QĐND - Tuyến biên giới thuộc tỉnh Tây Ninh hiện đang đổi thay từng ngày, những con đường đất hướng ra biên giới năm xưa nay đã được thảm nhựa, những cụm dân cư mọc lên san sát, an ninh chính trị được bảo đảm; biên giới đã thực sự bình yên, hữu nghị và hợp tác... Đó là kết quả của hàng chục năm nỗ lực phấn đấu của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của những chiến sĩ "sao vuông".
Còn nhớ, sau chiến tranh biên giới Tây Nam, cả một tuyến biên giới của tỉnh Tây Ninh là vùng đất hoang vu đầy rẫy bom mìn sót lại. Đất rộng, người thưa, tình hình an ninh trật tự nhiều bất ổn, việc kiểm soát quản lý biên giới gặp không ít khó khăn. Nhận thức rõ vấn đề này, ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch về quy hoạch, bố trí các cụm dân cư trên biên giới, thế trận phòng thủ biên giới và xây dựng xã, huyện biên giới vững mạnh toàn diện.
Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, đến nay trên toàn tuyến biên giới đã hình thành 28 cụm dân cư với hơn 2,5 vạn dân định cư ổn định. Chốt dân quân Cây Me (Chốt Cây Me) là một trong hai chốt mới nhất được thành lập của xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên. Đến với cán bộ, chiến sĩ "sao vuông" ở Chốt Cây Me, chúng tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của nơi “nắng biên thùy”. Cái nắng khô khốc rát, khiến không khí nơi đây trở nên ngột ngạt. Thế nhưng, những cán bộ, chiến sĩ "sao vuông" ở điểm chốt này vẫn không một phút sao nhãng nhiệm vụ.
 |
Cán bộ, chiến sĩ dân quân Chốt Cây Me thông qua kế hoạch tuần tra, canh gác.
|
Chốt trưởng Nguyễn Thành Trung cho biết: “Trong năm qua, cán bộ, chiến sĩ của chốt đã phối hợp chặt chẽ với Công an xã Hòa Hiệp và Đồn Biên phòng 835 đóng quân trên địa bàn hằng ngày tổ chức tuần tra, góp phần giữ ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới và địa bàn đứng chân. Công việc tuy bận rộn, nhưng mọi nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần đều được duy trì nghiêm. Những lúc rảnh rỗi, chúng tôi lại cùng nhau tăng gia sản xuất. Trên khuôn viên 1,7ha, ngoài diện tích xây dựng chốt, phần diện tích còn lại khoảng 1,5ha được tận dụng làm khu tăng gia sản xuất nuôi gà, vịt và trồng rau xanh tăng thêm thu nhập, bình quân hằng tháng anh em thu nhập thêm khoảng 2 đến 3 triệu đồng/người. Ngoài ra, tận dụng đoạn sông, anh em tổ chức dùng lưới đánh bắt cá, cua, ốc... góp phần cải thiện bữa ăn”.
Ông Trịnh Văn Quây, người dân địa phương, cho biết: “Là ấp sát biên giới, nên trước đây tình hình trị an trên địa bàn hết sức phức tạp, nạn trộm cướp có vũ trang xảy ra liên miên, khiến nhân dân phải lùi sâu vào trong nội địa sinh sống. Nhưng, từ khi Chốt Cây Me được thành lập, tình hình trị an biên giới ổn định trở lại, anh em dân quân thường xuyên tuần tra, qua lại thăm hỏi giúp đỡ nhân dân nên bà con hết sức an tâm. Mỗi khi có việc đột xuất là các chiến sĩ dân quân có mặt giúp chính quyền và nhân dân địa phương giải quyết kịp thời. Chính vì vậy, bà con nhân dân rất yên tâm, coi cán bộ, chiến sĩ dân quân Chốt Cây Me như con em trong nhà”.
Thượng tá Mai Văn Đới, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Biên, cho biết: “Ban CHQS huyện luôn chủ động làm tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương để xây dựng lực lượng các chốt dân quân vững mạnh về vật chất lẫn tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ dân quân trực tại các chốt trong đó có Chốt Cây Me. Cùng với đó, còn thường xuyên trực tiếp kiểm tra đôn đốc và chỉ đạo các chốt dân quân luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ dân quân ở Chốt Cây Me đều yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Ông Huỳnh Văn Lễ, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp, khẳng định: “Cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho anh em trên chốt, hằng tháng đều hỗ trợ gạo và tiền ăn thêm cho dân quân. Ngoài ra còn đầu tư hơn 300 triệu đồng để nâng cấp nhà ở, xây nhà ăn, mua sắm dàn máy karaoke cho anh em sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Bên cạnh đó, địa phương còn tặng một chiếc xuồng máy và áo phao trị giá hơn 30 triệu đồng để anh em phối hợp tuần tra trên sông và hỗ trợ cứu nạn khi có tình huống bão, lụt xảy ra. Vì vậy, hầu hết chiến sĩ dân quân đều phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân nơi biên giới vững mạnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng bộ và nhân dân địa phương”.
Bài và ảnh: SƠN TÒNG