Đó là một đêm cuối năm 1970, đơn vị chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng nhỏ bên dòng Nhật Lệ, trước khi hành quân lên Làng Ho vượt Trường Sơn vào Nam Bộ. Chủ ngôi nhà mái lá, vách đất ấy là một người đàn ông chừng lục tuần, tóc điểm bạc, dáng mảnh khảnh, giọng nói trầm ấm, đặc sệt địa phương:

- Nhà tui chỉ có hai cha con. Bà nhà tui bị bom Mỹ giết hại mấy năm nay rồi. Các chú cứ tự nhiên.

Người con của ông già Quảng Bình ấy là ai, do bận bịu cơm nước cho đơn vị nên tôi cũng chưa kịp hỏi. Mùa đông năm ấy rét đậm, mưa suốt cả tuần, nên nhóm bếp là một công việc cực kỳ vất vả. Tôi đang đánh vật với mớ củi đóm thì nghe bên tai giọng con gái Quảng Bình dịu ngọt:

Minh họa: PHÙNG MINH

- Anh bộ đội để đó em nhóm lửa cho…

Tôi ngẩng lên bắt gặp khuôn mặt con gái sáng như trăng rằm, đôi gò má ửng hồng và đặc biệt, ánh mắt như có lửa. Tôi như gà mắc tóc mấy chục phút chẳng xoay xở được gì, chốc lát, cô gái đã thổi bùng ngọn lửa. Tiếng lửa cháy tí tách, reo vui làm ấm cả căn nhà nhỏ giữa đồi sim cô quạnh.

Cô gái không chỉ nhóm lửa mà còn trực tiếp nấu thức ăn cho chúng tôi nữa. Qua câu chuyện, tôi biết em tên là Mận, đang học lớp 9 trường huyện. Hôm nay chủ nhật, em về thăm bố. Mận cho biết, nhà em nằm trong khu vực chuyển quân vào chiến trường, nên hằng năm có nhiều lượt bộ đội hành quân qua đây. Anh bộ đội nào cũng trẻ, đi miết chưa thấy ai quay ra...

Tôi bỗng thấy mắt Mận lóng lánh khi em bộc bạch chuyện các anh bộ đội trẻ ấy ra đi không hẹn ngày trở lại. Tôi không biết nói gì với Mận. Con trai 18 tuổi, vừa rời ghế nhà trường lên đường đánh giặc, chỉ bày tỏ lòng mình bằng ánh mắt. Đêm ấy, chúng tôi nghỉ lại trong căn nhà lá giữa đồi sim. Trời càng về khuya càng giá lạnh. Không ngủ được, tôi thức dậy sắp xếp trang bị để mai hành quân. Vẫn là giọng nói Quảng Bình nhẹ như gió thoảng, Mận đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào:

- Trời lạnh quá không ngủ được phải không?

Không đợi tôi trả lời, Mận trao cho tôi bát nước nóng. Tôi đón bát nước trên tay cô gái. Những ngón tay như búp măng nóng ấm của em chạm vào tay tôi. Rõ ràng tôi thấy Mận cũng bối rối. Đôi mắt của em thật lạ, vừa xa xôi, vừa gần gũi. Như đã thân quen từ lâu, Mận kể cho tôi nghe việc học hành ở nơi sơ tán của em và ước mong học xong sẽ được lên đường vào Trường Sơn phục vụ chiến đấu...

Tôi nghe tiếng trở mình của bố Mận trên giường. Chúng tôi tắt đèn đi ngủ. Không biết Mận ra sao, còn tôi không thể nào chợp mắt được. Ngày mai tôi sẽ xa ngôi nhà nhỏ trên đồi sim của gia đình em, còn em trở lại trường. Tôi nghe tiếng con gái thở dài, trong tiếng gió rít trên đồi sim hun hút...

Chỉ vậy thôi mà đôi mắt cô gái Quảng Bình theo tôi mãi…

Sau chiến tranh, mấy lần tôi ước nguyện về Quảng Bình thăm lại ngôi nhà mái lá năm xưa. Nhưng rồi tôi lại cuốn theo một nhiệm vụ đặc biệt khác-cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Cam-pu-chia.

Mới đây, theo chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi trở lại Quảng Bình. Ngay khi đặt chân xuống sân bay Đồng Hới, tôi đã đề nghị các anh ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình cho tôi đi thăm lại đồi sim ấy.

Chiều cuối đông ong ong màu mây xám như 40 năm về trước. Đồi sim bên dòng Nhật Lệ vẫn còn đây mà chẳng thấy ngôi nhà lá, vách đất cùng cô nữ sinh có ánh nhìn ấm áp như có lửa năm xưa. Năm tháng đi qua. Bây giờ, tôi và Mận đã ngót nghét tuổi lục tuần như bố em cách đây 40 năm. Tất cả đã đi vào dĩ vãng, chỉ thấy gió hun hút trên đồi sim cô quạnh…

Tôi thả bộ dọc dòng Nhật Lệ trong ngập tràn cảm xúc. Có cô gái nào đi ngang, ném sang tôi ánh nhìn vừa xa xăm, vừa gần gũi. Điều trùng hợp, cô gái mặc áo màu mận. Mắt tôi nhòe đi. Tôi tự hỏi, có phải Mận đó không em?

Bài thơ “Đôi mắt Quảng Bình” của tôi đã ra đời trong buổi chiều Nhật Lệ vời vợi ấy:

Ngày hai mươi tuổi, qua đây
Ánh mắt ấy theo tôi ra trận
Cô gái Quảng Bình áo màu mận
Tóc tôi xanh Trường Sơn.

Vật đổi sao dời, bốn mươi năm
Tôi trở về Nhật Lệ
Sông vẫn chảy thời tuổi trẻ
Chỉ vắng em, mận tím chiều.

Tôi đi tìm em giữa bao nhiêu
Cô gái nào nhìn tôi đăm đắm
Đôi mắt Quảng Bình ngàn đợt song
Dạt dào câu dân ca...

Ánh mắt xưa, ở đâu ta?
Ngày tôi hai mươi tuổi
Bao nhiêu năm rong ruổi
Nỗi nhớ khôn nguôi.

Đầu tôi bồng bềnh mây trắng trôi
Tôi đi tìm đôi mắt
Nhật Lệ vẫn âm vang giọng hát
Mận tím chiều hoàng hôn...

TRẦN THẾ TUYỂN