QĐND - Đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang (Bộ chỉ huy BĐBP phòng tỉnh Cao Bằng), tôi được nghe nhiều lời khen về Thiếu tá Bàn Văn Mão, dân tộc Dao, cán bộ Đội vận động quần chúng của đồn. Đó là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, gắn bó với địa bàn, khéo vận động nhân dân phát triển kinh tế, bài trừ hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa, đấu tranh xóa bỏ việc truyền đạo trái pháp luật.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, năm 1983, Bàn Văn Mão nhập ngũ vào BĐBP rồi được đi đào tạo tại Trường Trung học Biên phòng. Tốt nghiệp ra trường, anh trở về quê hương Cao Bằng công tác, lần lượt qua các vị trí: Đội phó vũ trang Đồn Biên phòng Thị Hoa, Trạm trưởng liên ngành Tiểu khu 15 (Bảo Lạc), Đội phó Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cô Ba. Ở vị trí công tác nào, dù khó khăn đến mấy, anh vẫn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

Thiếu tá Bàn Văn Mão cùng người dân kiểm tra, phòng trừ sâu bệnh cho giống lúa mới.

Năm 1999, anh được điều về công tác tại Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang. Đồn phụ trách 3 xã biên giới với 33 xóm, trong đó có 10 xóm giáp biên, 7 xóm có đồng bào dân tộc Mông, Dao cư trú, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí mới là 28%. Anh được cấp ủy, chỉ huy đồn giao nhiệm vụ “cắm địa bàn” là cầu nối giữa đồn và cấp ủy, chính quyền xã. Địa bàn phụ trách của đội có nhiều dân tộc sinh sống. Anh rất chịu khó nghiên cứu tập tục, đời sống sinh hoạt của nhân dân, báo cáo cấp ủy, chỉ huy đồn và bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước vận động nhân dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi một số diện tích từ trồng lúa sang trồng lạc. 

Lúc đầu cả bản không tin, bởi cây lúa, cây ngô đã bao đời gắn bó nuôi sống họ. Bàn Văn Mão kể: “Có đêm mình đến vận động nhân dân, nhưng bà con biết đồn và xã vận động chuyển đổi cây trồng, nên bà con đóng cửa không tiếp”. Anh và trưởng xóm kiên trì vận động, lựa chọn 8 hộ chuyển đổi trồng 4ha lạc và điều kỳ diệu đã đến. Cây lạc hợp đất, khí hậu, cho năng suất 3 tấn/ha. Từ mô hình này, anh vận động bà con nhân rộng và tham mưu cho chính quyền xã bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ về gia cầm để chuyển sang nuôi gia súc như trâu, bò; đề xuất với các cơ quan, ban, ngành tạo thuận lợi cho bà con vay vốn mua con giống. Nhờ có con giống tốt, hợp thời tiết, nhiều thức ăn, đến nay nhiều hộ gia đình đã có 1 đến 2 con trâu, hoặc bò, trị giá mỗi con từ 40 đến 60 triệu đồng. Anh Thào Văn Thình, Trưởng thôn Lủng Loỏng, xã Nà Sác bộc bạch: "Nhờ bộ đội Mão cùng đồn biên phòng giúp đỡ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân xóm tôi đã ấm no".      

Khi cuộc sống người dân đang yên ả, thì xuất hiện tà đạo Dương Văn Mình; một số người nhẹ dạ đã nghe theo. Nhận nhiệm vụ vận động nhân dân bỏ tà đạo này, Thiếu tá Bàn Văn Mão đã nhanh chóng tiếp cận địa bàn, người dân để nắm tình hình, tham mưu đúng, trúng cho ban chỉ huy đồn và chính quyền địa phương. Nhờ kinh nghiệm công tác ở vùng khó khăn gian khổ của huyện Bảo Lạc và cũng chính nhờ bám sát dân, anh đã phát hiện 5 hộ người Mông lén lút lập bàn thờ theo tà đạo Dương Văn Mình, có đợt họ đã bỏ nhà đi cả chục ngày. Nhờ sự kiên trì thuyết phục, kết hợp với biện pháp giáo dục của chính quyền địa phương 5 hộ người Mông ở Nà Sác đã tự nguyện bỏ tà đạo Dương Văn Mình để trở về tái nhập với cộng đồng, yên tâm lao động sản xuất và còn vạch mặt kẻ lừa phỉnh họ. Với thành tích này, Bàn Văn Mão được chọn đi báo cáo điển hình về công tác vận động nhân dân chống tà đạo Dương Văn Mình của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng và được nhận giấy khen của UBND huyện.

Với anh, để gắn bó với người dân thì cán bộ biên phòng phải rất hiểu dân. Anh nhiều lần đề xuất Đội Vận động quần chúng báo cáo ban chỉ huy đồn tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với đồng bào dân tộc Mông, Dao… Trong hai năm (2013-2014), anh cùng đồng đội đã đi hết các bản làng biên giới trên địa bàn đồn phụ trách, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quán triệt tốt 3 văn bản pháp lý và Quy chế biên giới Việt- Trung, Nghị định 34/2014/NĐ-CP về tự quản đường biên, cột mốc cho hầu hết người dân hiểu và thực hiện.

Người dân thôn Lủng Loỏng, xã Nà Sác thường gọi anh bằng cái tên trìu mến “Bộ đội Mão của bản ta”. Thực vậy, nhiều năm lăn lộn địa bàn, anh coi bà con dân tộc như người thân của mình. Dịp khai giảng năm học 2014-2015, anh biết có 5 cháu bỏ học và đã cùng trưởng thôn đến từng gia đình vận động cha mẹ và học sinh, trích tiền lương của mình, vận động đồng đội mua cặp sách, vở học tập, cắt tóc cho các cháu. Đích thân anh dùng xe gắn máy chở từng cháu xuống trường tiếp tục học tập. Hình ảnh đó để lại ấn tượng tốt đẹp trong ngày khai giảng năm học mới của các cô giáo và học sinh vùng biên giới.

Nhận xét về Thiếu tá Bàn Văn Mão, Thượng tá Đinh Ngọc Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang nói: Là cán bộ dân tộc Dao, nhưng Thiếu tá Bàn Văn Mão đã tự học và nói thành thạo các thứ tiếng: Mông, Tày, Nùng và luôn tìm tòi học hỏi nâng cao nghiệp vụ, kiến thức về nông nghiệp, văn hóa dân tộc, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước, hòa đồng với đồng đội, nhân dân, luôn sáng tạo trong công tác vận động quần chúng, thực hiện “nói ít làm nhiều”. Anh còn giúp đỡ các cán bộ lớp sau về nghiệp vụ biên phòng, về học tiếng dân tộc và công tác vận động quần chúng, luôn được cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin yêu. Tổng kết phong trào Thi đua Quyết thắng năm 2013-2014, Thiếu tá Bàn Văn Mão vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua. 

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG THÁI