Ngày Tết đối với người Sài Gòn xưa, TP Hồ Chí Minh hiện nay không nặng về “ăn” mà chủ yếu là “chơi”. Sự ảnh hưởng của nền văn minh sông nước khiến cư dân đô thị từ bao đời nay thích thú với lối chơi Tết trên bến dưới thuyền, xuống bến trẩy hội, vào thành du xuân...
Tốc độ đô thị hóa cùng tỷ lệ tăng dân số cơ học nhanh đến chóng mặt khiến hàng loạt địa danh có cảnh sắc “trên bến dưới thuyền” ở TP Hồ Chí Minh hiện nay đã biến mất hoặc bị thu hẹp do san lấp để xây dựng công trình. Hiện ở khu vực trung tâm thành phố chỉ còn một số ít địa điểm giữ được nét xưa, gắn với phong tục sinh hoạt, đón Tết của người dân theo phong tục truyền thống, tiêu biểu là chợ Bến Thành và bến Bình Đông trên kênh Tàu Hũ. Theo Gia Định thành thông chí, chợ Bến Thành có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Bến này dùng cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành nên có tên gọi là Bến Thành. Tọa lạc ngay đầu mối giao thương đông đúc thuyền bè qua lại nên chợ Bến Thành được mô tả như là “phố chợ” trù phú bậc nhất Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh thời đó. Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe lái, thương thuyền đậu san sát, tạo thành một khu phố nổi trên mặt nước. Vào dịp Tết hằng năm, người dân Sài Gòn nô nức xuống bến trẩy hội, giao lưu thương mại rồi vào thành du xuân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, 96 tuổi, ngụ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Rất may là cho đến nay, thành phố vẫn giữ được gần như nguyên trạng kiến trúc của chợ Bến Thành. Người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh với tính cách hào hiệp, phóng khoáng, thích du ngoạn. Chợ Bến Thành trở thành biểu tượng của du lịch, xúc tiến thương mại của TP Hồ Chí Minh, là nơi được đông đảo người dân thành phố lựa chọn để chơi Tết, vui Xuân. Những ngày Tết, du khách và người dân thường xuôi về các khu chợ hoa ở bến Bình Đông để mua sắm, thưởng ngoạn hoa trái từ vùng sông nước Cửu Long đưa về, đi du thuyền trên bến Bạch Đằng ra sông Sài Gòn, về kênh Nhiêu Lộc, sau đó vào du xuân ở quần thể văn hóa: Chợ Bến Thành - phố đi bộ - đường hoa, đường sách Nguyễn Huệ...
Chợ Bến Thành rực rỡ sắc màu chuẩn bị đón năm mới.
Trong những năm chiến tranh, lợi dụng sự đông đúc nhộn nhịp của chợ Bến Thành và các bến cảng, Đặc công Rừng Sác và Biệt động Sài Gòn đã dễ bề hóa trang, trà trộn vào dòng người du xuân để trinh sát nắm tình hình, thực hiện những trận đánh “kinh thiên động địa”. Khi còn sống, cựu Đại tá Bảy Ước (nguyên Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác) kể rằng, ông cùng đồng đội đã nhiều lần vượt sông Sài Gòn, ém mình dưới những trảng lục bình rồi đột nhập các tụ điểm ăn chơi của sĩ quan Mỹ và chính quyền tay sai để đánh úp, làm cho địch kinh hồn bạt vía. Nhiều cán bộ nằm vùng của ta được tiểu thương chợ Bến Thành nuôi giấu nhiều năm trời mà không bị lộ. Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhung (nữ tình báo Tám Thảo), 84 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận kể: “Suốt thời gian hoạt động bí mật trong lòng địch, nhất là dịp Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, trong “vỏ bọc” tiểu thơ con nhà giàu, tôi thường trà trộn vào dòng người du xuân, hái lộc hay tới những khu chợ để nắm tình hình báo cho cấp trên lập phương án đối phó. Tôi còn nhớ, vào chiều Mồng Hai Tết Mậu Thân, sau khi các chiến sĩ biệt động của ta tiến công Dinh Độc Lập không thành, tôi được anh Tư Cang (Đại tá Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình báo H63) giao nhiệm vụ nắm tình hình và thông tin liên quan đến trận đánh để báo cáo ra căn cứ. Chiều đó, hòa trong dòng người du xuân, tôi len lỏi qua nhiều tuyến phố để quan sát, dò la tin tức từ chính vợ con sĩ quan Mỹ, ngụy đi chơi Tết. Nhờ vậy, tôi đã hoàn thành bản báo cáo khá đầy đủ, chi tiết về kết quả trận đánh và kế hoạch tiếp theo của địch, chuyển ra căn cứ để lực lượng ta xác định phương án đối phó với quân thù”...
Sau đợt Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, mỗi khi Xuân về, Tết đến, người dân Sài Gòn vẫn bí mật bằng nhiều hình thức làm lễ tưởng niệm những chiến sĩ Giải phóng đã anh dũng hy sinh trên đường phố Sài Gòn năm đó, bất chấp sự xăm xoi của lũ mật vụ, chỉ điểm, Việt gian bán nước. Đó cũng là nét văn hóa truyền thống của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh yêu nước, căm thù giặc, trọng nghĩa, trọng tình…
Trải qua hàng trăm năm, xung quanh khu vực chợ Bến Thành đã mọc lên những tòa nhà cao tầng, cao ốc hiện đại, nhưng khu chợ đặc trưng vẫn lắng đọng nét xưa. Không gian văn hóa ở đây đã được mở rộng, kết nối các điểm tham quan ở khu vực trung tâm và ngoại thành. Gần đây, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã triển khai các tua tham quan bằng xích lô, từ chợ Bến Thành đến các di tích lịch sử-văn hóa ở khu vực trung tâm thành phố. Bắt đầu từ lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, không khí Tết ở Sài Gòn dường như đã dần hiện hữu trên từng tuyến phố, khu vui chơi, trung tâm hành chính với cờ hoa rực rỡ sắc màu...
Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG