QĐND Online - Dãy núi Tà Xuyên trên biên giới huyện Tây Giang, Quảng Nam cao vút, mây phủ trắng quanh năm. Dưới chân núi là một vùng biên cương đang dần thay da đổi thịt và khởi sắc. Đặc biệt, sự khởi sắc ấy có sự góp công của cán bộ biên phòng tăng cường xã Ga Ry, đã làm đổi thay hẳn nếp nghĩ, phong tục tập quán của cán bộ, người dân nơi núi rừng miền Tây xứ Quảng, nhiều người cứ ngỡ như đó là “chuyện cổ tích” ở quê mình…
Quyết “xóa” nạn rượu, bia
Ga Ry là một trong 4 xã giáp biên giới Việt-Lào khó khăn bậc nhất của huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Còn nhớ, những năm 80 của thế kỷ 20, hễ nói đến Khu 7, huyện Hiên (nay là các xã Ch’um, Ch’hy, A xan, Ga Ry của huyện Tây Giang), không một cán bộ, chiến sĩ BĐBP nào ở tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) thời đó lại không biết đây là vùng cao heo hút, gian khổ nhất trên tuyến biên giới Việt-Lào. Núi trập trùng núi, dốc cao nối tiếp dốc cao. Có những con dốc mới nghe đã ớn lạnh sống lưng, nếu bắt buộc phải vượt qua để đến với dân làng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc, như dốc Cháy, dốc cổng trời A Banh 1, A Banh 2… Việc đi lại chủ yếu bằng đôi chân, thời gian được tính bằng ngày, bằng buổi, chứ không có khái niệm “mấy giờ” khi đi từ đồn biên phòng này sang đồn biên phòng khác, từ bản này sang bản kia…Tỷ lệ đói nghèo trong cộng đồng bà con dân tộc Cơ Tu nơi đây thuộc diện cao nhất nhì toàn quốc. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn trăm bề…
Năm 2003, xã biên giới Ga Ry được thành lập trên cơ sở tách ra từ các xã Ch’um, Ch’hy. Điều kiện cơ sở vật chất ở Ga Ry hồi ấy gần như là con số không; đường giao thông, trường học, trạm xá... cái gì cũng thiếu, cũng tạm bợ. Toàn xã có 72,45% hộ nghèo; thu nhập của người dân tổng cộng được khoảng 1,4 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, một thói quen sinh hoạt gần như là một "hủ tục" của người dân nơi đây là uống rượu bất kể giờ giấc. Từ thanh niên, người lớn tuổi cứ gặp nhau là uống rượu, uống từ sáng tới tối, thậm chí qua ngày hôm sau, khi nào không uống được nữa mới thôi. Tuy đời sống người dân chỉ dựa vào thu nhập từ nương rẫy, nhưng cứ thu hoạch được lúa, bắp, đậu, khoai, sắn là mang đi đổi rượu, bia để uống, bất kể loại rượu gì. Cả xã Ga Ry có hơn 1.400 người dân với mấy hàng quán, vậy mà bao nhiêu rượu cũng hết. Trung bình mỗi ngày có quán bán tới hàng trăm lít rượu, hàng trăm thùng bia. Cán bộ xã cũng sa vào bia rượu, ảnh hưởng nhiều đến thời gian làm việc. Rượu bia lại sinh ra bệnh tật, nhiều lúc còn sinh ra cãi vã, ảnh hưởng đến an ninh trật tự bản làng và gây mất an toàn giao thông...
“Trong văn hóa giao tiếp, bà con dân tộc Cơ Tu ở xã Ga Ry vốn rất coi trọng việc mời nhau chén rượu, nó giống như tập tục “miếng trầu là đầu câu chuyện” của người Kinh ở miền xuôi vậy. Có uống với nhau chén rượu thì mới cởi mở tấm lòng, không uống là xem như không tôn trọng họ. Mỗi lần có việc, bất kể việc to hay nhỏ, công hay tư, người dân trong xã và cả những cán bộ địa phương lại tổ chức uống rượu, bia linh đình. Thói quen xấu này đã trở thành tập tục lâu đời, ăn sâu, bén rễ vào đời sống của mỗi người dân nơi đây.
Nhưng giờ đây, suy nghĩ đó đã trở lên “lạc hậu” và không còn nặng nề, chủ khách không còn ép nhau chén rượu, ly bia nữa. Bà con đã nâng cao nhận thức, biết được các tác hại của rượu, bia cũng như những lợi ích do việc tiết kiệm từ khoản chi cho rượu bia mang lại. Có được kỳ tích trên là nhờ phong trào “đổi bia, rượu lấy máy vi tính” do đồng chí Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã, Đại úy Trịnh Minh Chúc, cán bộ biên phòng tăng cường xã Ga Ry, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát động. “Phong trào này đã làm thay đổi hẳn cung cách sống, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân dân trong xã. Đây thực sự là “cuộc cách mạng” làm đổi thay vùng cao biên giới”, ông Hồ Xuân Danh, Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry hồ hởi cho biết như vậy.
Mở “cánh cửa” công nghệ thông tin
Câu chuyện về đội ngũ cán bộ xã Ga Ry rủ nhau bỏ bia rượu, bớt hội họp, liên hoan, ăn nhậu…để dành tiền mua máy vi tính diễn ra từ năm 2010, khi Đại úy Trịnh Minh Chúc, cán bộ của Đồn Biên phòng Ga Ry bắt đầu xách ba lô lên đây tăng cường, đảm nhận chức vụ Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Ga Ry.
