Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhằm phát huy quyền làm chủ của cử tri khi được tham gia trực tiếp vào quá trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, tạo điều kiện để cử tri đóng góp ý kiến và bày tỏ tín nhiệm đối với những người ứng cử. Đây cũng là nhiệm vụ giúp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các cấp và các cơ quan tham gia bầu cử làm tốt việc hiệp thương, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đạt kết quả cao. Với vai trò quan trọng như vậy, việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri phải bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và đúng quy định pháp luật. Cử tri phải xác định đây vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ chính trị cơ bản của công dân. Cử tri phải nhận xét, đánh giá thật sự công tâm để không bỏ sót những người có đức, có tài, không giới thiệu nhầm người không đủ tiêu chuẩn tham gia danh sách đại biểu ứng cử vào cơ quan dân cử.

Thực tế đã khẳng định, việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND như một cuộc “sát hạch” sự tín nhiệm của người dân đối với người ứng cử. Đã từng có những người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” này chỉ vì ít được biết đến và ít tham gia các hoạt động tại khu dân cư nơi mình sinh sống. Và đây là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần ba loại người tự ứng cử ấy ra khỏi danh sách ứng cử. Bởi nghĩ đơn giản, khi một người không được tín nhiệm tại nơi cư trú thì không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước hay của một địa phương, do đó không đưa vào danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Theo hướng dẫn của Ủy ban Bầu cử Quốc gia, việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (gồm người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử) được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố), không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị. Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố để mời cử tri đến dự. Số lượng cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nơi có dưới 100 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự. Nơi có từ 100 cử tri trở lên thì phải bảo đảm ít nhất là 55 cử tri tham dự. Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cùng cấp, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố đã giới thiệu người ứng cử được mời tham dự hội nghị. Tại hội nghị cử tri nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử.

Biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến nhận xét về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị; trong đó, phải ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử. Sau khi hội nghị kết thúc, biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh.

Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu Quốc hội phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị cử tri. Biên bản hội nghị cử tri lấy ý kiến về người tự ứng cử đại biểu HĐND; biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú lấy ý kiến về người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND phải được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương ngay sau khi kết thúc hội nghị.

Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ kết thúc vào ngày 12-4.

VŨ DUNG