QĐND - Mới hơn 6 giờ sáng mà nắng đã tràn xuống những thửa ruộng lúa đang vào sữa. Một cô giáo ngồi cạnh tôi giơ máy ảnh lên chụp mặt trời đỏ như quả cầu lửa nhấp nhô trên hàng cây bên đường. Còn Thiếu tướng Hoàng Mạnh An lại lặng lẽ nhìn qua cửa kính, hình như ông đang nghĩ về vùng quê mà chỉ ít phút nữa, ông và đồng đội của ông sẽ đến. Chợt nhớ hôm tôi cùng ông và mấy cán bộ của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đi tiền trạm cho buổi làm việc hôm nay, ông đã say sưa nói về dự án giúp những bệnh nhân chất độc da cam/đi-ô-xin có cuộc sống tốt hơn…
Xe dừng bánh trước cửa nhà văn hóa huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Những cái bắt tay siết chặt, những mái đầu bạc trắng và những khuôn mặt nhăn nheo… Họ là những người đã qua các chiến trường ác liệt, may mắn hơn những đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường, nhưng tàn tích của chiến tranh đã bám vào thân thể họ, đau đớn và dai dẳng…
8 bàn khám và 4 bàn điện tim, siêu âm được nhanh chóng đặt ra. Trước mặt tôi là một ông già dẫn con trai 34 tuổi. Bằng tuổi ấy, những chàng trai bình thường có người đã làm giám đốc một công ty, nhiều người đã là trụ cột chính của gia đình, hoặc chí ít cũng lao động sản xuất để nuôi mình và người thân… Đằng này, ngoài ba mươi tuổi mà cứ cười ngỏn nghẻn, hỏi cũng chả nói. Tôi đưa tặng tờ 200.000 đồng cũng chẳng cầm, lại còn ứ ứ. Được biết, bố cậu ấy sinh ra từ một xóm nghèo, 18 tuổi, nhập ngũ vào chiến đấu ở Quảng Trị, rồi ra quân, lấy vợ, sinh ra những đứa con không lành lặn. Ông bà cứ hy vọng đứa sau, đứa sau nữa sẽ khỏe mạnh nên người. Nhưng... Tôi hỏi lúc bác đi làm đồng thì em làm sao? Ông kể: "Tôi để nó ở nhà, cũng không yên tâm lắm, nhưng vẫn phải đi, giờ có lương rồi cũng đỡ, tôi được hơn hai triệu đồng, em nó được triệu hai. Nhiều hôm, tôi sang hàng xóm chơi, thấy con cái người ta đi học đi hành rồi ra công tác, đóng bộ đàng hoàng, xuống xe là cười nói hể hả... Về nhà, nhìn con mình rớt dãi chảy ra, cứ thế, ngồi bó gối nhìn con cả đêm mà thương. Hôm sau vợ dậy đi chợ mới biết, chồng đã ngồi cả đêm như vậy...".
Ông Đỗ Văn Khơi, sinh năm 1950, ngồi chờ để đến lượt siêu âm. Ông Khơi gầy gò nhưng giọng nói hiền lành, nụ cười đôn hậu, những nếp nhăn hằn lên gương mặt khắc khổ. Nói chuyện với mọi người mà mắt không rời thằng con 25 tuổi ngô nghê như đứa trẻ. Ông cho biết, ông nhập ngũ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, mãi năm 1979 mới ra quân. Khi ông về quê lấy vợ, sinh được 5 người con, các cháu ốm đau, quặt quẹo, cũng tưởng thời gian lâu lâu nó hả bớt chất độc trong người nên cố mãi, đến thằng này, cháu 25 tuổi rồi mà không rời bố một bước, đói bụng cũng chả biết kêu, ăn no cũng chả biết chối, chả ý thức được gì. Nghĩ đến con mà thương héo cả ruột...
Tôi chợt liên tưởng đến một bệnh nhân điều trị ở khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Quân y 103. Ông bị đau đầu, cứ thời tiết thay đổi ông lại ôm đầu vật vã, rất nhiều đêm, ông lấy khăn bông ngâm vào xô nước đá, đắp trùm lên mặt, lên cổ và khắp cả thân mình, rồi lại bị viêm phế quản, ho sốt, tiều tụy, rồi ông mất. Những lúc dễ chịu, ông ước ao, giá như bị vết thương ở đầu, bụng hay ở ngực thì mổ gắp đạn ra, có khi khỏi lâu rồi, hoặc bị què cụt, móm mém có khi lại sung sướng hơn… Té ra ông bị nhiễm chất độc da cam ở chiến trường Khe Sanh ngày trước.
