QĐND - Xã Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) một thời được coi là “thủ phủ” thuốc phiện. Thế nhưng, từ khi Đoàn Kinh tế quốc phòng (KT-QP) 4 (Quân khu 4) về đứng chân trên địa bàn với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, tham gia  xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thì cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều đổi thay…

Điện, nước sạch về bản tái định cư

Thực hiện chủ trương của cấp trên, xã Tri Lễ tổ chức di dãn 120 hộ đồng bào dân tộc Mông ở các bản vùng cao xuống bản ở gần trung tâm của xã. Những ngày đầu bà con rất phấn khởi với cuộc sống mới, thuận tiện đủ đường. Anh Sồng Ka Dênh, ở bản Minh Châu 2 cho biết: “Sống ở bản mới gần trung tâm UBND xã, gần đường giao thông, không còn phải đi lại trên những con đường cheo leo bên sườn núi, nên bà con ai cũng phấn khởi. Cuộc sống nơi ở mới có rất nhiều cái mới”.

Thế nhưng sau một thời gian sinh sống, 85% hộ dân ở hai bản tái định cư lại rủ nhau quay về bản cũ. Mặc dù cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể của xã Tri Lễ tổ chức tuyên truyền, vận động bà con quay lại khu tái định cư, nhưng hiệu quả không cao. Trước thực trạng trên, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 bắt tay ngay vào việc tìm hiểu nguyên nhân vì sao bà con lại bỏ bản tái định cư quay về bản cũ. Trung tá Nguyễn Trường Sơn, Phó trưởng phòng Tham mưu - Kế hoạch Đoàn KT-QP 4 nhớ lại: “Nguyên nhân chính là do nước sạch sinh hoạt cung cấp cho hai bản không đủ; điện lưới lại chưa có, cuộc sống ở bản mới không tốt hơn ở bản cũ, có nên bà con rủ nhau về lại bản cũ”.

Vườn chanh của gia đình anh Quang Văn Xuân (ở bản Yên Sơn) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trăn trở của cấp ủy, chính quyền cũng là suy nghĩ của lãnh đạo Đoàn KT-QP 4. Sau thời gian phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng khảo sát thực trạng trên, Đoàn KT-QP 4 quyết định đầu tư hai dự án: Kéo điện lưới quốc gia về Tri Lễ và đưa nước sạch về bản.

Sau hai năm thi công, công trình thủy lợi kết hợp với cấp nước sạch cho 5 bản: Nóng 1, Nóng 2; Minh Châu 1, Minh Châu 2 và Hủa Na đi vào hoạt động. Niềm vui ấy như được nhân đôi khi điện lưới quốc gia kéo về 13/30 bản của xã Tri Lễ đúng dịp Tết Nguyên đán 2014. Anh Sồng Bá Xuân, ở bản Minh Châu 1 cho biết: “Cảm phục tấm lòng của bộ đội lắm! Trời rét căm căm các anh vẫn xắn quần lắp ống nước, giúp dân kéo đường ống về từng nhà. Gần Tết rồi, nhà nào chưa lắp được điện là các anh cử người đến giúp, không kể thời gian sớm tối để bà con có điện vui Tết, đón Xuân”.

Để mang niềm vui về cho bà con nhân dân xã Tri Lễ, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 không quản vất vả, khó khăn. Những cây cột điện vận chuyển được đến địa điểm lắp dựng thật khó khăn. Đường dốc, trơn trượt, bộ đội và bà con nhân dân đã sáng tạo nhiều cách để kéo cột điện đi từng mét. Nhiều hôm trời đã quá trưa, công việc đang dở dang nhưng chẳng ai bảo ai, mọi người vẫn cặm cụi với công việc cho đến khi hoàn thành. Đại tá Vi Hiểu, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 4 cho biết: “Hơn 11km đường dây trung thế và 3,6km đường dây hạ thế, với 4 trạm biến áp được lắp đặt hoàn thành sớm hơn kế hoạch gần 6 tháng cho thấy quyết tâm tất cả vì đồng bào của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4”.

Điện và nước sạch về tận từng gia đình, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 đã vận động thành công các hộ người Mông quay lại bản tái định cư. Ông Lô Xuân Phòng, Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ phấn khởi cho biết: “Có điện, có nước sạch đời sống của bà con xã Tri Lễ nói chung và hai bản Minh Châu 1, Minh Châu 2 nói riêng, như đổi đời. Từ việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 4 chúng tôi có thêm bài học về lo cho dân”.

