QĐND - Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh thấy rằng, mối quan hệ liên minh công nông trong phát triển kinh tế nông thôn, trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn… chưa rõ nét, chưa được phát huy hiệu quả. Quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề trên đã có chuyển biến tích cực, đặc biệt là phát huy vai trò tham mưu của ban chỉ huy quân sự các cơ quan, doanh nghiệp, sự “vào cuộc” tích cực của lực lượng tự vệ trên địa bàn tỉnh trong xây dựng NTM.

Sát cánh cùng nông dân

Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở xã Lương Mông (huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh) đổi thay nhanh chóng. Những con đường lầy lội vào mùa mưa giờ chỉ còn trong ký ức của đồng bào dân tộc Dao, Tày nơi đây, thay vào đó là những con đường được đổ bê tông khang trang.

- Là xã nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương có “bí quyết” gì trong việc huy động sức dân tham gia xây dựng NTM? Tôi hỏi đồng chí Nguyễn Thái Phong, Bí thư Đảng ủy xã Lương Mông. Đồng chí Phong chia sẻ: “Người dân ở Lương Mông nghèo lắm, địa bàn lại rộng, dân cư thưa thớt. Ví như con đường bê tông ở thôn Khe Nàng, cả bản có 24 hộ, sống rải rác nên việc huy động sức dân để làm đường là vô cùng khó khăn. Nếu không có sự giúp sức của đơn vị tự vệ Công ty cổ phần than Hà Tu thì chưa biết đến bao giờ nhân dân địa phương mới được đi trên những con đường khang trang”.

Dân quân, tự vệ và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tiên Yên tham gia làm đường tại xã Đông Ngũ.

Trao đổi với đồng chí Ong Thế Minh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Than Hà Tu (Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam) về chuyện xây dựng NTM ở xã Lương Mông, chúng tôi được biết, đây là chương trình ký kết giữa Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh với Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam. Theo nội dung ký kết, các đơn vị tự vệ của tập đoàn nhận đỡ đầu các địa phương nghèo trong xây dựng NTM. Công ty Cổ phần Than Hà Tu quyết định đỡ đầu xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ.

Sau khi nhận đỡ đầu xã Lương Mông, Ban CHQS Công ty Cổ phần Than Hà Tu cùng cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát thực trạng những khó khăn; trên cơ sở yêu cầu của địa phương, công ty thống nhất các nội dung giúp đỡ. Ban CHQS công ty tham mưu cho Đảng ủy, Ban giám đốc và vận động công nhân, đặc biệt là lực lượng tự vệ ủng hộ chủ trương này. Anh Lê Văn Thế, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS Công ty cổ phần than Hà Tu, cho biết: “Công ty xác định tham gia xây dựng NTM bằng tình cảm và sự sẻ chia cao độ với địa phương nghèo, giúp nhân dân giải quyết khó khăn, cải thiện cuộc sống. Hai năm 2013-2014, công ty giúp đỡ xã Lương Mông hơn 3 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn”.

Cách tham gia xây dựng NTM của Công ty Cổ phần Than Hà Tu cũng rất cụ thể. Không chỉ hỗ trợ ngân sách, Ban CHQS công ty còn cử cán bộ cùng địa phương tham gia khảo sát, giám sát thi công; hỗ trợ máy đổ bê tông, bảo đảm chất lượng công trình.

Theo Trung tá Phạm Văn Hiệu, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh: Năm 2013, các đơn vị tự vệ trực thuộc Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp tặng giống, vốn, công cụ sản xuất, tặng vật liệu xây dựng làm nhà, làm đường giao thông nông thôn và ủng hộ các quỹ gần 7 tỷ đồng. 10 tháng năm 2014, ban CHQS các doanh nghiệp ngành than đã huy động các đơn vị tự vệ trong ngành hỗ trợ những địa phương nghèo trên địa bàn tỉnh hơn 2,1 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn, hỗ trợ kinh phí, vật liệu xây nhà, mua giống trâu, bò giúp hộ nghèo... Với cách làm như Công ty Cổ phần Than Hà Tu, nhiều đơn vị tự vệ trên địa bàn tỉnh tham gia xây dựng NTM hiệu quả, thiết thực, góp phần giúp các địa phương nghèo đẩy nhanh việc hoàn thành những tiêu chí xây dựng NTM.

