Hoài làm công việc tự do.

Mưa gió không ngại. Nặng hạt quá là nghỉ. Nguy cơ có cành cây rơi gẫy là thôi. Ngày hôm nay không làm thì để ngày mai. Bữa nay chưa no thì chưa chắc ngày mai sẽ đói.

Cuối năm vừa rồi đi họp lớp, chả thấy có gì tự hào để mang khoe với bạn cũ. Bạn bè hỏi qua thì được mấy dòng trích ngang: Từng là lính nghĩa vụ, mẹ vợ ở gần nhà và vợ đẻ được hai thằng cu.

Thấy anh em cứ hỏi, giờ ông làm ăn thế nào, lên đến chức gì rồi, nhà đã có lầu và đi xe hơi chưa, Hoài không biết trả lời thế nào.

Hết cấp ba là Hoài đi bộ đội rồi về làm thợ nước. Học nghề không qua trường lớp nào, ngoài trường đời với bố là người chỉ dẫn, nên nếu nói để có cái gì triện dấu đỏ chứng tỏ nghề nghiệp như người ta thẻ nọ thẻ kia, rồi bằng cấp, chứng chỉ thì nói thật Hoài không có.

Bạn bè cũ hỏi để biết vậy thôi, chứ cũng kiểm tra đâu mà ngại thật với giả. Giá có khả năng chém gió, Hoài cũng làm cho tơi bời, nhưng của đáng tội Hoài vốn kiệm lời. Đi lắp đường nước cho người ta, cứ lặng lẽ từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Gặp chủ nhà vui tính, hay gợi chuyện, họ vẫn là người nói chính, còn Hoài, thi thoảng lại “vâng ạ”, với “ừ, à”. Thành ra, chủ nhà thường quý Hoài. Họ cho rằng Hoài chú trọng về làm chứ không nặng về… vòi vĩnh. Cứ cần mẫn làm rồi cuối buổi tính tiền, họ đưa dư thì Hoài tìm tiền trả chứ không có tiện thể thêm lời, khêu tiền, kiểu: Thôi còn mấy đồng cho cháu làm cốc bia luôn bác nhé.

 Có chủ nhà nói: Chú tốt tính, tôi quý đấy. Nói thật với chú, có đứa cứ tháo ra để đấy như nhận chỗ làm rồi lại đi nơi khác. Chúng bày ra khiến gia đình đến khổ, dọn vào thì không được mà để đó thì trông thật khó chịu. Chúng làm cho người ta dở dở dang dang, đến gọi thợ khác cũng khó.

Những “vở đặt gạch” đấy của thiên hạ, Hoài cũng biết. Cả cái kiểu ăn gian, một tính bằng hai, bằng ba, không đến mét cứ làm tròn, rồi cộng vống lên thành ra đến lời, được hơn cả tiền công, Hoài cũng tỏ. Rồi cái kiểu để lẫn vật liệu cũ vào mới trong thùng đồ nghề, khi lắp sẽ lẫn lộn cũ với mới. Tùy chỗ có thể ẩn được như dưới đất, lắp xong sẽ lấp lên ngay mà thay cho khách đồ cũ, của đáng bán đồng nát bỗng chốc được tính giá bằng đồ mới tinh. Có nhanh hỏng, thợ lại nhanh có việc.

Mấy thứ đồ nước khi mới chạy ren hay lem nhem dầu mỡ nên cũ mới, kể cả chủ nhà sành sỏi, ghê gớm nhiều khi vẫn bị qua mặt. Bảo sao đồ nghề cứ lộm nhộm. Phải thế mới dễ dùng một gói băng tan mà đi tính bằng mấy gói với một đống vỏ đã để sẵn trong thùng đồ. Lọ mọ mấy chục năm làm tự do, có mánh lới nào Hoài cũng tỏ.

Nhưng cái khó là Hoài luôn thấy mình khó ở nếu có làm gian. Thành ra, so với những thợ tự do cùng nghề, Hoài đôi khi có nhiều việc hơn nhưng thu nhập không cao bằng. Hoài tự an ủi, thôi thì dù có khi ráo mồ hôi là đói nhưng vẫn túc tắc nuôi được vợ con. Hoài chủ động được thời gian để có thể chạy đi chạy lại lo liệu các công việc đột xuất bên nội rồi bên ngoại. Không đến nỗi phải hẹn giờ, đặt lịch, báo cáo mới có thể dứt khỏi công việc vài khắc thời gian như những người đi làm thuê, hay là những người hành nghề tập thể.

So với bạn bè, Hoài có vẻ phong trần hơn nhưng cười nói cũng khẽ khàng. Nghe bè bạn nói này nọ, kể lể gặp ông nọ bà kia trên Trung ương, gọi điện thoại cho anh em đang họp Quốc hội cứ như không, thấy cũng rỗng rỗng ngực. Tự hỏi: Dường như mình thua bè kém bạn? Mình còn đơn giản quá, thiếu thốn lắm? Thiếu cái không nhìn thấy ấy. Mà hay mình cũng chả có gì để mà ngẩng mặt với đời?

Tối, Hoài đem chuyện bạn bè về kể với vợ. Vợ bảo, Tết này lại gặp mặt đầu Xuân đó. Nhưng có sao đâu! Hôm họp lớp em, em cũng đi đấy thôi, vui vẻ mà. Mọi người thì cũng có người này, người kia. Họ được cái này, mất cái nọ. Có người nhiều tiền lại thường ốm đau. Người hay giao du, chân đến khắp các châu lục thì bố mẹ khuất núi quá sớm. Người có con giỏi, vợ xinh lại bị yếu cái khoản... Nói chung, không có gì trọn vẹn được. Còn bằng cấp, ai học nhiều thì có nhiều, ai học ít thì ít thôi. Có điều, dùng cái bằng ấy như thế nào cho nó “xuôi chèo mát mái”…

Hoài vừa nghe vợ nói vừa ậm ừ. Vợ Hoài chợt nhổm dậy, đập vào tay Hoài: Mà này, mấy người ấy nhiều bằng chưa chắc đã có cái bằng của anh xưa nay đâu nhá. Bằng ấy cũng phải lao động chán mới có được. Lại có khi, chưa có nên phải phấn đấu nữa.

- Bằng gì? - Hoài hỏi vợ.

Vợ Hoài cười dẻo: Bằng lòng ấy. Em thích cái bằng ấy nhất, đừng có vứt nó đi!

Tản văn của QUỲNH LINH