QĐND - Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, có đôi vợ chồng đã luống tuổi đến cư ngụ tại xóm núi. Nơi có mấy ngôi nhà lợp bằng tranh nằm cheo leo bên sườn Hồng Lĩnh (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) toàn những cây sim, mua, muồng, đêm đêm âm u tiếng chim mang toác, từ quy khắc khoải gọi nhau. Đến cái tên xóm cũng hoang vu như vùng núi này: Xóm Truông!

Người chồng tên là Trần Văn Sáu và vợ là Tôn Thị Bích. Quê ông Sáu không phải ở đây mà ở xã Xuân Phổ, mãi dưới miền biển. Ông làm nghề thợ mộc và cũng đã có một đời vợ và 3 con trai. Vợ ông không may bị bệnh nặng, qua đời. Khi ông gặp bà là một công nhân Lâm trường Hồng Lĩnh (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) thì bà cũng đã có 3 đứa con gái. Chồng bà hy sinh khi cùng đồng đội giúp nước bạn Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt. Hai người đến với nhau, thôi thì gọi là “rổ rá cặp lại” để nương tựa nhau lúc tuổi già. Cũng phải mất mấy bận phiêu dạt khắp nơi tìm bến đỗ, tới năm 1990, hai người mới chọn cái xóm Truông này làm nơi xây tổ ấm.

Sẵn nghề mộc trong tay, lại gần rừng, họ xin lâm trường những cây gỗ thải loại để dựng một ngôi nhà nhỏ. Khốn nỗi, ông đi làm mộc nay đây mai đó, nhưng tay nghề cũng chỉ tầm tầm, bà là công nhân lâm trường về hưu, đồng lương hạn hẹp. Năm 1991, đứa con chung của ông bà chào đời. Có thêm con là thêm niềm vui, nhưng ông bà lại phải đối mặt với bao bươn chải, nhọc nhằn. Ông Sáu tuổi đã cao, chẳng còn đi làm được nữa. Ba miệng ăn và sự học hành của đứa con chung, sống bằng số tiền lương hưu ít ỏi của bà…

Vợ chồng bà Bích trò chuyện cùng cán bộ Tiểu đoàn 31 trong ngôi nhà mới được xây dựng. Ảnh: NGUYỄN QUỐC PHÒNG

Một lần có việc, tôi đến xóm Truông và tình cờ gặp bà. Ông bận về quê nội ăn giỗ. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ nhắn, nhưng ấm áp bên sườn núi, bà “khoe” với tôi: “Ngôi nhà này là nhờ các chú bộ đội 31 (cách gọi thân mật của người dân ở đây với anh em bộ đội Tiểu đoàn Đặc công 31, Bộ Tham mưu Quân khu 4) góp sức cùng gia đình xây dựng nên”. Tôi hơi bất ngờ, bởi biết rằng, tiểu đoàn là đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lấy đâu ra tiền bạc, thời giờ mà giúp dân làm nhà? Như đoán được suy nghĩ của tôi, bằng cách nói chân tình của người vùng núi, bà chân thành kể:

- Ngôi nhà ni của vợ chồng tui có được là nhờ sự góp sức của “các chú bộ đội 31” đó. Khi dựng nhà lần đầu, từ cây cột, cái kèo mua xa hàng cây số chuyển về đây, “các chú bộ đội 31” đều khênh, vác cho cả. Làm nhà xong, thấy bầy tui thắp đèn dầu, các chú ấy cũng giúp dựng cột, kéo dây, lắp máy bơm nước, bóng đèn điện cho. Chú biết đó, với đồng lương ít ỏi, bầy tui ngày càng già, sức càng yếu đi, lại thêm bệnh tật, nên không làm chi được nữa. Cháu Huyền Trang, con chung của bầy tui học hành coi cũng được, nên vợ chồng tui quyết tâm nuôi cho nó học hành đến nơi đến chốn. Khoe với chú, nay cháu đã học xong Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh và đang chờ xin việc. Nhà vợ chồng tui ở bên sườn núi, trước đây nhiều đêm mưa to, gió lớn, ba con người nằm trong ngôi nhà tranh nhỏ bé, nghe gió hú ngoài rừng, nghe mưa dội trên mái tranh mà tê tái cả người. Nước mưa từ mái tranh dột nát nhỏ thành dòng xuống nền nhà đắp bằng đất ướt lênh láng. Tui và ông nó cứ phải kéo giường chạy dột suốt. Nhiều lần, khi đắp lại chăn cho con, bàn tay chai sạn lam lũ của tui chạm phải những giọt nước mắt của đứa con còn thơ dại chưa kịp thấm khô trên gối. Lòng tui se sắt lại vì tủi thân. Ông nó thì len lén lau nước mắt. Là mẹ, tui biết cháu Huyền Trang, thấy cảnh nhà như rứa cũng buồn tủi lắm!

