QĐND Online - Chúng tôi đã cùng Đoàn công tác của Cơ quan Tổng cục Chính trị (TCCT) thực hiện hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” tại 3 xã ATK: Tân Hương, Tân Lập và Vũ Lăng của huyện miền núi Bắc Sơn (Lạng Sơn) vào nửa cuối tháng Tám. Đến đây, chúng tôi hiểu sâu sắc thêm về đời sống, tình cảm của bà con các dân tộc và mảnh đất rực lửa anh hùng cách mạng một thời, tận thấy việc làm nghĩa tình của những người lính Cụ Hồ thời bình….
Áo trắng về bản
Đại úy QNCN Vũ Thị Hồng Mến, nhân viên quân y của Phòng Quân y (Cục Hậu cần, TCCT) chia sẻ, chồng chị ở Viện Y học phóng xạ và Ung bướu Quân đội cũng vừa tham dự chương trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” ở Hưng Yên về cách đây hai ngày. Trước khi đi, chị đã gửi 2 con nhỏ cho ông bà ngoại chăm sóc. Hôm chia tay, cậu con trai nhỏ bá vai và nũng nịu hứa với chị, con sẽ ngoan, không làm phiền ông bà để mẹ yên tâm khám bệnh cho đồng bào.
 |
Các y, bác sĩ của Cục Hậu cần (TCCT) vận chuyển thuốc tại sân Trường Tiểu học xã Vũ Lăng.
|
Trời mưa nặng hạt. Mưa như chiếc màn khổng lồ phủ trắng những ngọn núi cao vút nối tiếp nhau trên đường vào các xã ATK của huyện Bắc Sơn. Những mái nhà sàn rêu mốc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng… nằm xen kẽ với những vườn cây xanh mướt mát sát chân núi. Chiếc xe chở đoàn bác sĩ vượt qua những cung đường đèo dốc nhỏ, hẹp và ngoằn ngèo, hướng mắt ra ngoài cửa kính, Trung úy, Bác sĩ Phạm Thị Hòa tấm tắc khen cảnh núi non hùng vĩ, thanh bình. Hòa cũng vừa tham dự chương trình tương tự với Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ở xã vùng sâu huyện Hà Quảng (Cao Bằng) trở về được mấy hôm. Cô tỏ ra phấn khởi khi tiếp tục được khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các xã ATK nơi đây. Mặc cho hai má bị dị ứng mần đỏ vì không quen thời tiết, khí hậu vùng cao, Hòa tâm sự, đến khám bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa để thấm hơn những gì mà thế hệ trước đã trải qua, để hiểu hơn đời sống, tập tục sinh hoạt, tình nghĩa của đồng bào; để có cơ hội được nâng cao trình độ chẩn đoán, trị bệnh cho bộ đội và nhân dân sau này.
Xe đến sân của Trường Tiểu học Vũ Lăng thì trời mưa nặng hạt. Nước mưa tạo thành bọt nổi đầy sân bê tông. Các y bác sĩ nhanh nhẹn lấy y cụ, tư trang chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ. Nhiều người chung tay mở cửa sau thùng xe tải để vận chuyển thuốc đến nơi cấp phát. Hệ thống các phòng khám nội khoa, chuyên khoa, siêu âm, điện tim…. được các y, bác sĩ nhanh chóng bố trí. Đại tá, Bác sĩ Trần Văn Khái, Trưởng Phòng Quân y (Cục Hậu cần, TCCT) ra tận nơi kiểm tra tiến độ. Anh nhắc mọi người làm khẩn trương không để bà con chờ đợi khi đến khám bệnh. Trên đường vào xã Tân Hương, Bác sĩ Khái chia sẻ, để thực hiện hành trình, ban tổ chức và chính quyền địa phương đã huy động gần 40 y, bác sĩ; trong đó, Cơ quan Tổng cục Chính trị đã huy động 15 người, Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn cũng điều 8 người và các xã cũng cử 10 nhân viên y tế cùng phối hợp thực hiện.
Hơn 8 giờ sáng, nhân dân đã đến và ngồi kín dưới một chiếc dù lớn trong sân UBND xã Tân Hương dự khai mạc hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”. Sau lời giới thiệu của Ban tổ chức, phát biểu khai mạc, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó cục trưởng Cục Chính trị (TCCT), trưởng đoàn công tác đã nhấn mạnh: Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng” do Cơ quan TCCT chủ trì, phối hợp với Bộ CHQS Lạng Sơn; Chi nhánh Viettel tỉnh Lạng Sơn; sự có mặt của các y, bác sĩ của các đơn vị là dịp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với đồng bào vùng ATK; cổ vũ Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc Bắc Sơn tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng Bắc Sơn ngày càng giàu đẹp.
Vượt núi đến trị cái bệnh
Khi đi vào sân Trường Tiểu học Vũ Lăng, nơi bố trí điểm khám, cấp thuốc miễn phí của đoàn công tác, chúng tôi gặp một cậu bé chừng 4 đến 5 tuổi cầm tay mẹ và nhảy chân sáo rất vui vẻ. Hỏi ra mới hay Trương Công Điểm vừa cùng mẹ được các bác sĩ khám bệnh xong. Các thầy thuốc đã tặng Điểm lọ cốm vi sinh nhiều màu đỏ, xanh, trắng, vàng bắt mắt, khiến em rất thích. Chị Nguyễn Thị Đuyền, người dân tộc Tày nhà ở thôn Bản Đắc (Vũ Lăng) là mẹ của Điểm thổ lộ:
- Nhà mình ở cách đây hơn 30km, mình và con đi bộ vượt qua mấy ngọn núi cao từ hôm qua rồi nghỉ nhờ ở nhà bà con. Sáng ngày 17-8 mới đến nhờ bác sĩ khám, cho thuốc để bắt cái bệnh đau đầu gối đấy.
 |
Thượng tá, Bác sĩ Đinh Thị Minh Nguyệt tận tình hỏi thăm cụ Nậu khi đến khám tại nhà.
|
Bác Dương Thị Thùa cũng ở Bản Đắc cùng đi với chị Đuyền phấn chấn bộc bạch:
- Bác sĩ bộ đội cho tôi túi thuốc này bảo chịu khó uống sau bữa ăn kết hợp với nghỉ ngơi, không tham làm quá nặng thì cái lưng sẽ nhanh khỏi đau, cái đầu sẽ minh mẫn, có sức để làm nương được lâu dài. Tôi vui, mọi người vui và cảm ơn bộ đội bác sĩ lắm!
Đúng lúc này, Thượng tá, Bác sĩ Đinh Thị Minh Nguyệt tất tả mang theo túi dụng cụ y tế đi ra ngoài. Đến chỗ chúng tôi chị bảo:
- Có một cụ già ở thôn Tràng Sơn 1 bị sốt cao, lại có tiền sử tai biến mạch máu não, chị đến đó, các em có đi không?
Sau khi vượt qua gần 2km đường đèo dốc, chúng tôi vào ngôi nhà sàn khá khang trang của cụ Đồng Thị Nậu. Cụ Nậu đã 86 tuổi và là vợ của lão thành cách mạng Mai Minh Hồng. Cụ bị sốt cao và nằm tại sàn. Chị Nguyệt mau lẹ cặp nhiệt độ và đo huyết áp, bắt mạch cho cụ. Sau khi cho thuốc và căn dặn người con dâu chu đáo, chị Nguyệt sắp đồ ra về. Cụ Nậu cầm tay chị và lấy tiền ra trả. Chị khẽ khàng:
- Thưa cụ, chúng cháu khám và tặng thuốc miễn phí cho cụ. Cháu không lấy tiền của cụ đâu.
Nghe thế, cụ Nậu cảm động ứa nước mắt và nói lời cảm ơn. Cụ cầm tay chị Nguyệt mãi không rời, không muốn cho chị ra về.
Cần nhiều hơn nữa sự chung tay
Bắc Sơn là vùng đất giàu lịch sử truyền thống cách mạng. Tại xã Vũ Lăng, vào ngày 28-10-1940, đồng chí Trần Đăng Ninh, Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ đã thay mặt ban chỉ đạo căn cứ Du kích Bắc Sơn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, đội du kích đã phát triển thành Đội Cứu quốc quân 1– một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay. Suốt thời gian dài đến sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Bắc Sơn đã hết lòng đùm bọc, che chở, nuôi giấu cán bộ để gây dựng phong trào cách mạng, giành và bảo vệ chính quyền non trẻ, xây dựng quê hương. Với nhiều thành tích trong đấu tranh cách mạng, huyện Bắc Sơn và 6 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, 8 xã được công nhận là ATK. Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bắc Sơn, tính cả trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Bắc Sơn có hơn 4.000 người nhập ngũ và vào thanh niên xung phong. Hơn 500 người đã hy sinh, số bị thương trở về còn sống hiện nay cũng gần 200 người. Tuy nhiên, hiện nay, Bắc Sơn là huyện miền núi nghèo và khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Trịnh Minh Đức, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn bộc bạch:
- Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới, hạ tầng cơ sở ở Bắc Sơn được cải thiện, mức thu nhập của nhân dân tăng đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm xuống chỉ còn hơn 10%.
Hiện 19 xã và một thị trấn của Bắc Sơn đều có trạm y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Tuy nhiên, anh Đức cũng thẳng thắn nói rằng, do tập quán sinh hoạt, do việc đầu tư phương tiện, trang bị y tế còn hạn chế, trình độ của đội ngũ nhân viên y tế còn khiêm tốn nên việc chăm sóc sức khỏe người dân ở Bắc Sơn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Sau khi tư vấn, khám, cấp thuốc cho 1.022 trường hợp, vượt hơn 400 trường hợp so với kế hoạch ban đầu, Đại tá Phạm Ngọc Tình, Phó trưởng phòng Quân y (TCCT) bộc bạch:
- Tỷ lệ người dân bị các bệnh về hô hấp, xương khớp và tiêu hóa ở đây cao hơn tỷ lệ chung. Trong khi đó, cơ sở vật chất của các trạm y tế địa phương còn rất nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Anh Nguyễn Văn Lữ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vũ Lăng phấn khởi cho hay, những trang bị, dụng cụ y tế gồm: Giường bệnh I-nốc, dụng cụ mổ, tủ sấy… mà các đơn vị tặng trong đợt này có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với công tác chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương. Tiếp đó, anh phân tích, người dân địa phương vốn thật cái bụng, nếu thầy thuốc không trị được cái bệnh thì người dân sẽ không tin. Họ sẽ lại mời thầy mo cúng ma, đuổi bệnh. Cuối câu chuyện, anh khẳng định:
- Chúng tôi rất cần các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay góp sức giúp chính quyền, nhân dân xây dựng Bắc Sơn giàu đẹp. Nếu nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung sức giúp chúng tôi nâng cấp chất lượng trang bị, phương tiện khám, điều trị thì chắc chắn, sức khỏe của người dân sẽ được cải thiện nhiều hơn.
Đầu giờ chiều, nắng chói chang, oi nồng. Trước cửa Trạm y tế xã Vũ Lăng, công trình được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước đã xuống cấp phần nào; cán bộ, đồng bào các dân tộc nơi đây nắm chặt tay đoàn công tác trong sự xúc động. Nhiều người hy vọng, sau hành trình này, chắc chắn trạm y tế nơi đây sẽ được các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để nâng cấp khang trang, tiện lợi hơn trong phục vụ bà con trong vùng.
Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG