QĐND - Sau gần 40 năm phục vụ trong quân ngũ, tôi được quân đội, Nhà nước cho nghỉ hưu. Hôm nhận sổ hưu, lòng tôi cứ lâng lâng, đan xen cảm xúc mừng vui và ngậm ngùi. Vui thì hẳn nhiều rồi. Còn ngậm ngùi vì phải xa cuộc sống quân ngũ, xa những đồng đội, học viên (trước khi nghỉ hưu, tôi là cán bộ quản lý học viên ở Học viện Chính trị Quân sự, nay là Học viện Chính trị). Nhưng sự ngậm ngùi về điều ấy cũng dần qua. Còn sự ngậm ngùi, nhớ thương bao đồng đội không bao giờ được nhận sổ hưu thì trào dâng trong tôi ngay giờ phút nhận sổ hưu và mãi mãi sau này. Vợ tôi thật hiểu nỗi lòng chồng: “Bây giờ nghỉ hưu, có điều kiện về thời gian, các con cũng đã lớn, anh nên thu xếp thăm lại những chiến trường xưa, những nghĩa trang liệt sĩ, chắc sẽ nguôi ngoai nỗi nhớ thương các anh ấy…”. Nghe vợ nói, tôi vui mừng mà nước mắt cứ rưng rưng.

CCB Phùng Bá Đam tại lễ kỷ niệm và khánh thành tượng đài chiến thắng Thượng Đức.

Thật may, dịp kỷ niệm 30 năm Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2005), tôi được mời tham dự Cuộc hành quân tiếp lửa truyền thống "Vang mãi khúc quân hành” do Báo Quân đội nhân dân và Tập đoàn Mai Linh phối hợp tổ chức. Theo hành trình cuộc hành quân thời bình nhưng hết sức ý nghĩa ấy, tôi được đi qua và thăm lại một số chiến trường xưa mà Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304, Quân đoàn 2) của tôi trực tiếp chiến đấu. Chuyến đi ấy, tôi phần nào toại nguyện, chỉ tiếc là dịp đó không có điều kiện thăm lại Thượng Đức (Quảng Nam), trận đánh, chiến thắng, địa danh mà khi nhắc đến, chúng tôi vô cùng tự hào và xót thương bởi sự bi hùng của trận chiến.

Một lần nữa vợ tôi lại khích lệ: “Anh cần thăm lại Thượng Đức, lần này anh cho em cùng đi với”. Tôi lại rưng rưng trước lời giục giã và nguyện vọng của vợ. Tâm nguyện của vợ chồng tôi được Thiếu tướng Trần Quang Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 (nguyên là học viên lớp K29A, Hệ Lục quân, Học viện Chính trị Quân sự, do tôi làm chủ nhiệm lớp), động viên, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần. Tôi hiểu, Thiếu tướng Trần Quang Phương giúp đỡ vợ chồng tôi không phải vì ân huệ, mà chính là chiến lệ, tình đồng đội trong chiến thắng Thượng Đức qua giáo trình và những câu chuyện của tôi, anh thêm hiểu, thêm trân trọng thế hệ đi trước và qua đó làm giàu kiến thức quân sự, chính trị vốn đã song toàn của anh.

Để chuyến thăm chiến trường xưa của vợ chồng tôi thêm ý nghĩa, Thiếu tướng Trần Quang Phương có gợi ý với tôi nên mời thêm một số đồng đội của tôi cùng tham gia trận Thượng Đức. Anh cũng tự lên một kế hoạch cho chúng tôi và “ra lệnh”: “Các bác phải vào trước ngày kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Thượng Đức (7-8-1974 / 7-8-2014) đấy nhé…”.

“Mệnh lệnh” ấm áp của Chính ủy Quân khu 5 như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi để hăm hở lên đường vào Thượng Đức, như cái thời trận mạc. Thật vui, cùng đi với vợ chồng tôi có vợ chồng anh Nguyễn Anh Quyền (nguyên Phó chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn 66).

Vào đến Đà Nẵng, chúng tôi nghỉ một đêm ở Nhà khách Quân khu 5, sáng hôm sau lên ngay với Thượng Đức. Trước lúc xe chạy, vợ chồng tôi và vợ chồng anh Quyền tìm nơi mua lễ viếng đồng đội. Nhìn lễ viếng có nhiều hoa trắng, tôi vô cùng xúc động và thầm cảm ơn vợ, vì qua câu chuyện chiến trường của mình, vợ tôi hiểu đa số anh em hy sinh ở Thượng Đức đều rất trẻ, họ “chưa một lần cầm tay bạn gái”…

Thượng Đức đây rồi! Nơi bao đồng đội ngã xuống đây rồi! Chúng tôi cứ rưng rưng, lòng như muốn thốt lên như vậy. Tôi và anh Quyền lặng người trên những sườn đồi, điểm cao, dấu tích công sự... Hai người vợ cùng tâm trạng như hai ông chồng cựu chiến binh, cũng như đây là chiến trường năm xưa của chính họ. Điểm cao 1062, dấu tích ác liệt chống lại mưu đồ tái chiếm Thượng Đức của ngụy quân đây rồi! Tôi lặng về quá khứ để kể cho vợ nghe tình huống này: “Sáng 14-10-1974, trên điểm cao 1062 này, lúc đó anh là Trung úy, Trưởng tiểu ban cán bộ Trung đoàn 66, được giao nhiệm vụ đến Tiểu đoàn 9 nắm tình hình và động viên bộ đội. Khi anh và Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Du vừa đến một cửa hầm thì pháo giàn từ căn cứ Đà Nẵng bắn lên, anh bị thương nặng ở chính nơi này. Một mảnh pháo sượt dài ở đầu, ba mảnh nhỏ găm vào cổ, máu chảy đầm đìa, anh ngất lịm. Thật mau lẹ, anh Du và đồng đội băng bó cho anh cầm máu và cõng xuống hầm cấp cứu, nếu không anh cũng nằm lại ở điểm cao này…”. Vợ tôi nghẹn ngào: “Nếu không có anh Du và đồng đội, em sớm mất anh từ hôm đó và con trai đầu lòng của chúng ta phải mồ côi cha từ lúc chưa đầy 2 tuổi phải không anh…”.

Vợ chồng tôi và vợ chồng anh Quyền lần lượt đặt hoa, thắp hương trên những điểm cao, công sự năm xưa, rồi xuống nghĩa trang Đại Lãnh đặt hoa, đặt rượu, thắp hương viếng 921 liệt sĩ, đồng đội đang yên nghỉ ở đây.

Trong khói nhang nghi ngút, chúng tôi như được gặp lại những đồng đội một thời chia lửa ở Thượng Đức. Trên đường về Hà Nội, chúng tôi thấy lòng thanh thản hơn.

Đại tá PHÙNG BÁ ĐAM (Nguyên Trưởng tiểu ban cán bộ Trung Đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2)