Dừng một lát, như để kìm nén sự xúc động, bà tiếp lời: Trong cái rủi, có cái may, chú ạ. Ngay sát bờ rào nhà tui có doanh trại của các chú bộ đội 31. Thi thoảng, những khi rỗi rãi, các chú ấy có sang chơi. Hiểu hoàn cảnh của gia đình tui, một bữa hai chú thủ trưởng là Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên đi cùng ông trưởng thôn sang bàn với tui rằng, để góp phần cùng địa phương xóa đói, giảm nghèo, nếu vợ chồng tui đồng ý, các chú ấy sẽ giúp thêm để xây lại ngôi nhà cho chắc chắn. Tui nghe mà không tin vô tai mình nữa. Ở gần các chú bộ đội 31, tui biết anh em ta vất vả lắm. Luyện tập suốt ngày đêm, lại còn tăng gia, trồng trọt, đào ao nuôi cá, giúp dân Xuân Hồng làm đường, mùa màng đến là kéo nhau đi gặt lúa cho dân, công mô mà giúp cho tui xây nhà? Nhưng đã nói là các chú làm. Chủ nhật ấy, tui thấy các chú bộ đội 31 dùng xe cải tiến chở gạch, chở đá, xi măng đến. Sau này tui mới biết, nghe nói, tiền mua xi măng, cát được trích ra từ “quỹ xóa đói, giảm nghèo” do cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đơn vị đóng góp. Chi đoàn thanh niên vận động anh em tranh thủ ngày thứ bảy, chủ nhật đi nhặt đá. Gạch thì dùng số gạch dư dôi ra khi xây dựng doanh trại. Công sá thì đều do anh em bộ đội tranh thủ ngày nghỉ để làm. Bộ đội ta giỏi lắm! Đừng nghĩ lính đặc công chỉ giỏi võ, giỏi đánh nhau với giặc, cứ nhìn anh em trộn hồ, trộn vữa, xây nhà, nỏ khác chi những thợ lành nghề.

Nghe bà kể vui quá, tôi lựa lời:

- Thế tính tất tần tật, ngôi nhà Đơn vị 31 giúp cho bác, chi phí hết bao nhiêu?

Chưa trả lời thẳng câu hỏi của tôi, bà Bích thật thà:

- Vì chỉ tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ để làm, nên cũng phải mất vài tuần ngôi nhà của tui mới xây xong. Chú nhìn mà coi, nó xinh xắn, chắc chắn đó chứ. Khi nhà làm xong, tui cũng hỏi các chú thủ trưởng câu đó. Gặng hỏi mãi, các chú ấy chỉ cười: Hết bao nhiêu đâu bác! Vật liệu chúng cháu tận dụng cả, còn công sá thì cán bộ, chiến sĩ cùng bà con xóm Truông ta đây tranh thủ giúp. Giúp dân là nhiệm vụ của chúng cháu mà!

Tôi lặng lẽ nhìn bà, lại nhìn ngôi nhà. Khiêm nhường bên sườn núi, ngôi nhà hai gian, cột gỗ, tường xây, mái lợp bằng phi-brô xi măng; có bể nước trước nhà, cửa sổ, cửa chính đều bằng gỗ, vững chãi, xinh xắn. Đường lên nhà dốc đứng, được xây bậc xi măng chắc chắn, cẩn thận. Thấy tôi cứ đi lại ngắm ngôi nhà, bà Bích mỉm cười:

- Chú ơi, chuyện giúp vợ chồng tui làm nhà đối với các chú bộ đội 31, các chú ấy bảo chỉ là chuyện bình thường, đừng có kể làm chi. Chú cũng đừng viết lên báo, các chú ấy lại trách tui, chú nhé!

Tôi gật đầu, xin phép chụp ảnh bà và ra về. Vừa ra khỏi ngõ, tình cờ tôi gặp anh Hoàng Văn Trọng, Trưởng thôn Truông. Vốn quen biết nhau từ trước, anh Trọng kéo tôi vô nhà. Khi nghe tôi nói lại điều bà Bích vừa dặn, anh Trọng vui vẻ:

- Bà Bích nói đúng đấy anh ạ. Việc giúp thêm cho vợ chồng ông bà làm lại cái nhà, với anh em bộ đội 31, chỉ là chuyện bình thường thôi, bởi cái nhà ông bà Sáu Bích đâu phải là ngôi nhà đầu tiên các chú ấy giúp dân làm. Nơi nào Tiểu đoàn Đặc công 31 đến đóng quân, làm nhiệm vụ, hễ có điều kiện giúp dân được là các chú ấy giúp ngay. Tôi kể cho anh chuyện này mới đáng nói. Anh nhìn mà coi, quanh cái xóm Truông này chỉ toàn rừng thông, rừng keo, bạch đàn... Đó là loài cây dễ bắt lửa, dễ cháy nhất. Mùa nắng đến, vùng này lá thông, lá keo, bạch đàn rụng đầy mặt đất; thân thông, keo, bạch đàn toàn nhựa, gặp lửa là cháy ngút trời, ngút đất. Xóm Truông và hàng nghìn ngôi nhà ở các thôn xóm khác của các xã Xuân Hồng, Xuân Lĩnh, Xuân An ở khu vực Bắc Hồng Lĩnh này đều sống trong rừng, được rừng che chở. Nhưng rừng cháy là nhà cháy! Nếu rừng cháy, chưa nói đến chuyện môi sinh, môi trường bị mất, mà là hàng nghìn gia đình quanh Hồng Lĩnh mất nhà cửa, vườn tược; là chết người, hại của. Thế nên cứ đến mùa nắng nóng là dân chúng tôi lo thót tim. Dễ chừng mấy chục năm nay, cứ từ tháng tư đến tháng bảy hằng năm là có gần chục lần cháy rừng thông. Nhưng cứ lần nào lửa vừa bén, khói vừa bốc lên là có mặt các chú bộ đội 31 rồi. Là trưởng thôn, những khi làm việc với anh em, tôi biết, bên đó các chú ấy giao cho trực ban vừa trực chiến, vừa trực quan sát cháy rừng. Lại có các tổ tuần tra hằng ngày, ngăn chặn lâm tặc chặt phá rừng, dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh.

Tìm hiểu từ cán bộ, người dân địa phương, chúng tôi được biết, nhiều khi rừng cháy mãi trên đỉnh núi cao. Núi càng cao thì nắng càng rát, gió Lào thổi càng mạnh, nhưng bộ đội 31 không quản hiểm nguy lao lên cứu rừng; nhiều khi quần áo, tóc tai, da dẻ bộ đội bị cháy xém, bỏng rộp, có chiến sĩ bị ngất, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nhiều lần, khi dân quân, người dân và công nhân lâm trường lên được đến nơi thì đám cháy rừng đã được bộ đội dập tắt. Chia tay tôi, anh Hoàng Văn Trọng, Trưởng thôn Truông bộc bạch: Quả thật, nếu không có các chú bộ đội 31, rừng núi quanh đây, phía Bắc Hồng Lĩnh này làm gì còn xanh tốt được như thế này. Thế mà khi cán bộ huyện, xã, cán bộ lâm trường đến cảm ơn, khen ngợi, các chú ấy chỉ cười hiền: “Chúng tôi làm theo lời Bác Hồ dạy: Phải suốt đời chiến đấu, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân phục vụ!”. “Các chú bộ đội 31 đúng là Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân”- Trưởng thôn Hoàng Văn Trọng nói với tôi bằng giọng cảm kích, đầy tự hào như vậy.                                                                              

NGUYỄN XUÂN DIỆU