Yêu cầu sau thống nhất non sông
Chiến thắng vang dội ngày 30-4-1975 đã hiện thực hóa giấc mơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hàng chục triệu đồng bào Việt Nam-miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, về mặt tổ chức Nhà nước, ở Việt Nam khi ấy vẫn tồn tại hai Chính phủ, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở miền Bắc và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Để thực hiện trọn vẹn giấc mơ chung của cả dân tộc, từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975, đoàn đại biểu hai miền Nam-Bắc nhóm họp Hội nghị Hiệp thương chính trị tại thành phố Sài Gòn. Hội nghị đi đến nhất trí, sự thống nhất trọn vẹn nhất là hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đó, hội nghị đi đến kết luận: “Cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”.
Đồng chí Lê Duẩn bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa VI. Ảnh tư liệu.
Sau khi đạt được sự thống nhất cao về ý chí và nguyện vọng của đoàn đại biểu hai miền đất nước, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 3-1-1976. Chỉ thị nêu rõ, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất sẽ được tiến hành trên cả nước trong cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Theo Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất thành lập Hội đồng Bầu cử toàn quốc với 22 thành viên, mỗi miền có 11 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Trường Chinh, Phó chủ tịch là đồng chí Phạm Hùng. Hội đồng có nhiệm vụ hướng dẫn việc tổ chức bầu cử, giám sát cuộc bỏ phiếu trên phạm vi cả nước; tổng kết công tác bầu cử; tuyên bố kết quả bầu cử; cấp giấy chứng nhận cho đại biểu trúng cử và báo cáo kết quả bầu cử trước Quốc hội.
Cả nước tích cực chuẩn bị cho bầu cử
Ngay sau khi Hội đồng Bầu cử toàn quốc được thành lập, các hoạt động chuẩn bị cho ngày bầu cử-ngày hội thống nhất của đất nước-đã được khắp nơi trên cả nước rộn ràng triển khai.
Đồng loạt các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đều dành thời lượng đáng kể tuyên truyền về bầu cử. Đặc biệt, ở miền Nam, lực lượng công nhân đã đi đầu trong việc tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về bầu cử, từ đó vận động đồng bào tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia bầu cử, lập nên Quốc hội chung của cả nước Việt Nam thống nhất.
Cổ động bầu cử tháng 4-1976 tại tỉnh Hoàng Liên Sơn. Ảnh tư liệu.
Các hoạt động chuẩn bị cho bầu cử ở miền Bắc về cơ bản cũng giống như ngày nay. Đó là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Còn ở miền Nam, những người ứng cử được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận, giới thiệu lên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương, sau đó lập danh sách chính thức những người ứng cử.
Kết quả hiệp thương của cả hai miền đã đưa ra được danh sách chính thức 605 người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cho tất cả các thành phần, tầng lớp trong xã hội. Sau khi có danh sách chính thức những người ứng cử, công tác vận động bầu cử được triển khai đồng bộ, từ nông thôn đến thành thị, khắp nơi đều rộn ràng cờ hoa, biểu ngữ cùng các cuộc mít tinh, tuần hành được tổ chức rầm rộ, thổi bùng tinh thần nhiệt huyết cách mạng và ý thức trách nhiệm trong quần chúng nhân dân, khiến cho không khí chuẩn bị ngày bầu cử lúc nào cũng nhộn nhịp, tươi vui. Đồng bào khắp cả nước vì thế rất háo hức chờ đón ngày được cầm lá phiếu trên tay, thực hiện quyền công dân của một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình, kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Ngày hội non sông
Đúng ngày 25-4-1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức trên cả nước theo quyết định của Hội đồng Bầu cử toàn quốc với không khí của một ngày hội lớn. Báo chí Việt Nam khi ấy, trong đó có Báo Quân đội nhân dân, liên tục cập nhật tình hình bầu cử, không khí náo nức, vui tươi ở khắp nơi trên cả nước. Các ấn phẩm báo chí lúc đó đã khắc họa rất sinh động thực tiễn ngày hội lớn ấy của dân tộc, làm nổi rõ ước vọng tột cùng của mỗi người dân Việt Nam: Được sống ở một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Các tài liệu lịch sử và báo chí ghi nhận lại kết quả cho thấy, cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 đã thành công rực rỡ với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên cả nước là 98,77%. 492 đại biểu Quốc hội khóa VI đã được cử tri cả nước chọn lựa ra ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Trong số 492 đại biểu Quốc hội khóa VI có 16,26% là công nhân, 20,33% là nông dân, 1,22% là thợ thủ công, 28,66% là cán bộ chính trị, 10,97% là quân nhân cách mạng, 18,5% là trí thức, 4,06% là nhân sĩ dân chủ và tôn giáo. Tỷ lệ đại biểu nữ trong Quốc hội khóa VI là 26,21%; tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số là 14,28%.
Ngày 24-6-1976, Quốc hội khóa VI-Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất-đã khai mạc Kỳ họp thứ nhất với sự có mặt của 482 đại biểu Quốc hội. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh: “Kỳ họp Quốc hội lần này là một cái mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”.
Tại kỳ họp đầu tiên này, Quốc hội khóa VI đã quyết định nhiều vấn đề trọng đại, mang tính lịch sử. Đó là thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất; đổi tên thành phố Sài Gòn-Gia Định thành Thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội cũng thực hiện thành công công tác kiện toàn nhân sự lãnh đạo cấp cao của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước. Các quyết định của Quốc hội khóa VI đều hướng tới mục tiêu bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Sau khi được cử tri cả nước tín nhiệm bầu ra, Quốc hội khóa VI đã thực sự trở thành cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước. Từ nơi này, nhiều quyết sách quan trọng đã được đưa ra, trở thành những dấu mốc lịch sử trường tồn, để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng cử tri và nhân dân cả nước…
CHIẾN THẮNG