Theo đuôi chúng là một số đảng phái người Việt tay sai. Âm mưu của chúng là “diệt Cộng sản, bắt Hồ Chí Minh” (diệt Cộng-cầm Hồ). Chúng muốn xóa bỏ chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời sau Cách mạng Tháng Tám-1945, Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa đầy một năm tuổi.
Nhà bà ngoại tôi khá rộng rãi, khang trang nên phải nhận đón một ít quân Tưởng thuộc sư đoàn chiếm giữ từ Hải Phòng đến Đồ Sơn. Hằng ngày có tàu hỏa chở quân và vũ khí của chúng đi qua đầu làng. Quân Tàu Tưởng, mang danh nghĩa Đồng minh, nhưng là một đạo quân tham tàn, giết người cướp của, quấy rối phá hoại đất nước ta.
Mệnh lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc mở phiên tòa đặc biệt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh biết rõ tình hình đó, Người đã nhắc nhở, căn dặn cán bộ và nhân dân ta: Phải hết sức kiên nhẫn vì sự nghiệp cách mạng. Đối với Trung Hoa, ta vẫn chủ trương Việt-Hoa thân thiện, khi có xô xát phải dàn xếp sao cho đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự…
Trên chỉ đạo cụ thể, chu đáo như thế, nhưng cán bộ và thanh niên quê tôi, tiếc thay đã làm điều ngược lại, trong số đó có hai ông anh họ tôi. Các vị ấy thừa lòng yêu nước, ý chí cách mạng, nhưng thiếu nhìn xa trông rộng, lại không có tính tổ chức kỷ luật, đã tự động phục kích một đoàn tàu của quân Tưởng chạy qua làng, làm 9 tên chết tại chỗ, đoạt của chúng một số quân trang và vũ khí.
Chuyện tày đình rồi! Phương án “Tia chớp” của Công an cách mạng được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn y. “Tia chớp” nghĩa là nhanh như chớp. Phải chủ động giải quyết rất nhanh để “bịt miệng” quân Tưởng, không cho chúng làm to chuyện gây rối, lấy cớ trì hoãn rút quân về nước (theo thỏa thuận với Pháp đang chuẩn bị trở lại xâm chiếm Việt Nam), kích động bọn tay sai người Việt đảo chính lật đổ chính quyền cách mạng.
Theo kế hoạch, một tòa án đặc biệt được cấp tốc mở tại Kiến An (Kiến An khi đó là một tỉnh, quê ngoại tôi thuộc huyện An Dương). Chánh án Hồ Đức Thành được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ra mệnh lệnh bổ nhiệm (ông Thành nguyên là nhà thanh niên cách mạng hoạt động ở Trung Quốc trong tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, về hợp tác với ta sau Cách mạng Tháng Tám).
Trước ngày xử án, Chánh án trằn trọc suốt đêm, không sao chợp được mắt. Phải xử tội người cán bộ Việt Minh yêu nước là một nhiệm vụ quá đau lòng! Thật là vừa thương vừa giận anh em mình. Nhưng biết làm sao đây. Phép nước phải là trên hết. Nhưng ông cũng nghĩ mọi cách để có thể cứu nguy cho anh em.
Ngày xử án, dân đến dự rất đông. Mười bị cáo lần lượt bị hỏi tội. Sau một ngày làm việc, lại theo tinh thần “tia chớp”, tòa tuyên ba án tử hình, thi hành ba ngày sau, trong đó có một ông anh họ tôi. Nghe tuyên án, dân làng tôi đến dự đều òa khóc nức nở. Bản án được sao ra hàng trăm bản. Một bên chữ Việt, một bên chữ Hán, được niêm yết suốt dọc đường từ làng tôi đến Đồ Sơn, nơi đóng quân của sư đoàn Tưởng có người bị giết.
Pháp trường được dựng lên ngay sau đó tại cánh đồng quê tôi, sát Quốc lộ 5, nay là khu đất dưới cầu vượt Quán Toan-Hải Phòng. Dân làng tôi kéo đến pháp trường đông nghịt. Ba huyệt đã được đào sẵn. Ba quan tài, trên có ba bó hoa tươi, đã được đặt giữa pháp trường. Họ hàng, bà con láng giềng ôm chặt ba tử tù, khóc như mưa.
Nhưng lại một “tia chớp” nữa xảy ra. Khi ô tô của Chánh án Tòa đặc biệt tới cách pháp trường 100m, thì một xe hơi sang trọng màu trắng phía sau bóp còi inh ỏi. Xe ta dừng lại, xe lạ đỗ áp sát kề bên. Một tướng quân Tưởng-quân phục đàng hoàng, ra khỏi xe nói to: “Tôi xin gặp quan ngoại vụ Hồ Đức Thành”. Hắn hết lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã rất công minh, xử án đúng người, đúng tội, nhưng xin chưa xử bắn ngay phạm nhân. Chánh án ta cảnh giác, chưa biết hắn định giở trò gì đây. Hắn rút từ trong xà cột ra một công hàm đóng dấu đỏ chót, trao cho “quan ngoại vụ” Việt Nam. Lý do xin hoãn ngày thi hành án là để bắt các phạm nhân phải bồi thường tiền cho quân đội Trung Hoa dân quốc. Nộp tiền bồi thường đầy đủ, xong mới thi hành án! Vụ việc quá bất ngờ này được báo cáo hỏa tốc lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người đồng ý. Chánh án lên lễ đài tuyên bố: “Theo lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi xin tuyên bố hoãn thi hành án đối với ba tử tù”. Tiếng reo hoan hô, tiếng vỗ tay vang dậy khắp pháp trường Do Nha. Cán bộ ta cùng tướng Tàu quay về trụ sở chính quyền Kiến An để thương lượng vấn đề bồi thường. Phía quân Tưởng đòi 20 vạn tiền Đông Dương (2.000 đồng Đông Dương lúc đó có thể sắm một biệt thự ở Hà Nội). Ta đòi giảm, Tàu không chịu. Quỹ của tỉnh cạn tiền. Các tử tù yêu cầu chờ cho ít ngày để người nhà bán ruộng, bán đất.
Quân Tưởng hám số tiền lớn nên đồng ý ra về. Mấy ngày vẫn không thấy tiền, nên chúng kéo đến bao vây trụ sở tỉnh Kiến An “đòi nợ”. Chủ tịch tỉnh đánh bài “vắng mặt”, kéo dài tình thế nhập nhằng. Thế rồi, chỉ mấy ngày sau, lại một “tia chớp” nữa xảy ra. Sư đoàn Tưởng đóng ở vùng quê tôi được lệnh xuống tàu ngay, rút quân về nước theo kế hoạch. Chắc gấp quá, chúng không kịp đòi nợ quê tôi nữa.
Và ba tử tù của làng tôi đã sung sướng được trở về với gia đình, tham gia cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra sau đấy mấy tháng.
KHẮC TIẾP