Anh bảo, lần này, trung đoàn có đợt đi phép, đại đội có ba người là Phạm Mạnh Hồng, Lê Sỹ Chăm và tôi. Nhận được tin vui này, cả ba chúng tôi đều hân hoan, vui sướng, vì đã 5 năm rồi mới có dịp về thăm gia đình, gặp lại người thân.

Tôi cứ luống cuống trước niềm vui bất ngờ này vì không biết phải chuẩn bị những gì để mai mốt lên đường. May quá, gặp anh Lê Ái Bình là Khẩu đội trưởng Khẩu đội 2 cùng quê Hà Nội, từng có lần được cử ra Bắc nhận trang bị, vũ khí, khí tài, tôi hỏi anh:

- Bây giờ ra Bắc thì cần chuẩn bị những gì?

Không trả lời tôi, anh hỏi lại:

- Còn bộ quân phục nào mới không thì đưa ra đây.

Cầm bộ quân phục mới tôi đưa, anh đi vào bản. Hơn một giờ sau, không biết bằng cách nào, bộ quân phục đã được “hoán đổi” thành 2 gói mì chính (loại 454g) kèm theo hai tút thuốc lá “A đỏ” của Lào, bảo mang về làm quà. Anh còn đưa cho tôi 35 đồng, gọi là thêm vào tiền “cửa rừng” (tiền 35 đồng phát cho mỗi người lần đầu đi phép).

leftcenterrightdel
Tác giả (ngồi giữa) và bạn đồng ngũ chụp ảnh kỷ niệm Tết Bính Thìn 1976. Ảnh do tác giả cung cấp. 

Sau một ngày chuẩn bị, sắp xếp ba lô gọn gàng và chia tay đơn vị, đúng sáng 29-12-1975, chúng tôi tập trung, có xe của trung đoàn đưa ra Trạm giao liên N7 gần bản Tùm Lan cách đơn vị khoảng 100km. Chờ ở trạm hai ngày sau mới có xe tuyến đưa bộ đội ra Bắc. Từ ngã ba Mường Phìn đến Bản Đông, xe bắt đầu tăng tốc, lao đi vun vút trên Đường 9. Ngồi trên xe chật cứng, những chiến sĩ Quân tình nguyện sau nhiều năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào thấy lòng mình nhẹ nhàng xen lẫn bồi hồi xúc động. Tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ, không ngờ mình lại có ngày hôm nay, được trở lại cố hương không phải bằng đường mòn rừng núi mà đàng hoàng giữa ban ngày trên Đường 9 nối liền hai nước anh em Việt-Lào.

Khoảng 3 giờ chiều đến chợ Đông Hà, xe dừng một giờ để bộ đội vào thăm chợ, mua quà cho gia đình và người thân. Chợ Đông Hà nằm trên ngã ba giao lộ Đường số 1 và Đường số 9 nên trong chợ, ngoài bộ đội từ Lào về như chúng tôi thì số đông là bộ đội trong Nam ra hay ngoài Bắc vào. Tôi chọn mua áo len cho cha mẹ và khăn len cho ba cô em gái, không quên mua quà cho cô bạn học từ thời phổ thông, năm 1969 nhập ngũ vào Nhà máy Thông tin M1 đóng quân ở huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Những năm ở chiến trường, chúng tôi vẫn thường xuyên viết thư cho nhau và gắn bó bằng một tình yêu chung thủy.

Đêm hôm đó nghỉ tại Trạm giao liên ở Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh), trời lạnh khiến chúng tôi phải đốt lửa để sưởi, mọi người trò chuyện râm ran, ai cũng mong trời mau sáng để tiếp tục lên đường. Đến khoảng 5 giờ chiều hôm sau, xe đến thành phố Vinh. Theo phổ biến của cấp trên thì sẽ ăn cơm chiều và nghỉ đêm tại đây để sáng hôm sau lên tàu ở ga Vinh về Hà Nội. Nhưng sau đó kế hoạch lại có sự thay đổi. Chuyện là, phần đông bộ đội quê miền Bắc, do xa nhà đã lâu, nay có nguyện vọng sớm được về sum họp với gia đình. Đề nghị đó được cấp trên quan tâm, các đồng chí bên đường sắt đã tổ chức một chuyến tàu đột xuất, khởi hành tại ga Vinh vào lúc 7 giờ tối hôm đó để sớm đưa anh em về Hà Nội.

Hơn 7 giờ sáng hôm sau, đoàn tàu về đến ga Hàng Cỏ. Tôi đi bộ dọc đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), rồi đi tắt qua Công viên Thống Nhất về nhà tôi ở phố Lê Đại Hành. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng, cha mẹ tôi đều đi làm, hai em gái đi học, chỉ có em gái út khi đó đang học lớp 8 ở nhà vì em học buổi chiều. Tôi về hơi đột ngột khiến em tôi mừng quýnh và chạy lên cơ quan báo tin cho bố mẹ.

Gần ba ngày đi đường không tắm rửa, người và quần áo tôi hôi rình. Tắm giặt xong, nhẹ cả người, tôi thay bộ quần áo bộ đội mới, lại đàng hoàng, nghiêm chỉnh. Cùng lúc đó, bố mẹ tôi cũng vừa về tới nhà. Bố tôi đã ngoài 60 tuổi, mắc bệnh tim và huyết áp, người gầy, đôi mắt sáng. Đã gần 5 năm tôi xa gia đình nay mới trở về, bố mẹ tôi xúc động ứa hai hàng nước mắt.

Buổi gặp mặt đầu tiên thật háo hức, các cô chú trong khu tập thể đều sang thăm hỏi mừng gia đình tôi sum họp sau ngày chiến thắng. Sáng hôm sau như đã hẹn trước, tôi và Hồng cùng nhau sang trạm giao liên của Bộ tư lệnh Thủ đô đóng tại xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) nhận giấy nghỉ phép và tiêu chuẩn phép. Trên giấy phép có ghi rõ: “Được nghỉ phép từ ngày 4-1-1976 đến hết ngày 20-2-1976”.

Như vậy là sau 4 cái Tết xa nhà, tôi lại được ăn Tết Bính Thìn cùng với gia đình. Ngày mồng 5 Tết, cùng với ba bạn đồng ngũ đã trở về tiếp tục học đại học là Nguyễn Bính Chi, Đặng Kim Vinh và Hoàng Mạnh Hùng, chúng tôi tham quan Hội Hoa Xuân tại Công viên Thống Nhất và cùng nhau chụp một tấm ảnh kỷ niệm. Tấm ảnh đó tôi may mắn còn giữ lại được cho đến bây giờ và luôn xem mùa xuân đáng nhớ ấy như “Mùa xuân đầu tiên”-tên một tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao được ra đời đúng vào mùa xuân 1976.

LÊ AN KHÁNH