 |
Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, hướng dẫn một nạn nhân chất độc da cam ở Yên Khánh (Ninh Bình) tập phát âm. Ảnh: Châu Giang
|
Hôm nay, ở Ninh Bình cũng đang lặp lại các hình ảnh xót xa tôi đã từng gặp, các loại bệnh giống nhau quá, phần nhiều viêm phế quản, ho hen, đau khớp, đau xương, đau dạ dày, rối loạn tiêu hóa… Ông Nguyễn Văn Thuyên, 63 tuổi, ở Khánh Thành, Yên Khánh, nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở chiến trường Lào, rồi quay về Chiến dịch Quảng Nam-Đà Nẵng (mùa xuân năm 1975), sau ngày đất nước giải phóng, ông về quê. Ông cho biết cứ đau vùng bụng, đã điều trị khắp nơi, có thời gian đỡ, nhưng bây giờ thì đau lắm. Bác sĩ Quách Kim Dũng đọc kết quả siêu âm thấy túi mật của ông nhiều sỏi, cả 2 quả thận của ông cũng có sỏi. Bác sĩ đề nghị ông ra Bệnh viện Quân y 103 để phẫu thuật. Ông thở dài thườn thượt, làm cho mọi người xung quanh cũng ái ngại lây.
Trên chiếc xe đẩy, cụ Trần Văn Hữu khờ khuộng ngơ ngác, cụ nhìn mọi người xung quanh như vật thể lạ. Đầu lơ thơ vài sợi tóc, hai má hóp lại, miệng ông há ra như muốn nói gì đó, nhưng không thành lời được. Trước đây cụ từng là bác sĩ, Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 280, Sư đoàn 367 anh hùng. Bước chân cụ đã đi qua dặm dài đất nước, hết chiến trường Lào, qua Mường Lay, về A Lưới, Thừa Thiên-Huế, đến Quảng Trị. Chiến tranh kết thúc, cụ lại quay về quê hương, bao năm công tác gắn bó với Hội Cựu chiến binh xã Ninh Sơn, giờ là phường Ninh Sơn. Năm 2006, cụ thấy sức khỏe suy sụp, năm 2009 phát bệnh, tay chân co quắp, các cơ bị kéo rút lại. Anh Lê Xuân Mai, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình, là con rể của cụ cùng mấy anh em đồng hao đưa ông đến đây. Anh Mai tâm sự: "Trước khi vào chiến trường, nhạc phụ tôi sinh được 4 con gái, nhà tôi là cả. Năm 1972, cụ đi tranh thủ, cụ bà có thai, nhưng lúc ấy cụ ông bị nhiễm chất độc da cam rất nặng nên cụ bà sinh ra cái thai không làm người được...". Tôi bỗng nhìn xuống hình hài 82 tuổi, miệng vẫn há ra, u u ơ ơ, một đường dãi chảy lòng thòng xuống áo. Thật tội cho một con người đã từng vào sinh ra tử không bị thương bằng súng đạn mà lại bị thứ chất độc ngấm vào tận da thịt máu xương.
Nhắc đến chất độc da cam, người ta không nhìn thấy nỗi đau bằng xương bằng thịt, nhưng minh chứng hùng hồn nhất có lẽ là những đứa trẻ không bình thường, là… con cháu, thậm chí chắt của họ. Trong ngành y gọi là thế hệ I, thế hệ II và thế hệ III... Tôi chợt rùng mình, không hiểu đến cái thế hệ thứ n thì cái thảm họa này có hết không? Có thứ thuốc nào chữa khỏi cho họ, cho con, cho cháu, thậm chí cho chắt và chút của họ không?
Ngồi ở hàng ghế đầu chờ để điện tim là một cô gái. Nếu không bị bệnh tật, có lẽ cô bé đã lấy chồng, sinh con như bao người phụ nữ khác, nhưng cô không may mắn được như vậy. Tôi hỏi em tên gì? Cô ngượng nghịu rồi lí nhí trả lời: "Lúc đẻ em, bố mẹ mừng quá nên đặt tên em là Lê Thị Mừng". Người gầy đét, da xanh rớt như nhìn rõ những đường gân và mạch máu dưới làn da, hai chân bị teo, thân hình vặn vẹo. Mẹ em, bà Phạm Thị Phương, kể: "Lúc nào bận tôi phải để bát cơm, kê lên bàn cao, để em nó tự xúc". Người đàn bà gầy gò, mặc bộ quần áo đã cũ nhưng còn lành lặn. Gương mặt đẹp nhưng buồn bã, giọng nói khẽ khàng, bà kể về người chồng của mình: "Nhà tôi tên là Lê Văn Minh, ông ấy mất năm 71 tuổi. Tôi nghe nói trước ông ấy đánh giặc ở Bình Trị Thiên, năm 1976 ông ra Bắc, năm 1982 tôi sinh con bé này. Ông ấy cứ ốm đau liên miên, bị sốt rét ác tính, rồi liệt nửa người, năm 2000 ông ấy mất. Thằng con đầu bình thường, nhưng vợ nó sảy thai liên tiếp, sau cũng đẻ được thằng cháu, sắp 14 tuổi nhưng học không tiếp thu được bài, nghịch ngợm chả giống những đứa trẻ khác. Con gái thì như thế này, thằng út thì đầu cũng có u, chân cũng có u, đi lại khó khăn quá, vừa bị tai nạn…". Tôi nhìn hai hàng nước mắt của bà chảy ra lặng lẽ mà thấy mắt mình cay cay, mấy phóng viên truyền hình bên cạnh tôi cũng quay đi chỗ khác.
