Chị Hồng gọi điện thoại cho tôi: “Em à! Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ muốn chị tặng tượng cô Bảy Huệ để rước vô trưng bày. Chị cũng có tâm nguyện như vậy nhưng đưa vô bảo tàng thời điểm này có thích hợp không? Em tư vấn giùm chị”.
 |
Chị Trần Thu Hồng (ngoài cùng, bên phải) trao tặng tượng chân dung cô Bảy Huệ cho Bảo tàng. Ảnh: HÙNG KHOA |
Tôi nói với chị, chuyện này nên xin ý kiến cô Bảy Huệ. Nếu cô đồng ý thì không có vấn đề gì. Vậy là chúng tôi cùng đến nhà cô Bảy Huệ. Năm nay, cô Bảy đã vào tuổi 98, sức khỏe yếu nhưng vẫn khá minh mẫn. Thần thái cô toát lên vẻ phúc hậu, nhân từ hiếm thấy. Hồi nhỏ tên cô là Ngô Thị Ngỡi, trong quá trình hoạt động cách mạng đổi thành Ngô Thị Huệ. Gọi theo cách của người Nam Bộ là Bảy Huệ. Cô sinh năm 1918 tại huyện Phước Long, tỉnh Sóc Trăng, tham gia cách mạng từ khi còn nhỏ. Năm 22 tuổi, cô giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, tổ chức lãnh đạo nhân dân nổi dậy trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 và bị địch bắt, kết án khổ sai chung thân. Sau ngày ra tù, cô tiếp tục hoạt động và được bầu làm đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV. Năm 29 tuổi, cô Bảy kết hôn với đồng chí Nguyễn Văn Linh, bí danh Mười Cúc, Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn-Gia Định. Lúc bấy giờ, cô Bảy Huệ là Ủy viên Thường vụ Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Đồng chí Mười Cúc vừa là đồng chí cùng hoạt động cách mạng, vừa là người anh, người thầy của cô Bảy.
Là người bạn đời, người đồng chí từng cùng nhau vào sinh ra tử, cô Bảy luôn kề vai sát cánh giúp chồng trong các nhiệm vụ cách mạng vì nước, vì dân. Cô Bảy chính là người sáng lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tham gia thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, dù tuổi cao sức yếu, nhưng cô Bảy vẫn tâm huyết với các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo. Năm 2012, cô được tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Chị Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, thưa với cô Bảy Huệ: Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đang thực hiện bộ sưu tập chân dung những người phụ nữ nổi tiếng của Việt Nam qua các thời đại để trưng bày phục vụ kỷ niệm 40 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Bức tượng chân dung của cô Bảy là hiện vật đầu tiên trong bộ sưu tập ý nghĩa ấy. “Công lao của cô Bảy đối với đất nước và phụ nữ Nam Bộ lớn lắm. Chúng cháu xin phép được rước bức tượng chân dung cô Bảy do chị Trần Thu Hồng hiến tặng vào bảo tàng theo nguyện vọng của đông đảo chị em phụ nữ”-chị Thắm nói.
Sau khi nghe chị Thắm và chúng tôi trình bày, cô Bảy Huệ nói: “Nếu thấy việc đó là cần thiết và có ích cho công việc chung thì các cháu cứ làm!”. Cô Bảy là thế, lúc nào cô cũng đặt việc chung, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Và cũng cho đến lúc này cô mới biết, bao năm qua có một người phụ nữ đã âm thầm nhờ họa sĩ đúc tượng cô để trưng bày trong nhà như một vật gia bảo. Đó là chị Trần Thu Hồng, quê ở Quảng Nam, tham gia cách mạng và bị địch bắt năm 1968, khi mới 13 tuổi. Chị Hồng là một trong những nữ tù cộng sản trẻ tuổi nhất Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, hiện sinh sống tại TP Hồ Chí Minh. Quá trình hoạt động cách mạng, chị đã được cô Bảy Huệ dìu dắt, giúp đỡ. Chị luôn coi cô Bảy Huệ là thần tượng của mình. Với tâm nguyện muốn có một bức tượng cô Bảy Huệ đặt trong nhà, chị Hồng đã tìm đến nhà điêu khắc Lại Kim Thanh, một trong những họa sĩ điêu khắc hàng đầu ở TP Hồ Chí Minh hiện nay, tạc bức tượng đồng bán thân cao 50cm, thể hiện chân dung cô Bảy Huệ...
Họa sĩ Kim Thanh đã nghiên cứu tài liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của cô Bảy Huệ và tiếp xúc với cô nhiều lần để nắm bắt những khoảnh khắc thăng hoa nhất. “Tôi làm nghệ thuật hơn 40 năm nay. Có nhiều nhân vật mình làm giống về đường nét, cấu trúc gương mặt, cơ thể nhưng rất khó nắm bắt được thần thái, phong cách. Riêng cô Bảy Huệ, tôi chỉ thực hiện tác phẩm một lần là ưng ý ngay. Gương mặt cô Bảy là một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang!”-họa sĩ Lại Kim Thanh nói.
Chị Hồng trưng bày tượng cô Bảy Huệ ở vị trí trang trọng trong nhà gần 5 năm qua, cùng với tượng của nhiều danh nhân, văn nghệ sĩ nổi tiếng và người có công với đất nước đã quá cố được chị đúc tượng trước và sau đó. Nhà của chị giống như một gian trưng bày, tôn vinh những nhân vật có công lao với đất nước, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội.
THANH KIM TÙNG