QĐND - Mấy hôm trước Hà Nội mưa to, chỉ trong vòng vài tiếng cả khu nhà tôi ở ngập tràn nước. Đang đêm, các gia đình bật đèn sáng trưng hò nhau lấy bao tải cát chắn không cho nước tràn vào nhà, có gia đình phải lấy xô, chậu… hì hục tát nước. Đến gần sáng, mưa nhỏ hạt, tiếng cạch… oạp tát nước uể oải thưa dần, rồi cũng hết. Mệt rũ người, nhưng lúc đó tôi không ngủ được, lại nhớ đến hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) trong câu chuyện giúp dân chống lũ.

Sát cánh “đánh” lũ dữ

Bữa tôi tới Nà Hỳ trời mưa rả rích, đường đất trơn trượt, bùn ngập lưng bánh xe gắn máy, đất quấn đầy vào nan hoa. Chúng tôi phải xắn quần, dắt xe trên một quãng đường dài. Ghé mắt nhìn bên cạnh con suối Nậm Pồ cuộn chảy ầm ào, ở những khúc cua con nước dềnh lên, tung bọt nước trắng xóa như con thú hung dữ đang lao tới muốn nuốt mấy căn nhà cấp bốn mỏng manh đứng chênh vênh đôi bờ. Thiếu tá Phương Công Quý, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Hỳ cho chúng tôi biết: “Mùa mưa ở đây bà con thường xuyên phải hứng chịu những trận lũ quét rất nguy hiểm”.

Theo chân anh Lý Ông Lố, Trưởng bản Sín Chải, chúng tôi tới nhà chị Tẩn Mí Lụa, gia đình vừa được bộ đội đồn Nà Hỳ giúp vượt qua cơn lũ. Trời mưa nhỏ hạt, chị Lụa cùng con trai lớn đầu trần đang khuân từng đống củi vừa lượm nhặt được sau lũ xếp quanh nhà. Xung quanh nhà, những ruộng ngô bị nước lũ tràn qua để lại một lớp đất vàng khè trên thân cây gẫy gập nằm sát đất héo rũ. Nhà chị Lụa được dựng bằng vách gỗ, nền đất, bếp đun ngay lối cửa ra vào. Bên trên bếp là mấy túm ngô  bám đầy bồ hóng. Nét buồn đọng sâu trong hốc mắt, trên gò má rám khô khiến khuôn mặt chị đờ đẫn, chậm chạp. Giọng chị yếu ớt còn chút run rẩy: “Toàn bộ diện tích trồng màu nhà mình bị lũ phá tan hoang. Còn ngôi nhà này, may mà có các chú bộ đội đồn Nà Hỳ kịp thời giúp đỡ nên mới đứng vững được đến bây giờ”. Ngước mắt lên nóc nhà, chỉ tay lên dải đất vàng bám trên vách gỗ, chị bảo: “Đó là mép nước của trận lũ quét vừa rồi”.

Chị Tẩn Mí Lụa vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về trận lũ lớn tràn qua nhà mà bộ đội Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã kịp thời cứu giúp.

Hôm đó là ngày 20-7, trời Sín Chải mưa xối xả, đến khoảng 10 giờ thì người dân trong bản nghe thấy tiếng nước đổ ục… ục vọng lại theo đường chảy của suối Nậm Pồ. Theo kinh nghiệm của người già trong bản thì đó là tiếng vỡ của hủm nước, chảy xuống từ thượng nguồn. Mọi người hò nhau chuyển đồ lên cao để tránh lũ. Trong lúc cấp bách đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nà Hỳ do Thiếu tá Lò Văn Ván, Chính trị viên đồn chỉ huy đã kịp thời đến giúp dân. Nước suối Nậm Pồ lên rất nhanh. Gần một tiếng sau, nước đã tiến hơn 10m về phía nhà chị Lụa, nước cuốn theo những khúc gỗ lớn có đường kính hơn 1m lao đến, đánh tan ngầm bê tông Nậm Pồ. Trời vẫn tiếp tục mưa to. Nhận định nước lũ còn tiếp tục dâng, anh Ván chỉ huy bộ đội vận chuyển đồ đạc trong nhà chị Lụa lên đỉnh dốc, đồng thời lệnh cho một bộ phận tháo ván quanh nhà, dùng dây thừng buộc chặt khung nhà vào các cọc đóng xung quanh. Nước lũ dâng nhanh lên sát mép nền, rồi lưng chừng nhà chị Lụa, các chiến sĩ vẫn khẩn trương khuân vác đồ, buộc nhà. Các gia đình quanh nhà chị Lụa cũng được bộ đội khẩn trương trợ giúp. Đến hơn 12 giờ, nước lũ lên đến đỉnh điểm, một số ngôi nhà đã bị nước phủ chỉ nhìn thấy chỏm nóc, nhưng rất may toàn bộ con người và tài sản đáng giá đã được chuyển đến nơi an toàn.

