Lật giở từng trang ký ức, Đại tá Nguyễn Bội Giong-người có nhiều năm giúp việc trực tiếp cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, một trong những nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra với đất nước lúc đó là nhanh chóng thống nhất về mặt Nhà nước, để nhân dân ta tập trung xây dựng, phát triển đất nước sau chiến tranh. Chính vì vậy, cuộc Tổng tuyển cử chung trong cả nước vào ngày 25-4-1976 được nhân dân cả nước háo hức đón chờ. Tại Bộ Tổng tham mưu-nơi Đại tá Nguyễn Bội Giong làm việc, không khí thảo luận về những ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa VI (1976-1981) diễn ra sôi nổi. “Lúc đó, ngoài những ứng cử viên đã có tiếng tăm lừng lẫy như các cụ: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chánh, Võ Chí Công, Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng,… thì có rất nhiều ứng cử viên mới như Hải Phụng, Tô Ký… Đặc biệt, có những ứng cử viên là “lực lượng thứ 3” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi trao đổi với nhau nhiều lần về những đồng chí mới, để cân nhắc bỏ ai, lựa chọn ai. Trong “bụng” cũng chưa yên tâm lắm vì họ là lực lượng mới. Nhưng qua hướng dẫn của cấp trên, qua thảo luận, chúng tôi biết họ là những người được sinh ra và trưởng thành trong cuộc đấu tranh gian khổ ở miền Nam. Đặc biệt, có những người là con em của chế độ cũ nhưng đã tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng nhiều hình thức phong phú nên chúng tôi tin rằng những người đó có thể gánh vác công việc của đại biểu Quốc hội”-Đại tá Nguyễn Bội Giọng kể.
Ký ức cứ dội về, Đại tá Nguyễn Bội Giong bảo, những ngày ấy thực sự là ngày hội của toàn dân. Mặc dù công việc ở cơ quan rất bộn bề, nhưng trước ngày bầu cử, mọi hoạt động đều tạm gác lại, tất cả tập trung cho bầu cử, công tác nhân sự lại được đem ra bàn bạc thêm. Hội trường lớn của Văn phòng Bộ Tổng tham mưu, nơi thường xuyên tiến hành các cuộc họp quan trọng của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương được dùng làm khu vực bỏ phiếu. Ai cũng nói đây là lần tổng tuyển cử chung trong cả nước sau 30 năm chiến tranh đất nước bị chia cắt, nên phải trang trí đàng hoàng, rực rỡ hơn trước. Mọi người đều rất vui, bởi niềm vui non sông đã liền một dải hòa cùng với niềm nô nức đây là cuộc tổng tuyển cử lấy lá phiếu của cử tri trên toàn quốc chứ không phải chỉ riêng miền Nam, miền Trung hay miền Bắc. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước sẽ một lần nữa khẳng định một cách hùng hồn ý chí của nhân dân ta xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
“Sáng 25-4-1976, anh em chúng tôi dậy rất sớm, quần áo chỉnh tề để đúng 8 giờ đi bỏ phiếu. Đối với cá nhân tôi, cảm giác tự hào, vinh dự, tự tin sâu sắc hơn bao giờ hết, bởi trong ngày hội của toàn dân hôm nay có sự đóng góp nhỏ bé của mình”-người cựu chiến binh xúc động kể lại. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sôi nổi và nhanh chóng đạt kết quả tốt. Để chào mừng thành công của cuộc Tổng tuyển cử, tối hôm đó ở hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức bắn pháo hoa, tại Nhà hát Lớn có biểu diễn kịch. Khắp các con phố Hà Nội, người dân nô nức như trẩy hội.
Được hỏi ngày đó ông kỳ vọng gì, nhất là khi bỏ lá phiếu chọn ra những người ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Đại tá Nguyễn Bội Giong nói rằng, ông gửi gắm rất nhiều tâm nguyện. Và giờ đây, khi nhìn lại những bước thăng trầm trong lịch sử của đất nước 40 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 1976-1981, ông cho rằng: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã sáng suốt nhìn thẳng vào sự thật và đưa ra những quyết sách góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định xã hội. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi thiết lập cơ cấu lãnh đạo chung của đất nước. Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất...
Trải qua 13 khóa, Quốc hội Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, không ngừng đổi mới, đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Đại tá Nguyễn Bội Giong cũng gửi gắm điều kỳ vọng nhất của ông là Quốc hội luôn luôn đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết. Bởi Bác Hồ đã từng nói: Nếu độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Dân có hạnh phúc thì thể chế mới mạnh, quốc gia mới vững vàng.
Bài và ảnh: VŨ DUNG