Những mô hình gắn kết công - nông

Việc phát huy vai trò của lực lượng tự vệ các cơ quan, doanh nghiệp, củng cố liên minh công nông trong xây dựng NTM được Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh rất quan tâm. Ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: “Quảng Ninh là địa phương hội tụ đầy đủ các lĩnh vực, cơ cấu của nền kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ…, nhưng trước đây sự kết nối giữa các ngành kinh tế còn lỏng lẻo. Triển khai xây dựng NTM, tỉnh quyết tâm kết nối chặt chẽ hơn các ngành kinh tế, phát huy mọi lợi thế, tiềm năng, phấn đấu đến hết năm 2015 cơ bản Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, với tinh thần doanh nghiệp hướng về nông thôn, chia sẻ khó khăn với nông dân, nông thôn, một số doanh nghiệp ngành than trên địa bàn đã tổ chức ký hợp đồng mua nông sản giúp các địa phương, góp phần tiêu thụ nông sản, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo. Điển hình như Công ty Than Khe Chàm mua giúp huyện Đông Triều 150 tấn gạo, tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng; Công ty Than Hà Lầm mua giúp xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu 3 tấn miến dong, trị giá 60 triệu đồng...

Đồng chí Phí Minh Vượng, Chính trị viên Ban CHQS Công ty Cổ phần Than Hà Tu, cho biết: Ban CHQS cùng Ban chấp hành công đoàn công ty tham mưu đề xuất với lãnh đạo công ty phối hợp với Ban Xây dựng NTM huyện Ba Chẽ ký hợp đồng với nhân dân xã Đồng Đạc thu mua nông sản để phục vụ bữa cơm công nghiệp cho cán bộ, công nhân viên.

Được biết, công ty đang phối hợp với UBND huyện Ba Chẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, triển khai dự án xây dựng trung tâm chăn nuôi, trồng cây lâm sản, đặc sản ngoài gỗ tại thôn Nam Kim, xã Đồn Đạc với tổng trị giá dự án hơn 45 tỷ đồng, trên diện tích quy hoạch gần 100ha. Dự án này ngoài chức năng giúp nhân dân trên địa bàn tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, còn tổ chức thu mua, bao tiêu nông sản của bà con huyện Ba Chẽ phục vụ bữa cơm công nghiệp cho cán bộ, công nhân và cung cấp ra thị trường.

Đón nhận thông tin trên, đồng chí Vi Hoan, Chủ tịch UBND xã Lương Mông, cho biết: “Lâu nay bà con trong xã sản xuất khoai sọ, bí xanh, bí đỏ với lượng lớn, nhưng lượng tiêu thụ ra thị trường nhỏ lẻ nên không kích thích được bà con mở rộng quy mô, diện tích. Với cách làm này, bà con sẽ thoát khỏi tự cung, tự cấp bấy lâu nay”.

Có thể nói, việc tăng cường liên minh công nông trong xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, góp phần kích thích các ngành kinh tế của Quảng Ninh phát triển. Các vùng kinh tế nông nghiệp sẽ là “hậu phương” cung cấp nông sản, thực phẩm cho các khu công nghiệp và du lịch-dịch vụ; góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân nông thôn. Ban CHQS và lực lượng tự vệ các doanh nghiệp, đặc biệt là của ngành than ở Quảng Ninh vừa chủ động tham mưu, vừa trực tiếp tham gia hiệu quả vào chủ trương mang tính chiến lược này. 

Bài và ảnh: PHẠM QUÂN-ĐỨC DỤC

Bài 1: Xung kích giúp địa phương vượt khó