình tôi cảm ơn các anh nhiều lắm! Các anh là điểm tựa tin cậy của ngư dân chúng tôi…”.

Niềm vui của các gia đình khi được đón người thân bị nạn trở về, nhưng ít ai biết, để kịp thời cứu ngư dân trên vùng sóng dữ, nhiều cán bộ, chiến sĩ tàu CN09-BP111901 đã âm thầm vượt qua những hoàn cảnh khó khăn. Sau nhiều lần gặng hỏi, chúng tôi được biết, cái đêm Đại úy QNCN Nguyễn Xuân Trường cùng đồng đội gồng mình chống chọi với sóng gió cấp 7, cấp 8, cũng là đêm vợ anh là chị Huỳnh Thị Mai Linh đang phải giành giật sự sống sau ca đại phẫu thuật tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh. Để thực hiện nhiệm vụ, anh Trường đã nhiều ngày không về nhà. Hai con nhỏ của anh và việc chăm sóc vợ, được gia đình bên vợ và đơn vị hỗ trợ. Câu chuyện về người thuyền trưởng khiến tâm tư các cán bộ, chiến sĩ như chùng xuống...

Nói chuyện với chúng tôi, Thượng úy QNCN Lê Văn Sơn, Máy trưởng cho hay: “Ở đơn vị, các anh chỉ huy rất gương mẫu, vì thế chúng tôi cũng thấy mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Hai năm qua, tôi đã có 9 sáng kiến trong khắc phục sửa chữa tàu, bảo đảm cho con tàu luôn có thể hoạt động tốt”.

Bên cạnh sự nêu gương của cán bộ, cấp ủy, chỉ huy tàu luôn quán triệt giáo dục cho bộ đội nhận thức sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, nhiệm vụ TK, CH, CN, đoàn kết quân dân, đoàn kết trong đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh trên vùng biển đảm nhiệm... Vì vậy mỗi năm, ngư dân đã kịp thời báo cho đơn vị gần 200 tin tức có giá trị, phối hợp xua đuổi nhiều tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền. Tàu CN09-BP111901 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, liên tục từ năm 2008 đến nay được Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, các ngành của tỉnh Bình Thuận khen thưởng.

Rời thành phố biển Phan Thiết vào buổi chiều giông lốc lớn, tôi vẫn thấy cán bộ, chiến sĩ tàu CN09-BP111901 miệt mài cùng ngư dân sửa chữa tàu chuẩn bị cho chuyến tuần tra tiếp theo. Tôi chợt nghĩ, con tàu của BĐBP dù nhỏ bé trước biển trời bao la, nhưng những con người trên con tàu ấy luôn có tinh thần thép với trái tim đầy nhân ái, họ thực sự là “lá chắn” để giúp ngư dân bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN