QĐND - Theo bản vẽ thiết kế, gói thầu mà Lữ đoàn Công binh 249 đảm nhiệm là một trong những đoạn khó khăn nhất của tuyến đường tuần tra biên giới, kéo dài từ địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh) đến Kiên Giang. Những ngày ấy, Sốp Cộp-Sơn La đang cuối mùa mưa, nếu không là những cơn mưa dai dẳng, thì trời cũng mịt mùng với những tảng mây trìu trĩu mọng nước, ngỡ như có thể sập xuống bất cứ lúc nào…
Vai mang mấy chai nước, ít thực phẩm khô dự trữ, trên tay là con dao phát bén nhọn, Trung tá Nguyễn Hữu Hữu-Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn-và chiến sĩ Cao Xuân Đấu cứ dọc suối mà đi. Gặp dây leo thì phát, gặp cây vướng lối thì chặt, như cái thời “đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”. Đến giữa tuyến, đoạn đỉnh núi mờ mịt mây ngàn, dưới là vách đứng và vực thẳm, các anh đành phải bỏ lại con dao rừng để… bò cho tới khi qua bên này mới thở phào nhẹ nhõm. Lúc ấy, đôi bàn tay của cả hai đầy những trầy xước và chi chít vết gai đâm bởi khi nãy để khỏi trượt rơi xuống vực, các anh đã phải ôm cả vào đá nhọn, bám vào gai sắc. Hết tuyến 4km, đi bộ xuống 7km nữa thì trời cũng gần tối. Phát hiện có một bản của đồng bào dân tộc thiểu số ở gần đó, hai anh em bàn nhau vào bản hỏi mấy người già xem có xe ôm để ra không, nhưng ai cũng ngơ ngác lắc đầu. Hóa ra họ không biết tiếng Kinh. Có lẽ mấy cháu bé được đi học sẽ biết… Nghĩ thế, anh liền đi tìm hỏi thì được biết bản có một hai người chạy xe ôm nhưng đường từ đây ra trung tâm huyện mùa này, ban ngày đã vô cùng khó khăn rồi nói gì đi vào ban đêm, nên sẽ không ai nhận đưa các anh ra đó. Không ra được trung tâm huyện thì đêm nay ngủ ở đâu giữa lúc trời mưa rét thế này? Vào bản xin ngủ nhờ? Chập choạng tối, lạ nước lạ cái, người lớn lại không biết tiếng Kinh, đi gõ cửa chắc gì đã được… Chợt nhớ đoạn bắt đầu vào tuyến, anh có nhìn thấy một chiếc chuồng trâu bỏ không của đồng bào, thế là quyết định luôn. Một đêm lạnh, ẩm thấp và muỗi thì như trấu, lại thêm cái đói thi thoảng gõ lọc ọc trong bụng nên dù mệt nhưng hai anh em mãi tới khuya mới ngủ được…
 |
Một đoạn đường tuần tra biên giới do Lữ đoàn Công binh 249 thi công. Ảnh: Văn Du
|
Đó là kỷ niệm đầu tiên với Sốp Cộp, cách nay đã 8 năm. Sau này, khi bắt đầu làm đường trên tuyến, các anh lại có 10m2 “sâu nặng tình cảm” trên đỉnh núi. Số là khi bắt đầu thi công, hầu như điện thoại của mọi người chỉ còn chức năng duy nhất đó là nghe nhạc. Giữa lúc ai cũng nghĩ đành phải “gửi thương nhớ cho mây ngàn” thì tình cờ một lần đi khảo sát trên đỉnh núi, bỗng nhiên nghe có tiếng “tít tít” báo tin nhắn điện thoại ở trong túi của một người. Ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng nghĩ mình nghe nhầm. Chỉ đến khi nghe tiếng hét toáng lên “có sóng điện thoại!” của người có máy vừa tít tít và tất cả xúm lại thấy một vạch sóng chập chờn lúc ẩn lúc hiện thì mới tin đó là sự thực. Hóa ra, chỉ có khoảng 10m2 ở trên đỉnh núi ấy là có sóng và cũng chỉ có chiếc Nokia đen trắng kia mới đủ khỏe để bắt được tín hiệu. Vậy là anh em liền đặt tên cho chỗ ấy là “10m2 tình cảm” bởi bao thương nhớ giận hờn, buồn vui, lo lắng… của mọi người dành cho gia đình đều đem lên đó trút cả. Những ngày làm đường Sốp Cộp thiếu thốn, vất vả nhưng cũng đầy nhung nhớ và kỷ niệm. Có một câu chuyện vui rằng để đỡ nhớ vợ con, mọi người mới đùa, có lẽ phải làm sao đó cho vợ… giận thì mới ổn, không ngờ mưu kế đó lại được anh quân y Thắng đem… áp dụng. Ngay câu đầu tiên gọi về cho vợ, anh đã nặng nhẹ: Em làm sao mà để có người gọi cho anh bảo rằng… Không ngờ cuộc điện thoại ấy, có cả chị gái của anh cũng đang ngồi đó và chiếc điện thoại ngay lập tức được chuyển qua. Thế là anh bị bà chị cho một trận tơi bời!
Lữ đoàn 249 là đơn vị công binh vượt sông và đây là lần đầu tiên các anh tham gia làm đường, nhưng không vì thế mà chất lượng công việc giảm sút. Khi thi công đoạn vách đứng mấy chục mét, nhiều người đến khảo sát lắc đầu cho rằng, kể cả có giàn khoan lớn cũng chưa chắc đã làm được. Bởi nếu đưa giàn khoan vào đây, tay với chỉ trên dưới chục mét cũng không thể với tới và độ mất an toàn là vô cùng lớn! Vậy mà các anh đã làm được. Với kinh nghiệm 20 năm làm công trình, các anh quyết định dùng máy khoan lỗ nhỏ vì loại này có thể dòng dây dài tới… 200m đủ sức để chinh phục vách đá kia. Rồi khi thi công nền đường, tất cả những đoạn gặp đá, các anh không đổ đi mà “để dành” cho những đoạn nền đất yếu. Cách làm ấy giúp cho nền đường chắc đều, không bị sụt, lún. Rồi khi bảo dưỡng bê tông, các anh dùng bao tải đay có cát dày 5cm và cho nước vào để dưỡng bê tông… Hoặc với những đoạn có độ dốc vượt quá 60 phần trăm thì không được đắp bồi (bởi mưa xuống chúng sẽ bị sụt, lở)… Tất cả các kinh nghiệm đó về sau đều được ban quản lý dự án phổ biến cho các nhà thầu áp dụng.
Trung tá Nguyễn Hữu Hữu bảo rằng, dù công việc “đội đá vá… đường biên” khá vất vả, lại thường xuyên ở những nơi thâm sơn cùng cốc, đèo heo hút gió nhưng có những niềm vui mà không dễ gì ở những nơi an nhàn sung sướng có thể có được. Đó là cảnh gia đình A Thào ở bản Nà Pi trèo đèo lội suối gần chục cây số mang gà đến ngồi trước lán của bộ đội để cảm ơn bộ đội đã chữa khỏi bệnh cho đứa cháu hơn ba tuổi bị viêm phổi và muốn bộ đội nhận cậu bé làm con nuôi. Dù nói cách gì, gia đình cũng nhất quyết bộ đội phải lấy gà thì mới chịu về. Biết rằng đó là tình cảm của đồng bào dành cho mình, nhưng nếu nhận, sẽ thành tiền lệ, lần sau đồng bào lại cứ thế, nhưng từ chối thế nào đây? Vậy là các anh quyết định gọi điện cầu cứu trưởng bản và “dọa” rằng, nếu như bà con cứ làm thế này thì bộ đội sẽ không xuống bản chữa bệnh cho dân nữa! Nghe vậy, trưởng bản thủng thẳng bảo: “Nó cho thì phải lấy chứ! Không quý mày thì mua nhiều tiền nó cũng không bán cho mày đâu!”. Rồi có cụ già cũng ở bản Nà Pi, mỗi lần đau bụng là lại bảo ma nó sắp bắt đi. Khi bộ đội xuống chữa khỏi, cụ quý bộ đội lắm, hễ có xe ở xuôi lên là cụ lại ra đứng vẫy, hỏi có phải là bộ đội làm đường không. Tết năm 2010, mới chiều Mồng Một mà bao nhiêu gạo, thịt dự trữ của 7 anh em trực Tết đã hết veo, không còn một thứ gì! Lý do là bởi đồng bào ở đây yêu quý bộ đội làm đường quá nên cả bản kéo nhau lên chúc Tết hết tốp này đến tốp khác, tốp nào cũng phải… “say sưa”. Thế là ngay chiều hôm ấy, các anh phải điện về sở chỉ huy để xin “tăng viện”. Nhưng mà, ở nơi heo hút như thế, làm sao một sớm một chiều có thể mang lương thực thực phẩm đến kịp? Vậy là các anh phải đi bộ xuống đồn biên phòng “vay tạm” ít bữa!
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm đường, làm tốt công tác dân vận, những thành tích ấy của các anh đã được cấp trên tặng bằng khen “Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong làm đường tuần tra biên giới 2007-2012”. Từ đó đến nay, các anh lại tiếp tục truyền thống “mở đường mà tiến” tại những cung đoạn hiểm trở, cheo leo chẳng kém gì điệp trùng Sốp Cộp, trên con đường “Nam quốc sơn hà”…
NGUYỄN MẠNH HÙNG