QĐND Online - Những vạt rừng thông xanh vi vu trong gió ngàn, những bể nước sạch tự chảy ắp đầy, những con đường lượn quanh các bản làng tái định cư và những người lính Nông - Lâm trường 196 (Đoàn kinh tế- quốc phòng 338 Quân khu 1) đang sát cánh cùng đồng bào các dân tộc vùng biên phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh... là những hình ảnh đẹp về Bộ đội Cụ Hồ mà chúng tôi có dịp được chứng kiến khi về thăm đơn vị.
Chính trị viên Nông - Lâm trường 196, Thượng tá Đặng Văn Sơn mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những dẫn chứng đầy thuyết phục: Từ năm 2010 đến nay, thực hiện dự án phát triển kinh tế, xã hội tại 6 xã thuộc khu vực Mẫu Sơn (Cao Lộc-Lạng Sơn), đơn vị đã phủ xanh được gần 1.400 ha đất trống, đồi núi trọc; xây dựng được 5 km đường nước sạch tự chảy đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của 171 hộ dân và các tổ chức đứng chân trên địa bàn; làm mới 13 km đường nhựa cấp 6 miền núi; xây dựng được 4 bản tái định cư ở địa bàn biên giới gồm bản Co Sâu, Nà Phát, Pò Nhùng và Bắc Lệ. Nông lâm trường 196 đã làm tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương về công tác quân sự, quốc phòng, an ninh; xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh. Đặc biệt là đã xây dựng có hiệu quả 3 điểm sáng cho đồng bào nơi đầu nguồn biên giới đó là: Điểm sáng về mô hình văn hoá; điểm sáng về tình đoàn kết quân dân và điểm sáng về tăng gia sản xuất tại các xã trong vùng dự án.
 |
Cán bộ Nông- Lâm Trường 196 chăm sóc cây giống cấp cho nhân dân trồng rừng.
|
Thượng tá Vũ Hồng Hưng, Giám đốc Nông- Lâm trường 196 chia sẻ với chúng tôi: Đơn vị thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn 3 huyện là Cao Lộc, Lộc Bình và Tràng Định thuộc tỉnh Lạng Sơn. Những năm qua, đơn vị thường xuyên cử 6 tổ đội công tác tăng cường bám dân, bám bản giúp bà con phát triển kinh tế xã hội. Bằng những việc làm thiết thực như giúp dân tham gia các dự án trồng rừng; xây dựng bản biên giới; làm kênh mương thủy lợi, làm đường và tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh… Năm năm qua, đơn vị đã cử 482 lượt cán bộ, chiến sĩ và đội viên trí thức trẻ tình nguyện xuống các thôn bản khảo sát nắm tình hình, giúp nhân dân xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững chắc. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã cử 9 đội tuyên truyền tổng hợp với gần 250 lượt cán bộ, chiến sĩ và các tổ chiếu phim đến 18 thôn bản để tuyên truyền, vận động cho gần 11 nghìn lượt người dân.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của hoạt động tăng cường bám cơ sở, Thiếu tá Tạ Văn Tính, Đội trưởng đội 1 tăng cường cho xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) cho biết: Xã Xuất Lễ có diện tích 75,46 km², dân số trên 6 nghìn người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Dao, Tày và Nùng… thực hiện dự án trồng rừng và chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng năm qua, Đội đã bám cơ sở hướng dẫn bà con khoanh nuôi, bảo vệ được 750 ha rừng đầu nguồn; trồng mới được 160 ha rừng thông; hỗ trợ 10 hộ nghèo định cư giáp biên giới với số tiền 5 triệu đồng/ hộ quy ra vật liệu xây dựng để bà con củng cố nhà cửa.
Trung tá Phạm Ngọc Sỹ, Đội trưởng Đội 6 là đội xa nhất phụ trách hai xã gồm Tú Mịch, Yên Khoái thuộc huyện Tràng Định tâm sự với chúng tôi mà cứ như trăn trở với chính mình: Đội chỉ có 2 người, phụ trách địa bàn rộng, chủ yếu bà con đồng bào dân tộc còn rất nhiều khó khăn trong cuộc sống; hơn nữa, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của đồng bào, kẻ xấu tuyên truyền kích động chia rẽ gây mất đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc với nhau, không nghe theo Đảng và thường xuyên di cư tự do… Vượt qua mọi khó khăn ban đầu, Đội đã sâu sát tăng cường bám dân, bám bản tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước cho đồng bào hiểu và tin theo. Nhiều hôm không quản ngại đường xa, cách trở các anh vượt rừng đến với bà con trong vùng dự án tuyên truyền ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng rừng; hướng dẫn cho bà con khai hoang trồng lúa nước, đến nay đồng bào đều nghe và làm theo hướng dẫn của bộ đội.
Tìm hiểu về các dự án xây dựng bản biên giới chúng tôi được biết, việc khó khăn nhất mà các anh đã và đang làm đó là hoàn thành dự án xây dựng bản tái định cư Pắc Lệ gồm 20 hộ nhà mới. Để di dân ra sát biên giới, anh em trong Đội không quản khó khăn đi bộ hàng ngày đường, kiên trì bám dân tuyên truyền vận động để nhân dân hiểu và tin theo… Nhờ có sự phối hợp giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Nông lâm trường, đến nay, các thôn bản trong vùng dự án đều hình thành các tổ chức quần chúng như: Chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các xã và các bản đều thành lập được các đội văn nghệ tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đơn vị đã phối hợp với địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ quần chúng và kết hợp thi đấu thể thao được 7 đợt tại các xã Công Sơn, Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn và 7 trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành phong trào văn hoá sâu rộng trên địa bàn. Nhất là các bản nơi đơn vị đứng chân như: Bản Ngoã, bản Co Chí, Nông lâm trường đã giúp dân mắc dây điện hạ thế đến 102 hộ dân. Riêng bản Ngoã, xã Xuất Lễ, đơn vị đã giúp trang bị hệ thống loa truyền thanh, bàn ghế nhà văn hoá và 100 tờ tiêu chuẩn gia đình văn hoá.
Để công tác tuyên truyền, vận động quần chúng đi vào chiều sâu và cho hiệu quả thiết thực, những năm qua, cùng với việc thực hiện cùng ăn, cùng ở và cùng làm với dân, đơn vị còn mở 2 lớp học tiếng dân tộc cho 121 lượt cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám nắm cơ sở. Với chủ trương xây dựng điểm sáng về tình đoàn kết quân dân, được sự hỗ trợ của trên, đơn vị đã tổ chức tặng các trường học của 6 xã trong vùng dự án 222 bộ bàn ghế học sinh, 44 bộ bàn ghế giáo viên, 34 bảng đen trị giá hàng trăm triệu đồng. Tuổi trẻ đơn vị đã phối hợp với đơn vị kết nghĩa địa phương xã Xuất Lễ tham gia hàng trăm ngày công củng cố đường liên thôn, liên bản; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ và tham mưu cho địa phương khôi phục lại 8 chi đoàn thanh niên sau nhiều năm không hoạt động và thành lập mới 7 chi đoàn, 2 ban chấp hành đoàn xã; bồi dưỡng nguồn phát triển đảng cho 25 đoàn viên ưu tú của xã Xuất Lễ. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tốt trong công tác huấn luyện quân sự giúp các xã vùng biên giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội và quản lý tốt chủ quyền an ninh biên giới…
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) Lương Văn Cun cho biết: "Từ ngày bộ đội Nông- Lâm trường 196 về, bộ mặt đời sống kinh tế, văn hoá- xã hội của bà con nhân dân trong xã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt.". Còn Bí thư chi bộ bản Ngoã Lương Văn Lợi thì không giấu nổi xúc động: "Nhờ có bộ đội Nông- lâm trường mà bản Ngoã đã có nước sạch dùng; ruộng nương có nước trồng được 2 vụ ăn chắc; cả bản hiện không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm còn 5 hộ; người ốm được chữa bệnh, trẻ nhỏ được đến trường… bà con bản Ngoã biết ơn bộ đội Nông - lâm trường nhiều lắm".
Chiều, khi mặt trời vừa khuất dần trên đỉnh núi mờ xa, cũng là lúc chúng tôi rời bản Ngoã, chia tay những người lính Nông lâm trường, mang theo hình ảnh những bản làng bình yên nơi đầu nguồn biên giới và hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ Nông- Lâm trường 196 đang ngày đêm sát cánh cùng đồng bào trên con đường phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội mà lòng cảm động; tình quân dân nơi đầu nguồn biên giới đang đơm hoa, kết trái, gắn kết như mạch nguồn chảy mãi cùng thời gian.
Bài và ảnh: KHƯƠNG DOÃN