QĐND Online - Từ nguồn vốn đầu tư ban đầu nhỏ, nhưng với cách làm phù hợp, những người lính Biên phòng Đồn Thanh Luông, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Điện Biên đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn thoát nghèo. Điều ý nghĩa hơn là bộ đội đã tạo cho bà con dân tộc trên địa bàn ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Thoát nghèo nhờ đồng vốn của biên phòng

Gia đình ông Lường Văn Thiện, người dân tộc Khơ Mú, ở bản Hua Pe, xã Thanh Luông thuộc diện nghèo nhất xã. Thực hiện chủ trương mỗi tổ, đội biên phòng trực tiếp giúp đỡ một hộ gia đình nghèo, năm 2012, Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Luông đã đứng ra nhận giúp gia đình ông Thiện phát triển kinh tế. Sau khi khảo sát điều kiện tự nhiên, hoàn cảnh gia đình, Đội Vận động quần chúng của đồn quyết định giúp hộ gia đình ông Thiện đào ao thả cá. “Lúc đầu, gia đình ông Thiện ngại vất vả, không quyết tâm, làm việc cầm chừng. Chúng tôi phải cử cán bộ, chiến sĩ đến nhà phát cỏ, vét bùn và mở rộng ao. Anh em trong đội góp tiền mua và xin giống cá trắm, cá chép để thả. Thời gian đầu, đội phải cắt cử người giúp gia đình cắt cỏ, tìm thức ăn cho cá. Hơn một tháng sau, thấy cá lớn, gia đình ông Thiện mới tích cực chăm cá. Khi thu hoạch, ông Thiện đánh bắt cá trong ao bán được hơn 2 triệu đồng”, Thượng úy Phạm Xuân Trường, Đội trưởng đội Vận động quần chúng kể.

Đại úy Định Trọng Hiển, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Luông hướng dẫn gia đình ông Thiện chăm sóc cây thanh long. Ảnh: Xuân Trường

Đội của anh Trường còn xin cây giống, dọn vườn, hướng dẫn gia đình ông Thiện trồng cây thanh long đỏ. Sau 2 năm chăm sóc, đến nay, vườn thanh long đỏ của ông sắp cho thu hoạch. Giờ thì gia đình ông đã biết làm ruộng, nuôi cá; không những thế, vợ chồng ông còn đi chăm cá thuê cho gia đình khác. Nhờ số vốn khiêm tốn ban đầu do BĐBP giúp, đến năm 2013, gia đình ông Thiện đã thoát khỏi diện hộ nghèo của xã.

Sau mô hình kinh tế của gia đình ông Thiện, tháng 4-2014, Đội Vận động quần chúng chuyển sang giúp đỡ gia đình ông Đèo Văn Xính, ở bản Hồng Lệnh, xã Thanh Nưa. Ông Xính cũng là người dân tộc Khơ Mú, từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, năm nay ông đã 80 tuổi. Cũng như một số gia đình được giúp đỡ trước đó, anh Trường cùng đồng đội nạo vét ao của gia đình ông Xính, làm đường ống dẫn nước vào, nước ra, cải tạo hệ thống bờ ao. Anh em trong đội tự đóng góp tiền mua hơn 300 con cá trắm giống và 20kg cá chép giống thả xuống ao. Anh Trường cho biết, dự kiến đến Tết Nguyên đán sắp tới, bộ đội sẽ đánh cá và cùng gia đình bán lứa cá đầu.

Cùng với đó, cán bộ Đồn Thanh Luông còn vận động địa phương trao tặng vợ chồng ông Xính một con bò giống. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông Xính vẫn tự đi cắt cỏ cho cá. Để chăm sóc tốt ao cá, bộ đội còn vận động cháu nội của ông Xính sống gần nhà thường xuyên giúp ông kiểm tra cá hằng tuần và chăm sóc bò.

Xóa dần nếp cũ

Mô hình giúp dân của các cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Luông khởi phát từ năm 2006. Ban đầu của mô hình chỉ là sự giúp đỡ tự phát của cá nhân cán bộ trong đồn đối với một số hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Không ngờ sự giúp đỡ tự phát đó mang lại hiệu quả. Dần dần, việc làm này được Ban Chỉ huy Đồn Thanh Luông đúc kết xây dựng thành mô hình. Ban Chỉ huy đồn đã họp đơn vị, bàn thảo cách làm và quyết định mỗi tổ, đội công tác địa bàn sẽ hỗ trợ giúp đỡ từ 1 đến 2 hộ dân phát triển kinh tế. Khi các hộ dân được giúp đỡ tự “đứng vững” được, đội công tác phụ trách sẽ chuyển sang giúp đỡ hộ khác.

Khi triển khai thực hiện, Đồn Biên phòng Thanh Luông trích một phần kinh phí từ quỹ vốn của đơn vị, còn lại các cán bộ, chiến sĩ tự quyên góp tiền, tận dụng các mối quan hệ xin, mua cây, con giống giúp dân. Dựa trên điều kiện, hoàn cảnh thực tế của mỗi gia đình, Đồn Thanh Luông xây dựng mô hình kinh tế phù hợp. Với những hộ có sức lao động, nhưng thiếu vốn, không biết phương thức làm kinh tế, đồn hỗ trợ vốn, giúp về kỹ thuật; với hộ thiếu lao động, cán bộ, chiến sĩ của đồn giúp sức, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt.

Không chỉ dừng lại ở việc giúp các hộ dân đơn lẻ phát triển kinh tế, cán bộ chiến sĩ Đồn Thanh Luông còn chung sức cùng với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Từ tháng 12- 2013, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã giúp người dân làm đường giao thông dài hơn 2,5km từ trục đường liên xã vào bản Hua Pe. Trước đây, con đường này là đường đất, vào mùa mưa đường lầy lội, đầy phân trâu, bò. Từ khi có đường mới, dân bản rất phấn khởi, giao thông đi lại đã thuận lợi hơn nhiều. Cuối năm 2013, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Thanh Luông đã giúp dân bản dựng 6 chuồng nuôi nhốt trâu bò xa nhà ở. Với sự vận động, tuyên truyền của bộ đội, người dân bản Hua Pe đã bỏ tập quán nuôi nhốt trâu, bò dưới sàn nhà ở. Đến giờ, tất cả trâu, bò của bản đều được đưa ra khỏi gầm sàn nhà, nhốt ở chuồng riêng.

Ông Nguyễn Ngọc My, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa đánh giá cao mô hình giúp dân phát triển kinh tế của Đồn Thanh Luông: “Địa phương chúng tôi ghi nhận sự đóng góp lớn của các tổ công tác biên phòng cắm xã, đặc biệt là trong việc giúp dân phát triển kinh tế. Mô hình này đạt hiệu quả khá cao. Các hộ gia đình được giúp đỡ tự vươn lên được, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện. Những hộ gia đình khác đã tham quan và học hỏi cách làm. Người dân có chuyển biến rất lớn về nhận thức. Trước đây, bà con thường khai thác tài nguyên rừng, nay họ đã biết trồng rau, hoa màu, vừa ăn, vừa bán và tận dụng các điều kiện đất đai, mặt nước để phát triển kinh tế”.

Đến nay, Đồn Thanh Luông đã giúp được 41 hộ gia đình trên địa bàn thoát đói, giảm nghèo. Mô hình giúp dân của Đồn Thanh Luông cho thấy, không nhất thiết phải có nguồn vốn lớn mới giúp được bà con thoát nghèo. Yếu tố quan trọng để mô hình thành công chính là sử dụng hợp lý nguồn vốn, tận dụng triệt để lợi thế từ điều kiện tự nhiên và đặc biệt là sự tận tình, hướng dẫn chu đáo, “cầm tay chỉ việc”, xây dựng thành công mô hình để bà con tin tưởng, làm theo.

Bài và ảnh: NGUYỄN BÍCH