Nhưng ngay sau đó, họ lại cùng hai bạn trẻ người Việt tách sang một hướng khác, đến khu trưng bày ngoài trời và tỉ mỉ quan sát, tìm hiểu các hiện vật ở đây. Hỏi ra mới biết, họ là cặp vợ chồng tranh thủ đi du lịch dịp nghỉ lễ Giáng sinh. “Chúng tôi vừa đến Việt Nam chiều hôm qua, và chồng tôi đã chọn điểm đến đầu tiên là bảo tàng lịch sử của quân đội các bạn. Cả anh ấy và tôi đều yêu thích môn Lịch sử. Đến đây, quả thật chúng tôi rất ấn tượng bởi những chiến lợi phẩm như: Chiếc máy bay B-52; khẩu pháo “Vua chiến trường”... những chiến lợi phẩm mà các bạn thu được sau các cuộc kháng chiến”-chị Gien-ni nói.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Gien-ni và Uy-li-am chụp ảnh kỷ niệm tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai. 

Trong quá trình trò chuyện, tôi được biết Uy-li-am vốn là một giáo viên ở Anh. Lần đến Việt Nam này, họ muốn đến thăm tất cả các bảo tàng chứng tích chiến tranh ở miền Bắc. Bên cạnh những thông tin tìm hiểu từ trước, cặp vợ chồng này đã thuê riêng hai sinh viên của Trường Đại học Hà Nội-chính là hai bạn trẻ đi cùng, để làm thông dịch viên kiêm hướng dẫn viên. Tuy nhiên, như quan sát của tôi, về cơ bản cả Uy-li-am và Gien-ni đều biết khá rõ về lý lịch các hiện vật “nổi tiếng” được trưng bày tại đây. Anh Uy-li-am cho biết: “Qua sách báo, chúng tôi biết các bạn đã phải mất 30 năm mới có được nền độc lập hoàn toàn. Nhưng phải nhìn thấy những bằng chứng thực tế ở đất nước các bạn, chúng tôi mới tin những điều mình đọc được. Vì vậy, chúng tôi đã đến Việt Nam”.

Đúng dịp này, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đang diễn ra Triển lãm “Bản hùng ca mùa Đông năm 1946” nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. Sau khi tham quan hầu hết các gian trưng bày, anh Uy-li-am đã nêu một thắc mắc: Tôi biết với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là dịp lễ rất quan trọng, không khác gì lễ Giáng sinh ở đất nước chúng tôi. 60 ngày đêm ấy đã diễn ra đúng vào dịp này, hẳn là mải lo chiến đấu mà các bạn quên đón Tết?

Rất may, ngay lúc đó Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Trung đội trưởng Trung đội 2, Tiểu đoàn 102 khu Đông thành, Trung đoàn Thủ Đô, Trưởng ban liên lạc Các chiến sĩ Quyết tử Liên khu 1 Hà Nội-nhân chứng sống của thời kỳ hào hùng đó, cũng có mặt tại bảo tàng chờ tổng duyệt chương trình cầu truyền hình trực tiếp sẽ diễn ra vào ngày hôm sau, đã thay tôi giải đáp thắc mắc này. Ông kể: Hồi ấy, dù phải lo chiến đấu nhưng quân và dân Thủ đô vẫn đón Tết truyền thống như thông lệ, dù có đặc biệt hơn. Ở khu vòng ngoài, không khí Tết có mặt trong từng ngôi nhà. Bà con tấp nập sửa soạn đón Tết. Còn tại khu trung tâm, qua giao liên bí mật của mặt trận, chúng tôi nhận được quà tiếp tế từ bà con và cơ sở vũ trang ở các địa phương ngoại thành đưa vào, cổ vũ động viên như: Bánh chưng, bánh bột lọc, khoai, các loại mứt được làm thủ công... Thậm chí, cả hoa đào những ngày giáp Tết. Vậy là ngay trên các trận địa, ổ chiến đấu, bên chiến lũy và các ụ súng, chúng tôi mừng năm mới và sẵn sàng “nghênh đón” kẻ địch phía trước...

TUẤN TÚ