Nhận nhiệm vụ mới, anh Chúc trăn trở lắm, nhất là làm sao cải cách công tác hành chính, nâng cao nhận thức của cán bộ, đời sống nhân dân trong xã… Là một cán bộ biên phòng, anh hiểu rõ lợi ích của chiếc máy vi tính mang lại khi áp dụng vào công việc, trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, thời gian đó, ngoại trừ đồn Biên phòng Ga Ry, cả xã vẫn chưa có một chiếc máy vi tính nào, đồng nghĩa với việc cán bộ nơi đây hoàn toàn không biết cách sử dụng máy vi tính. “Đây là bài toán khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều. Tôi hiểu rõ, chỉ có máy vi tính mới giúp cán bộ nơi đây xử lý công việc nhanh gọn, hiệu quả, và hơn hết là có thể tiếp xúc với những kiến thức khoa học kỹ thuật mới qua mạng internet”, Đại úy Chúc bộc bạch.
 |
Đại úy Trịnh Minh Chúc giúp người dân sửa chữa nhà cửa. |
Trong một lần ra huyện công tác, Phó Bí thư thường trực Trịnh Minh Chúc đã đề đạt ý tưởng của mình với lãnh đạo huyện ủy Tây Giang và đứng ra “bảo lãnh”, “tín chấp” xin 2 chiếc máy vi tính cho UBND xã Ga Ry. Mấy tuần sau, UBND huyện Tây Giang cấp cho xã 2 chiếc máy vi tính xách tay. Do có đông cán bộ, nên 2 chiếc máy vi tính cũng không đáp ứng được tất cả các công việc hành chính, giấy tờ của UBND xã. “Trong cái khó, ló cái khôn”, Đại úy Trịnh Minh Chúc lại nghĩ ra cách phát động cuộc vận động cán bộ xã tiết kiệm chi tiêu, tiết giảm các khoản ăn uống có rượu bia trong hội họp để dành tiền trang bị máy vi tính, nhằm cải cách hành chính, ứng dụng tin học vào công việc. Những ngày đầu, nhiều người xì xào bàn tán, thậm chí có người còn “mượn” hơi rượu, chửi mắng, thậm chí đe dọa “xin tí huyết” của Phó Bí thư thường trực Trịnh Minh Chúc vì đã cho ra đời “Nghị quyết cấm uống rượu, bia”... Nhưng rồi, khi tiếp xúc với máy tính, anh chị em cán bộ lại ưng bụng, quyết tâm bỏ rượu chè, tiệc tùng để cùng nhau sắm máy tính. Có người mê máy tính đến mức, nửa đêm còn vác máy tính lên tận phòng nghỉ, gõ cửa tìm anh Chúc để học. Một phong trào tiết kiệm được phát động khắp trong các cán bộ xã…
“Trước đây, mỗi khi soạn thảo văn bản, chúng tôi đều phải viết bằng tay, rất vất vả. Nhiều người viết chữ xấu rất ngại viết. Nay có máy vi tính rồi, công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn, ai cũng đồng tình ủng hộ” - ông Ríah Nhóop, Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho hay. Còn anh Bloong Hề, cán bộ phòng thống kê xã Ga Ry, từng là người hay rượu chè, thường bỏ bê công việc, nhưng hơn ba năm nay, anh đã bỏ được thói quen đó. Từ đồng tiền lương ít ỏi, anh dành dụm mua được chiếc máy vi tính xách tay trị giá 12 triệu đồng. Được cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry và Đại úy Trịnh Minh Chúc tận tình chỉ dạy cho cách sử dụng, đến nay, anh Hề đã thành thạo máy tính, công việc thống kê của xã được anh thao tác nhanh gọn, kịp thời. “Trước đây, mỗi lần nhận lương, mình thường tổ chức ăn uống nhậu nhẹt, nhưng nay đã bỏ được rồi. Nhờ tiết kiệm tiền mà mình có được máy vi tính”, anh Hề cười vui nói.
Với cách làm trên, hiện nay toàn xã Ga Ry đã có gần 40 chiếc máy vi tính, trong đó các cơ quan của xã có 24 máy. “Chính sách tiết kiệm, phổ cập tin học vào công việc cho cán bộ xã đã nâng cao hiệu quả công tác. Mô hình này được huyện ủy đánh giá rất cao. Chúng tôi đã liên hệ với nhà mạng Viettel để đưa internet về xã, qua đó, giúp cán bộ tiếp cận với thế giới bên ngoài, nâng cao kiến thức chuyên môn, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật để không chỉ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, mà còn có thể đưa kiến thức về sản xuất chăn nuôi, y tế cộng đồng, bảo vệ môi trường...đến với người dân”, ông Hồ Xuân Danh, Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry cho biết.
Điều đáng mừng nhất từ phong trào “đổi rượu, bia...lấy máy vi tính” do Đại úy Trịnh Minh Chúc phát động, đến nay, cán bộ và bà con dân tộc Cơ Tu ở xã Ga Ry, huyện biên giới Tây Giang không chỉ biết làm ruộng lúa nước, lúa rẫy, mà đã quen dần với công nghệ thông tin và internet. Qua đó, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; biết xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, không hội họp rượu bia linh đình, gây lãng phí…Phong trào này cũng góp phần làm thay đổi hẳn cung cách, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ ở một xã nghèo vùng cao biên giới.
Bài và ảnh: HOÀNG ANH