Giảm nghèo từ những mô hình điểm
Đó là cách mà nhiều lâm trường thuộc Đoàn 327 thực hiện. Trong chuyến thâm nhập thực tế này, tôi đã đến Lâm trường 155 và 156 để "thực mục sở thị" những mô hình kinh tế điểm mà bộ đội ta đã dày công xây dựng trong mấy năm qua.
Từ bản Cò Hón, nơi đứng chân của Sở chỉ huy Lâm trường 155, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Con đường nhựa mới làm uốn lượn quanh co dọc đường biên thuộc các xã: Đồng Văn, Đồng Thắng huyện Bình Liêu.
Lâm trường 155 đã thực hiện tốt các dự án KT-QP với việc xây dựng các công trình điện-đường-trường-trạm, kênh mương nội đồng, nhà di dãn dân, trụ sở UBND xã, mở nhiều lớp dạy nghề, phổ biến, chuyển giao khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, bồi dưỡng kiến thức cho y tá thôn, bản; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn… Từ năm 2012 đến nay, Lâm trường 155 đã hoàn thiện và bàn giao nhà cho 28 hộ thuộc 2 xã: Đồng Văn, Đồng Tâm ra bám đường biên cột mốc; chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch quy hoạch ổn định dân cư, ổn định sản xuất, ổn định đời sống gắn với nhiệm vụ QP-AN. Thượng tá Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Lâm trường 155, nói: “Đơn vị và địa phương đã xác định rõ mục tiêu hàng đầu là dãn dân ra khu vực biên giới khai hoang, phục hóa, phát huy thế mạnh đồi rừng, phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, tạo lực lượng tại chỗ giữ đất, giữ rừng, giữ biên cương của Tổ quốc”.
Nói đi đôi với làm, Lâm trường đã hỗ trợ giống, vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, cây mít Thái, ba kích tím, nuôi lợn rừng, lợn nái sinh sản, ngan Pháp, gà ri, gà Đông Cảo… cho bà con các xã: Đồng Văn, Hoành Mô, Vô Ngại. Gia đình anh Lương Văn Say ở xã Đồng Văn có mô hình VACR được đơn vị đầu tư giống, vốn, nhân công đạt hiệu quả kinh tế cao với khu vườn rộng 5ha trồng vải, nhãn, xoài; ao cá, chuồng trại nuôi hơn 20 con lợn rừng, 100 con dê; hằng năm thu lãi gần 100 triệu đồng.
Chúng tôi đến trang trại của anh Hoàng Văn Nghiệp, dân tộc Tày. Chủ nhà đi vắng, chỉ có cô giúp việc ở nhà. Là chỗ gần gũi với gia đình, Giám đốc Phạm Ngọc Hùng dẫn chúng tôi đi tham quan cơ ngơi của gia chủ. Ngỗng, ngan, gà, vịt lúc nhúc đầy sân, đầy vườn. Chuồng lợn được xây cơ bản, rộng rãi; lợn nái, lợn thịt có tới gần trăm con. Được biết, vợ chồng anh Nghiệp có 3 con đang học các lớp: 12, lớp 10 và lớp 4.
Phạt Chỉ là bản mới của xã Đồng Văn, cạnh đó là một nhà mẫu giáo khang trang, đạt chuẩn quốc gia. Cả bản chỉ có 8 cháu đang ở độ tuổi mẫu giáo mà được học, được chơi trong cơ ngơi rộng rãi thoáng đãng này, không phải ở đâu cũng có. Tất cả đều do Lâm trường 155 trích từ quỹ vốn xây dựng nên.
Gần doanh trại Đội 3, Lâm trường 155, tại vườn thông giống của đơn vị, mấy chục người dân đang chăm chú nghe Thiếu tá QNCN Tô Văn Sinh hướng dẫn cách trồng. Hàng trăm héc-ta rừng đầu nguồn được phủ xanh bắt đầu từ những vườn ươm và công việc hướng dẫn tỉ mỉ của những người lính lâm trường. Anh Tằng Văn Lầu, 46 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Phạt Chỉ, nói với tôi: “Không có bộ đội Lâm trường 155 thì không có bản Phạt Chỉ đâu. Dân mình đỡ nghèo, đỡ khổ là nhờ bộ đội đó. Bộ đội lâm trường thương dân lắm. Mình được bộ đội giúp đỡ rất nhiều…”.
Lâm trường 156 là một trong những điểm sáng của Đoàn 327 trong công tác dân vận. Đơn vị triển khai thực hiện dự án KT-QP ở 2 xã dọc 38,2km đường biên, gồm 33 thôn bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… đặc biệt khó khăn. Thượng tá Hoàng Văn Hiển, Chính trị viên lâm trường, cho biết: Lâm trường 156 quản lý 1.500ha rừng thông, huấn luyện, SSCĐ bảo vệ biên giới. Các công trình điện-đường-trường-trạm, nước sạch, nhà văn hóa được xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Qua các bản: Bắc Cương, Trình Tường… chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà tường xây, lợp ngói, lợp tôn hoặc mái bằng. Trước đây, nhiều gia đình phải sống chật chội trong những căn nhà tạm bợ, lúp xúp, nay thôn, bản có nhiều nhà kiên cố, đồng ruộng có kênh mương; đường làng ở Long Sông - Nà Pò của xã Hoành Mô đêm đêm đã có điện thắp sáng, cán bộ xã dùng máy vi tính… Người dân nơi đây không quên tấm lòng của bộ đội Lâm trường 156.
Ghi chép của NGUYỄN HỮU QUÝ