QĐND Online - Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2014, tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) sáng ngày 18-7 có 184 đại biểu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, đại diện cho hàng triệu thương binh, gia đình liệt sĩ của 63 tỉnh, thành phố và lực lượng vũ trang. Nhiều người trong số họ đã hoặc vẫn đang tại ngũ nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn tỏa sáng trên từng “mặt trận” họ đảm nhiệm.
 |
Bộ trưởng Bộ Thương binh, Lao động và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tặng hoa cho thương binh Lê Anh Tuấn |
Còn một chân vẫn làm giàu
Phát biểu tại Hội nghị, thương binh 1/4 Lê Anh Tuấn, sinh năm 1945 quê ở Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) được mọi người vỗ tay rất lâu. Bị thương và mất một chân, một mắt trong trận đánh quyết liệt ở xã Cẩm Hà, ông Tuấn bị địch bắt rồi sau đó bị giam cầm ở nhà lao Hội An cho đến ngày quê hương giải phóng. Năm 1992, ông nghỉ hưu khi đang làm Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Hội An. Dáng người bé nhỏ, sức khỏe yếu, phải nuôi hai con ăn học và mẹ già, mảnh đất Cẩm Thanh cũng quá cằn cỗi để có thể làm ăn, ông thực sự đứng trước thử thách để tồn tại. Bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ lại một lần nữa tạo động lực cho ông vươn lên. Vùng quê dừa nước thích nghi với con tôm cũng là lúc ông xin chính quyền cấp giấy phép sản xuất thức ăn nuôi tôm với số vốn ít ỏi ban đầu. Từ đây, ngoài trồng lúa, làm vườn ông có thêm nghề buôn bán. Buổi ban đầu bước chân vào thương trường ông gặp không ít khó khăn. Người khỏe mạnh kinh doanh đã khó, ông chỉ có một chân, chân còn lại phải đi bằng chân giả, mắt cũng chỉ nhìn được một bên nên nhiều khi chở xe máy thức ăn nuôi tôm đến các hồ thì cả người và xe đều ngã kềnh. Không nản chí, ông cứ tiếp tục công việc, lấy chữ tín làm thương hiệu. Đến nay, ông đã có 100 khách hàng thường xuyên. Doanh số bán hàng đạt cả tỉ đồng/năm; nộp thuế vào ngân sách Nhà nước hàng chục triệu đồng/năm và góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đời sống gia đình ngày càng cải thiện. Hai con ông đều đã tốt nghiệp Đại học và có nghề nghiệp ổn định. Để giúp các gia đình chính sách còn khó khăn, ông hỗ trợ bằng cách không nhận tiền ngay mà chờ khi thu hoạch xong mới thanh toán. Ông còn đầu tư nguồn vốn để giúp một số hộ phát triển nuôi trồng thủy sản. Vừa kinh doanh, ông vừa làm tốt cương vị bí thư chi bộ khối An Mỹ, góp phần để chi bộ nhiều năm liền dẫn đầu phong trào thi đua của phường. Gần đây, ông chuyển sang làm tổ trưởng tổ dân cư, đôi chân không lành lặn lại đi về liên tục giúp hòa giải mâu thuẫn các hộ, hay vận động quyên góp, giữ vệ sinh chung, giúp đỡ những trường hợp bệnh tật ở địa phương.
 |
CCB Vũ Xuân Túy nhận hoa của đồng chí Thuận Hữu, Tổng biên tập báo Nhân dân |
35 năm gắn bó với nghề cói
Thương binh 4/4 Vũ Xuân Túy quê xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng, Nam Định lên bục phát biểu bằng bộ quân phục và lấp lánh huy chương trước ngực. Đi bộ đội, tham gia chiến đấu ở mặt trận Khu 5 và bị thương tại chốt cao điểm 262 sau 7 ngày trụ giữ, ông trở về quê với bao khó khăn. Năm 1980, ông đứng ra thu mua bao manh đan bằng cói khâu thành bao bán cho công ty Muối và cho Công ty xuất nhập khẩu. Công việc đang thuận lợi thì năm 1989, do ảnh hưởng khối Đông Âu tan rã, mặt hàng bao bì tạm ngưng xuất khẩu. Vũ Xuân Túy trăn trở rất nhiều và quyết tâm lập lại nghề truyền thống của cha ông. Ông đi tìm hiểu thị trường khắp nơi, cùng vợ con sáng tạo ra nhiều mẫu mã bằng cói ép đẹp, đa dạng và chào hàng với giá thấp nhất. Kết quả là hàng đã được Công ty xuất khẩu Baratex Nam Định chấp nhận đặt tiêu thụ. Quá vui mừng, ông về thu mua nguyên liệu, vận động bà con trở lại sản xuất, hướng dẫn cách làm mặt hàng này. Chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên năm 1990 thành công hơn dự định. Hàng cói ép không chẻ của Nghĩa Lợi đã bén duyên trên thị trường nước ngoài. Đến nay đã 35 năm thăng trầm lăn lộn cùng hàng cói, doanh nghiệp xuất nhập khẩu Ánh Túy của gia đình ông đã đứng vững trên thị trường, trở thành nghề mũi nhọn hiện nay của xã Nghĩa Lợi. Doanh nghiệp có vốn cố định trên 5 tỉ đồng, tự vận động vốn không phải vay tiền Nhà nước; thu hút trên 800 lao động tham gia, bao gồm cả người già, các cháu học sinh sau giờ học, giải quyết được lao động nông nhàn của địa phương. Nhiều người có tay nghề giỏi đạt dến 6 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp Ánh Túy tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Hàng năm, gia đình ông giúp đỡ và ủng hộ các đối tượng chính sách hơn 80 triệu đồng. Đã dạy nghề và hỗ trợ cho 20 cháu khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phối hợp với Trường trung cấp nghề Nam Định dạy nghề miễn phí cho người lao động. Thương binh Vũ Xuân Túy đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội CCB, Hội Nông dân tỉnh Nam Định tặng nhiều bằng khen.
 |
Đại tá Phạm Xuân Thiện (trái) với Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tại Hội nghị |
Con liệt sĩ xung phong đi chiến đấu
Đại tá Phạm Xuân Thiện, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, thương binh 4/4 là đại diện duy nhất của Quân khu 5 tại Hội nghị và là 1 trong 15 sĩ quan của Bộ Quốc phòng tiêu biểu dự cuộc gặp mặt. Mảnh đất Điện Hòa, Điện Bàn, Quảng Nam vốn ác liệt trong hai cuộc kháng chiến. Cha hy sinh lúc anh còn bé xíu, anh luôn tâm nguyện lớn lên nối gót cha bảo vệ Tổ quốc. Năm 1978, anh Thiện xung phong đi bộ đội và sau đó tham gia chiến trường K. 5 năm trong đội hình Trung đoàn 576, Sư đoàn 307, Phạm Xuân Thiện có mặt trong nhiều chiến dịch, là Tiểu đoàn trưởng có uy tín. Trong trận đánh cao điểm 581, Prếch vi hia, anh bị thương vào tay và chân, tỉ lệ 36%,. Đường binh nghiệp không mấy hanh thông như nhiều người, anh lặng lẽ làm tốt từng cương vị mình đảm nhiệm, chưa bao giờ đòi hỏi chế độ ưu đãi cho riêng mình. Làm Phó Chỉ huy trưởng rồi Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam, anh khiêm tốn học hỏi, nghiên cứu, sâu sát cơ sở; đạt nhiều giải cao trong các hội thi, hội thao của Quân khu và Bộ. Trên cương vị Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng, anh đã tham mưu, chỉ đạo triển khai và tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ QP- QSĐP, đặc biệt là trong công tác huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy. Năm 2013, anh đã cùng tập thể Bộ Chỉ huy tham mưu cho UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Quân khu 5 và các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng tổ chức diễn tập ứng phó động đất, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Bắc Trà My, được đánh giá cao. Năm 2014, anh cùng với tập thể Bộ Chỉ huy phối hợp với các cơ quan đơn vị tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh, đạt mục đích yêu cầu đề ra. Anh bám sát, chỉ đạo trực tiếp phần thực binh và hoàn thành bắn đạn thật cấp tiểu đoàn được tăng cường, phối thuộc với đề mục “Tiểu đoàn bộ binh đánh địch đổ bộ đường không”, tiêu diệt hết các mục tiêu, bảo đảm an toàn tuyệt đối, Quân khu đánh giá đạt loại giỏi.
Anh Thiện tâm sự: “Con liệt sĩ và thương binh, tôi luôn tự nhắc nhở đừng vì hào quang của gia đình mà quên mất trách nhiệm hiện tại. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Quá khứ chỉ được trân trọng khi hiện tại làm đẹp cho đời”. Tôi luôn khắc sâu điều đó và sống sao cho xứng đáng với cha anh và thế hệ đi trước.”
Bài và ảnh: HỒNG VÂN