Ngay chiều hôm đó, nước lũ rút dần nhưng những ngôi nhà trong bản Sín Chải trơ trọi, tan hoang, khắp nơi ngập bùn đất, rác thải và xác gia súc, gia cầm chết ngổn ngang, ô nhiễm. Chị Lụa và người dân bản mệt rã rời, nét mặt phờ phạc. Trưởng bản Lý Ông Lố cho biết: “Ngay sau khi lũ rút, bộ đội Đồn Biên phòng Nà Hỳ chưa kịp nghỉ ngơi lại lao vào giúp dân dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc phòng dịch, ổn định lại nơi ăn ở, sản xuất”.

Ở Nà Hỳ, mùa mưa lũ kéo dài suốt vài tháng trong năm nên việc giúp dân vượt qua lũ đối với bộ đội Đồn Biên phòng Nà Hỳ là khá thường xuyên.

“Chiến đấu” với hủ tục lạc hậu

Tôi hỏi anh Lố:

- Dân bản mình còn thả rông gia súc, gia cầm quanh nhà không?

- Trước đây thì có, nhiều hộ nuôi trâu bò ngay dưới gầm sàn, thả rông lợn, gà quanh nhà. Chính vì vậy, môi trường sống của người dân bị ô nhiễm, ở bản thường xảy ra các bệnh dịch về đường tiêu hóa. Bệnh dịch hoành hành, bà con không còn sức làm nương, làm ruộng, đói nghèo lại chồng chất. Nhân dân gặp khó khăn, Bộ đội Biên phòng Nà Hỳ lại có mặt kịp thời giúp đỡ. Khi đó, bộ đội phải đến từng nhà khám, phát thuốc, chữa bệnh miễn phí cho dân, rồi phân tích để bà con hiểu nguyên nhân gây nên bệnh dịch là do ăn ở mất vệ sinh, vì vậy phải xây chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm cách xa khu nhà ở. Phải nhiều lần "tai nghe mắt thấy", được bộ đội chữa khỏi bệnh, bà con mới nghe lời bộ đội, xây dựng chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm tách khỏi khu ở của gia đình.

Theo anh Lố, trước đây người dân ở Sín Chải quen lối sống tự do, không giữ gìn vệ sinh. Khi Nhà nước có Chương trình 167 hỗ trợ mỗi hộ gia đình 1 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh, nhiều hộ nhận tiền nhưng chỉ dựng nhà vệ sinh lấy lệ chứ không sử dụng. Biết chuyện, cán bộ đồn Nà Hỳ lại phải xuống từng bản vận động bà con. Thói quen ăn ở vệ sinh của dân bản dần hình thành và đi vào nền nếp, từ đó dịch bệnh giảm.

Chúng tôi rời nhà chị Lụa đi tham quan một vòng xã Nà Hỳ. Quả thực, đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn, đường sá đi lại chủ yếu là đường đất, mùa mưa thường xuyên sạt lở núi nên nhiều bản bị chia cắt. Nhìn những nương ngô bị đổ rạp, tôi không khỏi xót xa:

- Anh Lố này, vụ mùa mất trắng, Tết này chắc bà con lại bị đói?

- Sau lũ, Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã cử cán bộ "cắm xã" kết hợp với chính quyền địa phương đo đạc diện tích hoa màu bị thiệt hại, đồng thời xác định loại đất ở từng nơi để đề nghị với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ cấp giống ngô, đậu tương và lạc để bà con kịp thời gieo trồng, cộng với các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, người dân sẽ không bị đói-Anh Lố trả lời.

Được biết, trước đây người dân Nà Hỳ chỉ trồng lúa một vụ do thiếu nước vào mùa khô. Cũng bởi vậy mà bà con thường thiếu đói khi giáp hạt. Trăn trở với khó khăn đó của bà con, cấp ủy Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã ra nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo cán bộ "cắm bản" nghiên cứu nắm chắc đặc điểm đất canh tác của từng bản để tư vấn cho bà con trồng màu gối vụ. Đến nay, nhiều bản ở Nà Hỳ, ngoài một vụ lúa, người dân đã trồng thêm vụ màu. Từ đó mà nghèo đói giảm dần.

Lúc đi vòng quanh xã, tôi khá bất ngờ khi thấy trên lưng chừng núi có một điểm trường kiên cố, màu vôi ve mới tinh. Anh Lố tươi cười: “Đây là điểm trường Sam Lang vừa được khánh thành đưa vào sử dụng trong tháng 5. Trước đây, bản Sam Lang có 3 điểm trường, học sinh phải vượt hàng chục cây số đường rừng đi học, thầy cô giáo "cắm bản" vô cùng vất vả. Tháng 2 vừa qua, được sự đóng góp của một số "Mạnh Thường Quân", Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã cử cán bộ, chiến sĩ cùng với đoàn thanh niên xã vận chuyển vật liệu lên xây dựng. Sau 3 tháng thi công liên tục, 3 phòng học kiên cố bằng xi măng và 3 nhà ở của giáo viên bằng gỗ cùng với hệ thống sân chơi, bếp đun nấu được hoàn thành. Bên cạnh đó, bộ đội đồn Nà Hỳ còn giúp dân mở rộng, làm đẹp hơn 10km đường dẫn vào điểm trường”.

Trở về Đồn Biên phòng Nà Hỳ, anh Quý Đồn trưởng nói với chúng tôi: “Đời sống của bà con ở vùng biên nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn”. Quả thật, mấy ngày ở xã Nà Hỳ, tôi mới chỉ hiểu được một phần rất nhỏ khó khăn của đồng bào nơi đây. Trước hôm chúng tôi rời Đồn Biên phòng Nà Hỳ, có một bệnh nhân vào cấp cứu, quân y của đồn là Trung úy QNCN Nông Văn Nguyên vừa phải chạy lo công việc đơn vị vừa túc trực cứu chữa bệnh nhân. Tôi bảo: “Anh Nguyên kiêm nhiệm nhiều việc quá. Khám bệnh cho bà con, đơn vị có thu tiền không?”. “Chúng tôi không lấy đồng nào, kể cả tiền thuốc cũng trích từ quỹ đơn vị. Những bà con ở gần khi ốm đau đến đơn vị khám, còn những người ở xa, bệnh nặng thì tôi phải đến tận nhà”-anh Nguyên bộc bạch.

Ở xã biên giới Nà Hỳ chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Dao, nhiều bản chưa có điện lưới, các hộ dân sống ở trên núi cao. Mỗi khi bị bệnh, người dân thường dựa vào phương thuốc dân gian từ cây rừng và chữa bệnh bằng tập tục lạc hậu. Để bà con thay đổi thói quen, ban đầu quân y đồn Nà Hỳ chủ động khám, phát thuốc miễn phí tận nơi. Sau này khỏi bệnh, nhìn thấy kết quả tốt người dân mới tin và nghe theo cán bộ biên phòng. Bây giờ có công việc gì, người dân Nà Hỳ cũng tham khảo ý kiến của Bộ đội Biên phòng, tình cảm quân dân ngày càng thắm thiết, gắn bó keo sơn.

Hôm chúng tôi rời Nà Hỳ trời vẫn mưa rất to, anh Nguyên quân y đưa thêm cho mỗi người một túi áo mưa để bọc đồ cho khỏi ướt. Tiễn chúng tôi được một đoạn thì có bệnh nhân vào đồn khám bệnh, anh vội vàng quay lại. Nhìn dáng anh tất tả, quần xắn quá gối, tận tình dìu đỡ bệnh nhân, tự nhiên mắt tôi cứ rưng rưng...

Bài và ảnh: VĂN TUẤN