Những câu hát ngợi ca các nữ dân quân Yên Châu bắn rơi máy bay Mỹ của nhạc sĩ Trọng Loan đã đưa chúng tôi về bản Tà Vài, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Trong nắng xuân sớm, khung cảnh Tà Vài đẹp như bức tranh thủy mặc. Con đường đèo ngoằn nghèo trong màu xanh thẫm của cây rừng, chìm trong làn sương mờ như dải lụa mềm vắt ngang sườn núi, suối Vạt róc rách chảy hòa nốt trầm vào khúc nhạc mùa xuân. “Nhà cô Quàng Thị Ế ở kia”-Trung tá Nguyễn Bá Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Yên Châu (Bộ CHQS tỉnh Sơn La) nói. Theo hướng anh chỉ, chúng tôi thấy làn khói mỏng tỏa lên quyện sương sớm trong căn nhà gỗ nhỏ sát bên đường.
Cô Quàng Thị Ế kể lại chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của tiểu đội nữ dân quân Yên Châu.
Cô Quàng Thị Ế sinh năm 1945. Cô tham gia lực lượng dân quân khi vừa bước sang tuổi mười tám. Cùng ở độ tuổi “trắng nõn búp tay”, các cô đã làm nên một kỳ tích cùng nhau bắn rơi máy bay “Thần sấm” của Mỹ khi chúng thả bom đánh sập cầu Tà Vài. Lần đầu tiên trong lịch sử, “Thần sấm” hung hăng của đế quốc Mỹ đã bị những cô gái chân yếu tay mềm hạ gục trên bầu trời Yên Châu.
Nhắc đến chiến công xưa, giọng cô Quàng Thị Ế sôi nổi hẳn lên, chỉ tay về phía dòng suối Vạt, cô cho biết: Cách đây chừng 1km là cầu sắt Tà Vài. Trận địa phòng không của tiểu đội dân quân nữ được bố trí trên các đỉnh đồi đất cao gần đó để đánh địch bảo vệ cầu. Từ chỗ đóng quân lên trận địa chừng 2km, nhưng đi mất cả tiếng đồng hồ. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm, mọi người đã thức dậy nấu cơm gói vào lá và đổ đầy nước vào ống tre, khoảng 5 giờ là chị em kéo nhau lên trận địa. Sáu giờ có mặt trực đến 14 hoặc 15 giờ, tùy thuộc vào tình hình.
Trong những năm chống Mỹ, cứu nước, cầu sắt Tà Vài-cây cầu trọng điểm trên Quốc lộ 6A, trở thành mục tiêu bắn phá chủ yếu của đế quốc Mỹ, hòng cắt đứt đường giao thông, chia cắt viện trợ giữa Trung ương với vùng Tây Bắc và chiến trường phía Bắc Lào. Nơi đây đã phải hứng chịu hàng trăm trận oanh kích của không quân Mỹ. Tiểu đội nữ dân quân Yên Châu gồm 10 người, được trang bị 4 khẩu K44 và 1 khẩu súng phòng không 12,7mm. Cô Quàng Thị Ế nhớ lại:
- Vào một ngày tháng 6-1966, hôm đó, trời mưa nhưng cả đội trực vẫn bám trận địa, đến khoảng 10 giờ chúng tôi phát hiện có 4 chiếc “Thần sấm” của địch bay tới. Chúng lượn hai vòng để xác định tọa độ ném bom đánh cầu. Cả tiểu đội căng mình chờ đợi. 10 giờ 30 phút, máy bay địch bổ nhào xuống cắt bom cũng là lúc trận địa gầm lên tiếng súng bắn trả. Chiếc đầu, chiếc thứ hai, chiếc thứ tư lượn lên bay mất. Còn chiếc máy bay thứ ba loạng choạng lượn lên có làn khói đen kịt tỏa theo đường bay. Trúng rồi! Cả tiểu đội reo hò ầm ĩ. Mấy ngày sau, chúng tôi nhận được tin chiếc máy bay bị trúng đạn và rơi trên đất nước Lào.
- Những ngày bám trận địa canh trời bảo vệ cầu, thời gian nào các chị cảm thấy vui nhất? - Tôi hỏi.
- Thuở ấy, ngày nào cũng như ngày nào, sáng chúng tôi tập hợp hành quân lên trận địa, chiều tối chia tay nhau, người nào về nhà nấy. Thời điểm đặc biệt nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về, cả đất trời dường như khác hẳn. Đường đi khoác thêm màu sắc rực rỡ của các loài hoa. Vào dịp đó, mỗi nữ dân quân chúng tôi đều mang theo đồ ăn ngon đến trận địa, cùng góp vào bữa ăn thêm vui vẻ, sung túc để thay những bữa cơm rau rừng hằng ngày. Không những thế, sau mỗi trận đánh lập công, chúng tôi còn nắm tay nhau cùng hát vang những bài ca cách mạng và làn điệu cổ truyền của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Tiếng hát không chỉ “át tiếng bom” mà còn làm cho không khí những ngày Tết trên trận địa rộn ràng hơn.
Một mùa xuân nữa đang đến, mang sức sống mới cho quê hương Yên Châu đang từng ngày thay da đổi thịt. Trong nhịp sống ồn ào, thi thoảng chúng tôi vẫn như được nghe tiếng suối Vạt thì thầm kể về chiến công của tiểu đội nữ dân quân giữ cầu sắt Tà Vài, bắn rơi “Thần sấm” Mỹ trên miền quê cách mạng Yên Châu.
Bài và ảnh: VIỆT HÀ