QĐND - Đó là cách nói đầy ấn tượng của Đại tá Phùng Tiến Lãng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước, khi trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của mô hình đưa cán bộ biên phòng về các xã, thôn bản, phum sóc tham gia củng cố hệ thống chính trị địa phương.
Dấu ấn cán bộ quân hàm xanh
Cùng cán bộ làm công tác vận động quần chúng về các thôn, ấp, chúng tôi đến các “nhà địa bàn”-một trong những thiết chế đưa BĐBP luân phiên về sống trong lòng dân, thực hiện 4 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, cùng lao động sản xuất) với dân. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là xã Đăk Ơ, huyện Bù Gia Mập. Đại tá Phùng Tiến Lãng cho biết, Đăk Ơ là xã được Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh chọn làm điểm đưa cán bộ biên phòng về tham gia vị trí chủ chốt trong hệ thống chính trị.
Đêm miền sơn cước càng về khuya thêm lạnh. Dù đã hẹn, nhưng đến 21 giờ, Trung tá Nguyễn Trung Trí, Chủ tịch UBND xã Đăk Ơ mới về đến trụ sở, bởi anh và một số cán bộ chủ chốt của xã đi đối thoại với dân ở các thôn, ấp. Làm cán bộ ở miền biên viễn này là thế, công việc không theo giờ hành chính. Ban ngày bà con đi nương rẫy, buổi tối là khoảng thời gian lý tưởng để cán bộ gặp dân. Vị chủ tịch UBND xã mang quân hàm xanh trải lòng: “Tôi về làm chủ tịch UBND xã từ năm 2010. Lúc mới nhận nhiệm vụ, tôi rất lo vì trước đây chỉ chuyên về công tác an ninh-quốc phòng, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước. Mặt khác, đây lại là xã yếu kém toàn diện, không biết mình có đủ sức cáng đáng được không. Tuy nhiên, tôi có thuận lợi là đã công tác ở vùng này nhiều năm, khá am hiểu địa bàn, phong tục tập quán, lại được sự giúp đỡ, động viên của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Thường vụ Huyện ủy huyện Bù Gia Mập, nên nhiều đề xuất của tôi được cấp trên đồng tình, ủng hộ”.
Đưa sĩ quan biên phòng dày dạn kinh nghiệm, tâm huyết với công việc và am hiểu địa bàn về Đăk Ơ là việc làm cần thiết, bởi đây là địa bàn phức tạp. Người dân khiếu kiện kéo dài, nội bộ mất đoàn kết, chủ tịch UBND xã từng bị khởi tố, hệ thống chính trị yếu kém, khủng hoảng về cán bộ. Trước hàng “núi” công việc, Nguyễn Trung Trí đã bàn bạc với Đảng ủy tập trung đột phá cải cách lề lối làm việc, giải quyết công tác cán bộ, củng cố hệ thống cơ sở chính trị các ấp, phát huy vai trò các già làng, chức sắc tôn giáo. Cán bộ xuống các thôn, ấp, họp, đối thoại và từng bước giải quyết những thắc mắc của dân, vận động bà con không khiếu kiện vượt cấp. Được sự giúp đỡ của lực lượng trinh sát BĐBP và công an huyện, các băng nhóm tội phạm, bảo kê trên địa bàn xã được giải quyết tận gốc.
 |
Đồng chí Phạm Thành (người đứng), Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập trong một buổi tiếp xúc cử tri.
|
Đồng chí Điểu Keng, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Ơ khẳng định: “Cái được lớn nhất là bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã; các chi bộ đảng, tổ chức chính quyền cơ sở, đoàn thể được củng cố; KT-XH của xã phát triển, đời sống bà con ngày một khá, hằng năm hộ nghèo giảm từ 15 đến 20%; từ gần 1000 hộ nghèo, nay còn 430 hộ”.
Thượng tá Phạm Thành được tăng cường về xã Bù Gia Mập làm chủ tịch UBND xã (thời kỳ đầu anh kiêm Bí thư Đảng ủy xã). Địa bàn này cũng từng là điểm nóng về an ninh trật tự, có một số băng nhóm gây rối trật tự, chống người thi hành công vụ. Do có nhiều năm công tác tại địa phương, am hiểu tình hình, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí Thành đã chỉ đạo, tổ chức phối hợp giải quyết dứt điểm các “điểm nóng”; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,6%. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Dương Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Bù Gia Mập khẳng định: Lãnh đạo huyện đánh giá cao vai trò của hai đồng chí sĩ quan biên phòng tăng cường làm chủ tịch UBND xã. Chúng tôi đã đề nghị Tỉnh ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh xin chủ trương và đang vận động hai đồng chí gắn bó với cương vị này thêm một nhiệm kỳ nữa, bởi Đảng đang rất cần, dân đang rất tin.
Đảng thêm gần dân
Với cách làm trên, BĐBP tỉnh đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước làm thay đổi bộ mặt KT-XH địa phương, chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền, cải cách các thủ tục hành chính, giúp địa phương thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo. Hiện 13 xã biên giới của tỉnh Bình Phước đều có cán bộ biên phòng về tham gia các chức vụ trong Đảng ủy, UBND xã. Các xã đặc biệt khó khăn được tăng cường thêm đội ngũ y, bác sĩ về các trạm xá quân dân y để chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho bà con. BĐBP tỉnh đã giới thiệu 138 cán bộ, đảng viên biên phòng về tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, ấp. Đội ngũ cán bộ tăng cường đã giúp cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố được 3 đảng ủy xã, 25 chi bộ, 15 ban điều hành thôn, ấp, 170 tổ an ninh nhân dân, 35 chi hội phụ nữ, 56 chi đoàn, 37 chi hội nông dân… Qua phân loại, có 13/15 xã xếp loại vững mạnh toàn diện, 2 xã xếp loại khá, không có xã yếu kém.
Thời gian cùng ăn, cùng ở với những người lính biên phòng không lâu, nhưng cũng đủ cho chúng tôi cảm nhận được công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị ở địa bàn biên giới của BĐBP tỉnh có ý nghĩa, vai trò rất to lớn trong việc ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Nói như đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thì các mô hình mà BĐBP tỉnh đã và đang thực hiện hiệu quả chính là những “cánh tay nối dài” của Đảng, để Đảng gần với dân hơn.
Bài và ảnh: HUY VÕ