Được cử tri cả nước bầu ra trong bối cảnh Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội vừa được bổ sung, phát triển tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI (1-2011), Quốc hội Khóa XIII được giao nhiệm vụ to lớn trong việc tạo ra những nền tảng để tiếp tục thúc đẩy công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước đi đến thành công. Những nỗ lực trong việc thực hiện trọng trách đó trong thời gian vừa qua đã tạo những dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII để kỷ niệm 70 năm hình thành và phát triển của Quốc hội.

Trước hết, thành tựu lớn nhất trong nhiệm kỳ này là việc Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là bản Hiến pháp thể hiện tinh thần đổi mới sâu sắc, tạo ra khuôn khổ pháp lý vững chắc cho sự vận hành toàn bộ đời sống xã hội trên nền tảng dân chủ, pháp quyền và tạo ra động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện rõ tinh thần đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; xác định các nguyên tắc cơ bản để hoàn thiện, đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước; bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XIII khai mạc tại Hội trường Bộ Quốc phòng (ngày 22-7-2011). Ảnh tư liệu.
Về hoạt động lập pháp, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã tích cực thực hiện hoạt động lập pháp, thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, từng bước xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, tạo ra khung pháp lý cho việc hình thành và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cho đến Kỳ họp thứ 9 (5-2015), Quốc hội Khóa XIII đã thông qua được 85 văn bản luật, bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 10 văn bản pháp lệnh. Đặc biệt, nhiệm kỳ này cũng đã đánh dấu kỷ lục số lượng văn bản luật, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại một kỳ họp. Đó là vào Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, Quốc hội đã thông qua 16 luật, cho ý kiến 10 dự án luật và 15 nghị quyết. Quốc hội đã bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia để tổ chức thực hiện bầu cử Quốc hội Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp 2016-2021. Quốc hội đã bầu Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ này cũng không ngừng được tăng cường và đổi mới. Các nội dung giám sát được tập trung vào những vấn đề cấp thiết và nổi cộm của cuộc sống. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội tiếp tục được cải tiến, đổi mới theo hướng đảm bảo dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tính tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh lãnh đạo Nhà nước được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Hoạt động này rất được dư luận nhân dân quan tâm, chú ý và đã góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm; khắc phục những thiếu sót, hạn chế để nâng cao chất lượng, hiểu quả hoạt động.

Trong nhiệm kỳ này, viêc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích quốc gia và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trong đó có thể kể đến các quyết định về những giải pháp giải quyết các khó khăn trong phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước; quyết định liên quan đến chủ trương đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành; đánh giá việc thực hiện các chủ trương đầu tư do Quốc hội quyết định từ các nhiệm kỳ trước như chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, chủ trương đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu...

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII cũng đánh dấu sự thành công vượt bậc trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội. Việc đăng cai tổ chức kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 132 của Liên minh Nghị viện Thế giới tại Hà Nội tháng 3-2015 là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử ngoại giao hết sức to lớn. IPU 132 thu hút sự tham dự của các nghị sĩ đến từ 133 nước và 23 tổ chức  nghị viện quốc tế và khu vực, là diễn đàn ngoại giao đa phương lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam đăng cai tổ chức. Sau 5 ngày làm việc (từ 28-3 đến 1-4-2015), IPU 132 và các hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp, thể hiện tinh thần chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng của Quốc hội Việt Nam, thể hiện vai trò ngày càng lớn của Việt Nam trong IPU. Cũng trong cùng thời điểm, Văn phòng Quốc hội đã đăng cai tổ chức Hội nghị của Hiệp hội các Tổng thư ký của Nghị viện Thế giới với 142 Tổng thư ký và Phó Tổng thư ký tham dự, đã thành công tốt đẹp. Sự thành công của IPU 132 góp phần khẳng định đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa với phương châm Việt Nam sẵn sàng là ban, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cũng đã có nhiều đổi mới để tăng cường mối quan hệ với cử tri, gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri. Điều này được thể hiện qua việc Quốc hội đã có nhiều cơ chế để cử tri có thể đóng góp ý kiến vào các quyết định của Quốc hội như đổi mới cách thức tiếp xúc cử tri, đăng tải dự thảo để cử tri đóng góp ý kiến qua trang thông tin trực tuyến; có cơ chế đối thoại giữa cử tri và đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tường thuật trực tiếp nhiều hơn. Đặc biệt, các ý kiến, phản ánh của cử tri đã được Quốc hội quan tâm và phản hồi nhanh chóng.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Khóa XIII và năm 2015 (ngày 27-5-2015). Ảnh tư liệu.
Quốc hội cũng đã nỗ lực tìm tòi, nỗ lực để tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội đã có một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 27 năm 2013) về tổ chức đổi mới và hoạt động của Quốc hội trong đó các giải pháp được tập trung vào việc đề cao vai trò trung tâm của các đại biểu Quốc hội; nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; tăng cường năng lực của bộ máy giúp việc, tham khảo kinh nghiệm của nghị viện các nước trên thế giới và yêu cầu hội nhập quốc tế, trong quá trình xây dựng Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Quốc hội đã quyết định thành lập chức danh Tổng thư ký Quốc hội để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác.

Cuối cùng, nhiệm kỳ này cũng đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội. Đó là việc hoàn thành và đưa vào vận hành kịp thời Tòa nhà Quốc hội – Hội trường Ba Đình mới. Đây là công trình hiện đại, tạo điều kiện phục vụ tối đa cho các hoạt động của Quốc hội và góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với bề dày 70 năm xây dựng và phát triển (1946-2016), trải qua 13 khóa hoạt động, Quốc hội Việt Nam luôn nắm vững và giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Với ý thức trách nhiệm cao trước vận mệnh của đất nước, của dân tộc, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tạo lập nên nền tảng chính trị, pháp lý cho sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Chặng đường 70 năm đã qua của Quốc hội Việt Nam cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội những năm tiếp theo, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi  mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

* Ngày 22-5-2011, cử tri cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, một trong những sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2011. Đây là lần đầu tiên, người dân đi bầu đồng thời các cơ quan dân cử ở 4 cấp, gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và cấp xã, phường, thị trấn trong cùng một ngày.

- Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu: 99,51%.

- Tổng số đại biểu Quốc hội: 500.

* Cơ cấu thành phần của Quốc hội như sau:

- Phụ nữ: 122 (24,4%)

- Đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 61 (12,2%) (đại biểu trẻ nhất: 25 tuổi)

- Đại biểu có trình độ Đại học: 263 (52,6%)

- Đại biểu có trình độ trên Đại học: 228 (45,6%)

- Đại biểu tự ứng cử: 04 (0,8%)

- Đại biểu chuyên trách Trung ương: 91 (18,2%)

- Đại biểu chuyên trách địa phương: 63 (12,6%)

- Đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu: 333 (66,6%)

- Đại biểu ngoài Đảng: 42 (8,4%)

- Đại biểu Dân tộc thiểu số: 78 (15,6%)

- Tôn giáo: 06 (1,2%)

Cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra thành công tốt đẹp. Thắng lợi toàn diện và to lớn của cuộc bầu cử thể hiện tinh thần yêu nước, sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, khẳng định quyền làm chủ của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc. Đây là tiền đề quan trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.