Cây thoát nghèo ở Tri Lễ

Cuộc sống của bà con nhân dân xã Tri Lễ lâu nay vốn quen “bám” vào rừng. Nghề “chặt, đốt, cốt, trỉa” của bà con nơi đây chỉ làm cho đất thêm bạc màu, cuộc sống người dân thêm đói nghèo; cộng với “cơn bão” ma túy quét qua địa bàn, làm nhiều gia đình thêm khốn khó. Làm gì để đời sống người dân bớt nghèo, hướng tới thoát nghèo luôn là điều mà cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Ông Lô Xuân Thu, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ bộc bạch: “Chúng tôi đã trồng thử nghiệm nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con, nhưng do thời tiết quá khắc nghiệt nên chỉ dừng ở mức độ thử nghiệm”.

Nhờ có điện lưới quốc gia, anh Trần Văn Tâm, ở bản Na Niếng đưa máy móc vào sản xuất tại xưởng mộc, nâng cao năng suất lao động.

Thế rồi cây chanh leo xuất hiện và Đoàn KT-QP 4 như “chất xúc tác” để cây chanh leo nhân rộng ở nhiều hộ gia đình trong xã. Đại tá Vi Hiểu tính toán: “Một héc-ta chanh leo trồng khoảng ba tháng cho thu hoạch từ 30 đến 35 tấn. Tính ra thành tiền cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng. Sau thời gian trồng thử nghiệm ở Đoàn KT-QP 4, cây chanh leo được Đảng ủy, UBND xã Tri Lễ xác định như cây xóa nghèo ở địa phương và đến nay toàn xã đã trồng được 28 héc-ta”.

Hôm chúng tôi có mặt ở Sở chỉ huy nhẹ của Đoàn KT-QP 4 ở Quế Phong cũng đúng lúc đơn vị triển khai cấp 1 vạn cây giống chanh leo cho nhân dân các bản: Yên Sơn, Chà Lạnh và Na Niếng. Sau khi cấp giống cây cho bà con, Thượng úy Đặng Quốc Tú, trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật trồng, chăm sóc chanh leo và không quên dặn: "Nếu công đoạn nào bà con chưa hiểu thì hỏi chúng tôi, đơn vị sẽ cử người đến từng nhà chỉ dẫn".

Rồi anh Tú dẫn chúng tôi xuống thăm vườn chanh leo của anh Quang Văn Xuân ở bản Yên Sơn do đơn vị giúp đỡ giống và kỹ thuật. Anh Xuân chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi thường xuyên thiếu ăn. Từ ngày trồng chanh leo cuộc sống gia đình đã thay đổi nhiều. Hiện, gia đình tôi có 1000 gốc chanh leo và đang có ý định mở rộng diện tích”.

Chuyện cây chanh leo bám đất Tri Lễ và được nhiều hộ tham gia trồng cho thấy hiệu quả kinh tế cũng như hướng thoát nghèo mới của địa phương. Thành quả trên dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu có công lao của bộ đội Đoàn KT-QP 4 giúp đỡ. Trung tá Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Cái khó để đưa cây chanh leo phát triển rộng rãi, một phần là ở thói quen ỷ lại, trông chờ của người dân địa phương. Có gia đình khi được đơn vị phát cây giống, người dân mang về không trồng mà để cho cây chết héo. Sau này chúng tôi rút kinh nghiệm là giao cho cán bộ phụ trách theo cụm hộ và chịu trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ từng gia đình về kỹ thuật. Cách làm này đã khắc phục được tình trạng trên”.

 “Cầm tay chỉ việc” là chủ trương của Đoàn KT-QP 4 trong việc nhân rộng cây chanh leo. Nhờ sự sâu sát, tận tình của cán bộ Đoàn KT-QP 4 mà cây chanh leo của các hộ phát triển tốt, mang lại thu nhập cao cho người dân. Điều đáng mừng là chanh trồng ra đến độ thu hoạch được Công ty Nafood thu mua tận vườn, nên người dân yên tâm.

Cuộc sống của người dân Tri Lễ đang từng ngày khởi sắc, hệ thống chính trị của địa phương được củng cố, có nhiều chuyển biến, tiến bộ; các tổ chức đoàn thể hoạt động hiệu quả. Tri Lễ một thời được gọi là “thủ phủ” của thuốc phiện, giờ chỉ còn lại trong ký ức.

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC