QĐND - Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 (Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Gia Lai) ngày đêm gắn bó với bản làng, giúp dân phát triển sản xuất, nâng bước các học sinh nghèo đến trường; đồng thời trong bão, lũ hiểm nguy, các anh đã dũng cảm cứu hàng trăm người dân… Giữa đại ngàn biên cương có biết bao câu chuyện cảm động về cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 721 nặng tình đồng chí, trọn tình quân dân.
“Bốn cùng” và nghĩa cử cao đẹp
Thượng tá Phan Đình Thành, Đồn trưởng cho biết: “Đức Cơ là địa bàn biên giới phức tạp. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, ban chỉ huy đồn đề ra nhiều chủ trương, biện pháp công tác biên phòng, trong đó, công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò sức mạnh to lớn của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới được đơn vị đặc biệt chú trọng, với phương châm “biên giới vững từ lòng dân”.
Để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Đồn 721 cử nhiều tổ, đội công tác về các thôn làng vùng biên nắm tình hình, thực hiện “bốn cùng” với dân. Bộ đội tích cực vận động, tuyên truyền để đồng bào hiểu về tác hại của việc phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, dần chuyển sang khai hoang trồng lúa nước, thực hiện nếp sống mới, không nghe, không tin theo kẻ xấu. Các cán bộ quân hàm xanh trực tiếp hướng dẫn, giúp bà con trồng cây tiêu, sao su, cà phê và hơn 3,4ha lúa nước, hơn 2000 cây tre Điền Trúc lấy măng… bước đầu mang lại hiệu quả đáng mừng.
 |
Niềm vui ngày gặp lại của những người dân được bộ đội Đồn Biên phòng 721 cứu sống trong lũ dữ.
|
Nhờ sự tiếp sức của bộ đội Đồn Biên phòng 721, nhiều gia đình ở vùng biên giới này có ít nhất 3 sào đất trồng lúa, gần 1ha cà phê, 2ha trồng mì, cao su, hơn 1000 trụ tiêu, có gia đình thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm, như gia đình các ông: Siu Tim, Siu Đơm, Siu Loan, Siu Liu và Rơ Châm Phô, ở thôn Mok Den; gia đình bà Rơma BLem, ở thôn Mok Trel… Đồn còn tổ chức khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho gần 1.500 lượt người; xây dựng và bàn giao 17 ngôi nhà đại đoàn kết cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Nhờ tích cực vận động nhân dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, xây dựng và nhân rộng các mô hình về phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thôn, xóm, trường học không có tội phạm, không có ma túy, không có tệ nạn xã hội… đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Địa bàn đồn phụ trách không còn hiện tượng truyền đạo trái pháp luật, vượt biên trái phép; bộ mặt thôn làng nơi biên giới khởi sắc, bình yên; đã không còn hộ đói; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 19%; thế trận lòng dân, thế trận biên phòng ngày càng vững chắc.
Trong 5 năm qua, những người lính biên phòng Đồn 721 đã tổ chức và duy trì thành công “Bếp ăn tình thương” cho 15 học sinh nghèo. Từ việc ủng hộ tiền lương, phụ cấp và vận động các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ, những năm qua, ngoài việc lo cho các em mỗi ngày 3 bữa cơm, có nơi ngủ nghỉ, đọc sách báo, vui chơi… các anh còn tận tình giúp các em học thêm từng nét chữ, con số. Gặp các em được bộ đội nuôi ăn học, càng thương cảm những học trò nghèo nơi vùng biên giới bao nhiêu, chúng tôi càng quý trọng nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Đồn 721 bấy nhiêu. Không chỉ như người cha tận tụy, người mẹ tảo tần, các anh còn là thầy giáo, là thầy thuốc quân hàm xanh, luôn hết lòng vì sự no ấm, tiến bộ của những học trò nghèo người dân tộc thiểu số.
“Xin được kết nghĩa anh em…”
Trong ký ức của nhiều người dân vùng biên giới Đức Cơ, khó có thể quên cảnh tượng hãi hùng trong cơn lũ quét lịch sử cuối năm 2013, do Thủy điện Ia Krêl bị vỡ đập. Gần 30km vùng hạ lưu suối Đôi bỗng chốc bị ngập chìm trong biển nước. Hàng nghìn người dân bị cô lập, gần 300 người bị mắc kẹt trên ngọn cây, đỉnh núi…đã được cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng 721, vượt qua dòng nước lũ hung hãn, cuộn đổ đến ứng cứu.
