QĐND - Chuyện trên dốc "Chín quai"
Từ thành phố Lào Cai tới Đồn Biên phòng Pha Long, chúng tôi đi qua quãng đường đèo khúc khuỷu, quanh co dài hơn 40km. Đến địa phận xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, trời đã gần về trưa, mây mù khá dày đặc. Trước khung cảnh thiên nhiên giữa lưng chừng trời, Trung tá Phan Đức Mạnh-Chính trị viên Đồn Biên phòng Pha Long vào vai hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu: “Đây là dốc “Chín quai”. Chín quai là chín cua, bởi từ chân lên đến đỉnh dốc có 9 khúc cua”. Từ trên đỉnh Chín quai nhìn xuống mây trắng nhẹ nhàng trôi, thỉnh thoảng lộ ra một điểm dân cư với hơn chục nóc nhà. Những ngôi nhà nơi đây được dựng trên lưng chừng núi, quây quần như những đứa trẻ đứng chụm đầu vào nhau để tránh rét. Phần nhiều là những ngôi nhà trình tường, lợp ngói máng, màu xám mốc rêu phong. Nhiều ngôi nhà tường đã bị bong tróc những mảng lớn, có màu vàng nhợt nhạt như màu da của người ốm lâu ngày. Một số ngôi nhà phải chống gỗ xung quanh hoặc che tạm bằng những tấm ni lông. Tôi chợt thấy lo lắng và nói với anh Mạnh: “Những ngôi nhà như thế này, vào mùa mưa bão khác nào ngọn đèn trước gió!”. Ánh mắt buồn hướng về phía ngôi nhà, anh Mạnh thong thả: “Đúng vậy, hằng năm ở đây thường xuyên xảy ra gió lốc, mưa đá gây thiệt hại tài sản của nhân dân”. Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, anh Mạnh giới thiệu Thiếu tá Hù Văn Dền, Chính trị viên phó Đồn Pha Long, người đã trực tiếp tham gia giúp dân khắc phục mưa đá ở thôn Lũng Cáng, xã Pha Long năm 2013.
 |
Bộ đội Đồn Biên phòng Pha Long dựng nhà giúp dân ở thôn Lũng Cáng.
|
Anh Dền kể: Trong trận mưa đá hồi đầu tháng 3-2013, thôn Lũng Cáng có hơn một chục hộ dân thì hầu như toàn bộ các nhà trong thôn bị vỡ hết tấm lợp. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chỉ huy đồn đã cử anh cùng một tổ công tác xuống giúp dân khắc phục hậu quả. Anh cùng với ông Vàng Văn Quáy, Trưởng thôn Lũng Cáng đến từng hộ dân xem xét, kiểm tra để tổ chức giúp đỡ cụ thể, thật xót xa khi hộ nào cũng trong cảnh "màn trời", đồ đạc trong nhà đổ vỡ, tan hoang. Nét mặt ai cũng phờ phạc; ánh mắt vô hồn vẫn chưa hết bàng hoàng. Vì nhà xây dựng ở lưng chừng núi nên thiệt hại về mưa đá chưa được khắc phục, nguy cơ sạt lở núi lại đe dọa. Anh Dền cùng chính quyền thôn vận động, giúp di dời các hộ gia đình có nguy cơ bị sạt lở núi đến nơi an toàn; giúp các hộ dân lợp lại mái nhà, thu xếp lại nơi ăn ở... Liên tục trong hai tuần, tổ công tác của Đồn Pha Long do Thiếu tá Hù Văn Dền chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, dần ổn định cuộc sống.
Đây chỉ là một trong rất nhiều việc bộ đội Đồn Pha Long giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai ở nơi núi đá vùng cao của huyện Mường Khương này.
Chăn ấm cho học sinh tới trường
Trong chuyến đi lần này, chúng tôi cùng với một số nhà tài trợ tặng chăn ấm cho các học sinh bán trú Trường THPT Pha Long. Hôm nhận thông tin các cháu học sinh sắp được tặng chăn ấm, anh Mạnh vui như chính mình nhận được quà. Mấy hôm liền anh Mạnh liên lạc với đoàn từ thiện, chính quyền địa phương làm thủ tục cho chúng tôi vào khu vực biên giới. Hôm đoàn lên đồn, anh Mạnh ra tận thành phố Lào Cai đón. Đến hơn 12 giờ đêm đoàn mới tới nơi mà anh Mạnh vẫn thức đợi, bố trí cho mọi người chỗ ngủ nghỉ chu đáo.
Anh Mạnh cùng chúng tôi đến Trường THPT Pha Long, các em học sinh ùa ra vây quanh anh như đón người thân trong nhà. Nhìn ánh mắt trìu mến, những vòng tay nhỏ bé của các em ôm lấy anh Mạnh, tôi hiểu rằng đây là những vòng tay tin cậy, là một trong những chỗ dựa bền vững của các em nơi biên ải này. Thăm nơi ăn ở của các cháu, chúng tôi thấy có cả những chiếc chăn bông bộ đội được gấp gọn gàng. Chỉnh lại nếp chăn trên đầu giường, anh Lý Văn Tiến-Phó hiệu trưởng Trường THPT Pha Long xúc động: “Năm trước trời lạnh giá không có chăn đắp, nhiều học sinh nghỉ học. Biết chuyện, anh Mạnh đã mang một số chăn bông của đơn vị xuống cho các cháu. Sự chia sẻ khó khăn đó đã giúp các cháu yên tâm đi học đầy đủ...”.
Chia tay thầy trò nhà trường, chúng tôi đến thăm điểm trường thôn Thàng Chi Pến, xã Tả Ngài Chồ. Trước đây, điểm trường dựng tạm bằng mái tranh, vách nứa, trời rét nhiều cháu phải nghỉ học. Thương học sinh, anh Mạnh đã vận động một số nhà tài trợ về tài chính, bộ đội và dân bản góp sức xây dựng điểm trường. Chỉ tay về dãy núi trước mặt, anh Mạnh bảo, từng viên gạch, thúng cát xây dựng điểm trường này đều thấm đẫm mồ hôi của quân và dân nơi đây. Bởi đường hẹp, xe không chở vật liệu vào tận nơi được, nên bộ đội và nhân dân phải cõng vật liệu xây dựng qua ba quả núi kia. Tất cả vì học sinh, vì tương lai của Pha Long.
Công việc giúp dân của đồn kể ra thì nhiều, như trong câu chuyện của ông Lê Đức Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã Pha Long đã nói với chúng tôi: “Nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Pha Long góp công sức, nhiều đoạn đường trong xã đã được bê tông hóa”. Bên cạnh đó, quân y đồn còn phối hợp với y tế xã Pha Long và Tả Ngài Chồ tiêm chủng mở rộng cho 440 trẻ em. Gần đây, đồn đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng Trung Quốc lập chuyên án giải cứu thành công chị Giàng Thị Mỷ ở thôn Thàng Chi Pến, sau khi bị lừa bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc. Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ đang giúp dân mở rộng diện tích trồng quýt, giống cây trồng xóa đói, giảm nghèo.
Quả thật, với những điều tai nghe mắt thấy, không quá khi nói các hoạt động đời sống dân sinh của đồng bào nơi đây đều có sự giúp đỡ của Bộ đội Biên phòng.
Tôi chia sẻ những suy nghĩ đó, anh Mạnh cười hiền và nói: “Những việc bộ đội làm chỉ mong gần dân, dân hiểu, dân tin, cùng nhân dân bảo vệ biên giới. Bây giờ mời đoàn lên Trạm Biên phòng Lồ Cô Chin để tìm hiểu thêm về điều tôi vừa nói”.
Tường thành miền biên viễn
Trạm Biên phòng Lồ Cô Chin giáp với Trạm Kiểm soát biên giới Lao Kha của Trung Quốc. Đường dẫn lên trạm có nhiều điểm sạt lở đang được sửa chữa nên chúng tôi phải hành quân bộ. Khi còn khoảng một cây số thì trạm Lồ Cô Chin hiện ra trước mắt chúng tôi trong màn sương mờ ảo.
Chúng tôi đến nơi nhưng vẫn phải đứng đợi ngoài trạm. Thời gian chậm chạp trôi, một số người trong đoàn tỏ ra sốt ruột. Một lúc sau, Trung úy Nguyễn Đức Tâm-Trạm trưởng bước ra cùng với một chàng trai người Mông. Chúng tôi chưa kịp nói thì Tâm đã nhanh nhẹn: “Biết có đoàn nhà báo lên thăm trạm, anh em vui lắm nhưng vì bận công việc, tôi phải làm thủ tục quá cảnh cho đồng bào địa phương nên chưa ra đón ngay được”. Nghe Tâm nói vậy, ai cũng thấy vui, mấy anh em ban nãy tỏ ra sốt ruột thì vội vàng xuýt xoa.
 |
Bộ đội Đồn Biên phòng Pha Long tổ chức tuần tra biên giới song phương với Bộ đội Biên phòng Trung Quốc.
|
Nhìn quang cảnh vắng vẻ trong không khí lạnh lẽo vùng núi cao nơi biên thùy, chúng tôi hỏi Tâm: “Công việc ở trạm có tiếp xúc với dân nhiều không?”. Tâm cười: “Công việc đó diễn ra thường xuyên trong ngày, đặc biệt vào những ngày chợ phiên bên Trung Quốc”. Nói rồi, Tâm chỉ cho chúng tôi Trạm kiểm soát biên giới Lao Kha của Trung Quốc. Phía sau trạm Lao Kha là chợ nhỏ thường họp vào thứ ba hằng tuần, mặt hàng chủ yếu là nông phẩm, quần áo thổ cẩm. Ngoài ra còn có món thịt nướng, thắng cố và nhiều đồ ăn sẵn, vì vậy đồng bào Mông ở Pha Long hay sang bên đó để uống rượu. Để bảo đảm an ninh trật tự cho bà con, cán bộ của đồn phải làm việc rất vất vả.
Bên cạnh đó, lực lượng của trạm và Đồn Pha Long có nhiệm vụ tổ chức tuần tra biên giới. Đồn Pha Long đảm nhiệm tuần tra, bảo vệ 5 cột mốc biên giới, từ cột mốc 161 đến cột mốc 165. Đường biên giới dài, độc đạo, đồi núi chia cắt nên công việc tuần tra của cán bộ, chiến sĩ trạm rất vất vả.
Chúng tôi lên mốc biên giới 163, mốc gần trạm nhất. Tôi kéo Tâm lại chụp một kiểu ảnh lưu niệm. Không ai bảo ai, mỗi người đều đặt tay trái lên cột mốc, bày tỏ tình cảm thiết tha, lòng thành kính với các bậc tiền bối đã hy sinh xương máu của mình để có cột mốc 163 được đứng hiên ngang, vững chắc, khẳng định chủ quyền quốc gia. Tôi hỏi: “Từ khi cắm mốc phân định, có vụ việc vi phạm chủ quyền không?". “Có chứ anh, như năm vừa qua, đội tuần tra, phát hiện một vụ công dân Trung Quốc trồng cây sang lãnh thổ Việt Nam; một vụ phát cây sang đất của ta…”-Tâm nhanh nhẹn trả lời. Thực hiện tốt mối quan hệ phối hợp với Bộ đội Biên phòng Trung Quốc, ta đã mở hội đàm đột xuất tại thực địa, giải quyết bảo vệ toàn vẹn biên giới nơi đây. Tôi chợt thấy nghẹn lòng, nhiệm vụ bảo vệ biên giới thật thiêng liêng! Dù là một mầm cây, ngọn cỏ cũng quyết không để bị xâm phạm.
Chỉ về phía các lối mòn trên tuyến đường biên giới, Tâm cho biết, lối mòn là nơi thường xảy ra vụ việc vi phạm pháp luật. Người dân địa phương thông thạo địa hình, là "tai, mắt" nắm bắt tình hình. Vì vậy, để bảo vệ an ninh biên giới, Bộ đội Biên phòng phải dựa vào dân. Trong năm qua, nhờ thông tin từ nhân dân, Đồn Pha Long đã kịp thời phát hiện và xử lý hai vụ vi phạm quy chế biên giới, đối tượng là người Trung Quốc; một vụ xâm hại mốc quốc giới số 161; phát hiện và bắt một vụ liên quan đến mua bán vận chuyển chất ma túy, thu giữ 1 bánh hê-rô-in. Với sự giúp đỡ hiệu quả từ nhân dân, cán bộ Đồn Pha Long đã hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc nơi biên giới.
Chia tay cán bộ, chiến sĩ Trạm Biên phòng Lồ Cô Chin, chúng tôi lưu luyến nhìn về phía cột mốc biên giới 163. Sương giăng mờ, hình ảnh trạm và cột mốc mờ dần, nhưng hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ vất vả, gian khó cùng nhân dân nơi đây bảo vệ sự bình yên cho từng cột mốc biên giới, xây dựng bức tường thành vững chắc bảo vệ Tổ quốc nơi biên ải vẫn in đậm trong tôi.
Bài và ảnh: VĂN TUẤN – TRƯỜNG GIANG