QĐND Online - Hôm nay, sau 4 năm Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Đội trưởng Đội công tác tăng cường cơ sở 396 xã Ngọc Vang, huyện Đắc Hà mới có dịp về thăm lại em Y bảo, sau khoảng thời gian Đội công tác tăng cường cơ sở được giải thể theo quyết định của Bộ Quốc phòng.

Vượt chặng đường dài, có những đoạn phải đi bộ mới tới được nhà chồng Y bảo tại xã Đắc Uy, huyện Đắc Hà. Gặp lại Y Bảo bây giờ không còn là cô bé lam lũ, bẩn thỉu, đen nhẻm, suốt ngày phơi nắng ngoài đường nữa mà đã là một phụ nữ có chồng, con sống hạnh phúc.

Thượng tá Nguyễn Quang Vinh (ngoài cùng bên trái), mẹ con  Y bảo và bố mẹ chồng.

 

Nhớ lại cách đây 10 năm vào năm 2004, Y Bảo được các chú bộ đội Đội công tác đưa về cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ. Khi đó em mới tròn 10 tuổi, bố chết do bị tai nạn giao thông, không lâu sau mẹ em cũng bị bệnh ưng thư qua đời bỏ lại 3 chị em Y Bảo. Y Bảo là con cả và 2 người em trai, đứa nhỏ nhất mới 4 tuổi, sau khi cha mẹ của em qua đời, 3 chị em Y Bảo được bác ruột là ông A Ngur đưa về nuôi, nhưng gia cảnh của bác ruột kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, bữa cơm, bữa độn qua ngày.

Sau một lần xuống làng làm công tác dân vận, các cán bộ Đội công tác đã phát hiện ra, nếu để 3 chị em Y Bảo sống cùng bác ruột thì không những gây khó khăn cho gia đình mà còn có nguy cơ thất học.

Thượng tá Nguyễn Quang Vinh kể lại: Khi gặp hoàn cảnh của các cháu chúng tôi đã nghĩ ngay đến chuyện phải làm gì đó để giúp đỡ các cháu, nhưng không biết phải làm thế nào. Nếu hằng tháng tiết kiệm trong mỗi cán bộ, đội viên quyên góp giúp đỡ chu cấp lương thực, thực phẩm thì chỉ giải quyết phần ngọn thôi chứ cái gốc vẫn chưa làm được, phải làm sao để các cháu vừa được nuôi dưỡng, vừa phải được đi học. Vậy là chúng tôi bàn bạc với anh em trong Đội quyết định đưa Y Bảo về đội nuôi dưỡng, còn hai cháu nhỏ gửi nhờ Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh chăm sóc.

Về sống với các chú bộ đội, Y Bảo được nuôi ăn học, dạy dỗ. Ban ngày em đến trường học với các bạn cùng trang lứa. Đêm đêm tiếng dạy học của các chú bộ đội và tiếng học bài ê, a của em làm cả đội vui lây. Cứ thế, Y Bảo tiến bộ dần từ cách ăn nói, chào hỏi mọi người, đến vệ sinh cá nhân đều ngăn nắp, sạch sẽ.

Ông A Ngur tâm sự: “Hồi đó xuống thăm cháu, tui và mấy đứa trong gia đình ngạc nhiên lắm, không ngờ được các chú bộ đội đưa về nuôi mà nó lớn nhanh thế, có quần áo mới nè, ăn ở thì sạch sẽ nè, học bài thì giỏi, lễ phép nữa chứ. Không như mấy đứa trong làng hay chơi với nó đâu, tui thấy thế tui rất mừng và cảm ơn mấy chú bộ đội đã giúp đỡ cho cháu tui”.

Cũng chính từ những việc làm tình nghĩa, trách nhiệm đầy tình người đó mà Cán bộ, đội viên Đội công tác 396 Ban CHQS huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum trong thời gian tăng cường về địa bàn "4 cùng" với nhân dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào dân tộc bản địa” đã chiếm được tình cảm của bà con nơi đây. Họ đã coi cán bộ, đội viên đội công tác 396 là con của mình, từ việc lớn đến việc nhỏ của làng đội công tác đều có mặt.

Già làng A Tak, làng Kon Gu I, xã Ngọc Vang, nói với chúng tôi: Dân làng mình ơn cái bộ đội lắm, nếu không có các chú thì làng mình không được như bây giờ đâu. Thằng Vinh, thằng Hướng (tên của đồng chí Thượng tá Nguyễn Văn Vinh, Nguyên là Đội trưởng và Thượng úy Nguyễn Văn Hướng, cán bộ đội công tác) thương đồng bào mình hơn thương cái thân chúng nó. Nó bày cho dân làng mình trồng cây có tiền, biết nhận ra cái đúng cái sai, vận động nhân dân xóa bỏ lối làm ăn lạc hậu, chuyển đổi đất trồng mì bạc màu sang trồng cây cao su. Nói rồi ông dẫn chúng tôi đi xem vườn cao su 6 năm tuổi rộng 2,5 hec-ta của gia đình ông.

Theo thống kê hiện nay, chỉ tính riêng làng Kon Gu I đã trồng hơn 100 hec-ta cao su tiểu điền, 24 hec-ta cà phê và các loại cây công nghiệp như: Bời lời, keo lá tràm. Các hộ có thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ đói. Trước năm 2005, xã Ngọc Vang, huyện Đắc Hà được coi là một điểm nóng về an ninh chính trị, thì nay dần trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xã hội và an ninh - quốc phòng của huyện Đắc Hà.

Sau 10 năm, Y Bảo nay đã là cô gái 20 tuổi, đã lập gia đình và có một cô con gái xinh xắn 2 tuổi. Chồng Y bảo hiện đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Đại đội Trinh sát, phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh Kon Tum nên em sống cùng với bố mẹ chồng ở xã Đắc Uy, huyện Đắc Hà. Tuy kinh tế cũng còn nhiều khó khăn nhưng Y Bảo nói chỉ mấy năm nữa thôi là gần 1 hec-ta cà phê và gần 2 hec-ta bời lời bắt đầu cho thu hoạch. Khi đó, việc đầu tiên là bàn bạc với chồng xây lại ngôi nhà mới để ở và sắm một số vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Vẫn còn một chút ngượng nghịu, bẽn lẽn khi tiếp xúc với chúng tôi, Y Bảo tâm sự: Không có chú Vinh và các chú trong đội công tác nuôi dưỡng, dạy bảo thì cháu không có như ngày hôm nay đâu, sẽ vẫn là không nhà, không gia đình, không biết chữ. Các chú bộ đội đã thay đổi cuộc đời cháu. Cháu chỉ biết cảm ơn và hứa sẽ cố gắng chăm chỉ làm ăn để không phụ công các chú bộ đội đã cưu mang cháu.

Vậy đấy, để được dân tin, dân yêu ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh còn có những việc làm đầy tình người, mang tính nhân văn cao đẹp thể hiện phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân”.

Bài, ảnh: TRUNG KIÊN