Đại úy Nguyễn Văn Thành, Đội phó Đội công trình của Công ty 711 (Binh đoàn 15) bồi hồi nhớ lại: “Hôm đó, đội đang thi công cầu treo qua suối Đôi. Sáng ngủ dậy, rừng núi rất thanh bình, sương nhẹ giăng đưa làm cho con suối vốn đã đẹp lại càng đẹp và thơ mộng hơn. Bỗng nhiên sóng nước đổ ầm ầm, cây cối chao đảo, nghiêng ngả trôi theo dòng nước lao nhanh. 14 anh em nhanh chân chạy kịp lên một đỉnh núi cao gần đó, còn hai công nhân chỉ kịp leo lên mái nhà rồi trèo lên một ngọn cây sung để trốn lũ. Chỉ 15 phút sau, ngôi nhà cùng toàn bộ các phương tiện, đồ dùng sinh hoạt của anh em bị nước lũ cuốn trôi”. Anh Trịnh Đình Đoàn, một trong hai công nhân bị nước lũ "bao vây" cho chúng tôi biết thêm: “Hôm đó nước lũ dâng lên nhanh quá lại cuộn chảy rất hung hãn. Trên đường đi nó không tha một thứ gì; từ những tảng đá to, đến cây cối, cầu cống, nhà cửa…đều bị cuốn phăng. Em và Phạm Quang Vinh vừa chạy ra đến cửa nhà thì nước đã tràn vào. Hai anh em vội trèo lên mái nhà, rồi trèo tiếp lên ngọn cây sung gần suối Đôi; vừa bám vào thân cây, leo được mấy bậc cũng là lúc ngôi nhà đổ sập xuống và bị nước lũ cuốn trôi. Khi cây sung sắp bị ngập, khi cuộc sống của chúng em chỉ còn tính từng phút, lắc lư trên ngọn cây, cũng là lúc em và anh Vinh được các anh bộ đội biên phòng Đồn 721 đến cứu giúp. Đưa hai đứa em lên bờ an toàn, các anh lại lao đi trong lũ dữ để giúp dân và cứu người khác; chúng em thậm chí không kịp nói lời cảm ơn, chưa kịp biết tên các anh”.
Gặp lại các nạn nhân sau trận lũ lịch sử, không giấu được những giọt nước mắt xúc động của những người từ “cõi chết trở về”, các chị: Huỳnh Thị Lan, Đào Thị Thủy, quê ở Bình Định, đi làm cỏ thuê ở làng Bi, bị dòng nước cuốn trôi, chúng tôi biết thêm: Sáng sớm hôm đó, ở vùng biên giới Đức Cơ yên bình, bỗng nước lũ từ đầu nguồn suối Đôi ầm ầm đổ về như thác. Vừa chạy được vài chục mét, dòng lũ dữ đã cuốn phăng hai chị em; cây cối, đất đá tới tấp đập vào người. Hai chị em đuối sức vì đói, lạnh và đau, sự sống chỉ tính được bằng phút, thì được bộ đội biên phòng Đồn 721 phát hiện và cứu sống. “Được sống đến bây giờ, được trở với gia đình từ cõi chết, chúng tôi mãi biết ơn Bộ đội Cụ Hồ. Chỉ có các anh mới xông pha, bất chấp hiểm nguy, không quản sống chết vì cuộc sống, hạnh phúc của người dân…”- Chị Lan bộc bạch trong xúc động bày tỏ.
Chị Rơ Man Brel cõng trên lưng cháu nhỏ Rơ Man Trí, cùng chồng là anh Pui Ơnh (ở làng Ó, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ), đến Đồn Biên phòng 721 để xin được “kết nghĩa anh em”. Chị tâm sự: “Người Gia-rai mình ở đây từ xưa đến nay chưa bao giờ có chuyện nước lũ dâng cao và tàn phá như thế. Bị nước cuốn trôi, chồng mình phải trèo lên ngọn cây, lấy quần áo buộc thân mình vào thân cây, bởi nó nghĩ: “Nước lũ làm cho cây đổ, có chết thì vợ con và dân làng còn tìm được xác”. Khi cuộc sống dường như sắp bị trao hết cho Yang (thần), thì rất may anh được bộ đội biên phòng bơi ra cứu sống. Bộ đội còn cứu được chị Brel và 3 con nhỏ đang nguy hiểm đến tính mạng trong một cái chòi giữa dòng lũ siết.
- Gia đình mình còn sống được là nhờ bộ đội cứu giúp. Ơn này to hơn đỉnh núi Ia Krêl. Hôm nay vợ chồng mình đến để tạ ơn bộ đội và cũng xin mấy chú cho phép gia đình mình kết nghĩa anh em. Ai lớn làm anh, ai nhỏ làm em, như trong một gia đình….”- chị Brel xúc động bày tỏ.
Kể lại với chúng tôi về chuyện cứu người mắc kẹt trên các ngọn cây, đỉnh núi trong cơn lũ dữ, Trung tá Hoàng Xuân Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng 721 cho biết: “Điều chúng tôi có được và rất đỗi tự hào đó tình quân dân nơi biên giới. Lúc vui bà con nhớ đến bộ đội; khi khó khăn, nguy hiểm, người dân địa phương cũng luôn coi bộ đội là chỗ dựa vững chắc. Sáng hôm đó, nếu không có cuộc gọi: “Bộ đội ơi! Quang ơi! Tuyên ơi…cứu bà con với…”, của anh Pui Ơnh khi thoát khỏi lũ cuốn và trèo được lên ngọn cây, thì chúng tôi sẽ biết thông tin muộn hơn và hậu quả sẽ thật khó lường. Việc giúp dân, cứu dân với chúng tôi không chỉ là mệnh lệnh!"
Trong lũ dữ, gian khó hiểm nguy, thậm chí phải hy sinh tính mạng, trong những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, màu áo xanh bình dị của các anh Bộ đội Cụ Hồ ở Đồn Biên phòng 721 càng trở thành hình ảnh thân thuộc, là chỗ dựa, niềm tin và hy vọng của bà con đồng bào các dân tộc trên vùng biên giới Đức Cơ.
Bài và ảnh: LÊ QUANG HỒI