Người đã khởi xướng ra chương trình khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí của Bệnh viện Quân y 103 cho các nạn nhân chất độc da cam ở huyện Yên Khánh là Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc bệnh viện. Mặc dù không phải là địa bàn theo dõi của đơn vị mình, nhưng qua bạn bè, ông biết Yên Khánh là một huyện nghèo của tỉnh Ninh Bình, cách đây nửa thế kỷ, có những đợt nhập ngũ vào chiến đấu ở các chiến trường: Lào, Quảng Trị, Đường 9 Khe Sanh, Tây Ninh… Đó là những địa danh mà Mỹ đã thả xuống biết bao nhiêu thứ chất độc có tính hủy diệt chưa từng có trong lịch sử loài người.
Giờ đây, bên cạnh chiếc xe lăn, Thiếu tướng Hoàng Mạnh An đang tập cho một cô bé phát âm và cử động. Ông giơ tay lên, mở từ từ từng vần một, bệnh nhân của ông nhìn theo cũng giơ tay, tròn miệng đánh vần... Xung quanh ông thầy giáo Thiếu tướng và cô học trò bệnh nhân gần ba mươi tuổi này có rất đông các ông, bà cựu chiến binh, có người lau nước mắt. Trước khi đến bàn khám khác, Giám đốc An không quên nhắc tôi: "Cô ghi địa chỉ lại rồi hướng dẫn cô bé này gõ vi tính, làm quen với internet…".
Chợt nhớ trước khi mọi người lên xe, Giám đốc An đã dặn dò: "Chúng ta không thể chữa khỏi bệnh cho họ, nhưng bằng tấm lòng và trí tuệ của mình, chúng ta cố gắng làm cho sức khỏe của họ tốt hơn, để cuộc sống của họ vui hơn…". Quả thật, việc điều trị khỏi bệnh cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin rất khó khăn. Nếu y học của chúng ta dùng thuốc tây y, kết hợp với luyện tập thì sẽ rất tốn kém và không khả thi, nhưng chúng ta nghiên cứu để dùng thuốc đông y điều trị giảm một phần nào lượng độc tố trong cơ thể họ là điều có thể thực hiện được. Năm 2013, Bệnh viện Quân y 103 được Bộ Quốc phòng và Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam giao nhiệm vụ xây dựng Trung tâm "Giải độc không đặc hiệu" ở nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Từ đó xây dựng thêm nhiều trung tâm nghiên cứu về thải độc tố trong cơ thể nạn nhân trong cả nước.
Bằng quan hệ của bệnh viện với các tổ chức quốc tế và áp dụng các phương pháp hiện đại nhất trong việc thải độc, Bệnh viện Quân y 103 bước đầu đã tiến hành điều trị cho hơn 40 bệnh nhân có lượng độc tố cao trong cơ thể người từ vùng Đà Nẵng trở ra. Sau liệu trình điều trị bằng biện pháp Ha-bớt tại bệnh viện, họ đã được kiểm tra lại tất cả các xét nghiệm ở những trung tâm xét nghiệm quốc tế và được đánh giá chất lượng thải độc bằng phương pháp này đạt hiệu quả khá cao. Nồng độ đi-ô-xin trong cơ thể bệnh nhân giảm 50-70% với người cao nhất và khoảng 30-40% với người thấp nhất. Cho tới nay, sau hơn 1 năm thực hiện chương trình, các bệnh nhân thường xuyên thông báo tình hình cho bệnh viện là sức khỏe tốt, vui vẻ và ổn định.
Khi tôi ngồi viết những dòng chữ này, đã có rất nhiều các bác, các chú ở Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình ra Bệnh viện Quân y 103 điều trị bệnh. Hy vọng rằng, bằng tấm lòng và kiến thức của đội ngũ những người thầy thuốc mặc áo lính, họ sẽ góp phần xoa dịu nỗi đau mà những nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin đang phải chịu đựng.
Ghi chép của VŨ MINH NGUYỆT