Tôi vẫn còn nhớ cái khoảnh khắc lần đầu gặp Phan Văn Quý. Cũng lâu rồi. Dễ có đến hơn chục năm. Khi đó, tôi đang làm Giám đốc Kênh Truyền hình VOV. Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày ra đời con đường Trường Sơn, Kênh Truyền hình VOV có làm một bộ phim tài liệu dài 3 tập về cung đường huyền thoại này. Anh hùng lái xe Phan Văn Quý là một trong những nhân vật quan trọng của bộ phim. Nhưng Phan Văn Quý không muốn mọi người nói nhiều về mình. Anh muốn nhường thời lượng của phim cho đồng đội anh, đặc biệt là những cán bộ cựu trào, những người lính đầu tiên đã khai mở con đường huyền thoại này. Vì thế, trong phim, anh chỉ xuất hiện trong đám đông, mà cũng chỉ loáng thoáng không đầy một phút.
“Đồng hương muốn hỏi tôi về chuyện đón Tết ở chiến trường ư?” - Phan Văn Quý bắt đầu câu chuyện - “Thực ra điều này cũng giản dị lắm. Các nước phương Tây họ đón Tết Tây. Tức là Tết Dương lịch. Mỹ cũng vậy. Vì thế, bắt đầu từ ngày Nô-en, ngày Chúa Giáng sinh 24-12 cho đến ngày 1-1 Dương lịch, có thể xem như những ngày Tết, vì bom đạn có thưa hơn. Nhưng thời điểm đó lại bắt đầu vào chiến dịch vận chuyển của cánh lái xe Trường Sơn. Mình phải tranh thủ chớp thời cơ để vận chuyển hiệu quả đạn dược, hàng hóa cho chiến trường mà lại bớt được rất nhiều xương máu. Còn ngày Tết ta, Tết Âm lịch thì vẫn như những ngày bình thường. Bom đạn mù mịt. Cánh lính lái xe chúng tôi vẫn quần thảo trên đường. Chỉ có tới các binh trạm thì thấy không khí Tết. Bánh kẹo. Thịt hộp. Tắm nước nóng. Rồi cả những cánh hoa rừng. Phải nói là tưng bừng lắm đồng hương ạ!”.
Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý, Chủ tịch HĐQT.
Phan Văn Quý hay gọi tôi là “đồng hương”. Mặc dù, tôi ở Hải Dương, còn anh ở Yên Thành, Nghệ An. Đấy là hai vùng quê rất xa nhau và hoàn toàn khác biệt. Nhưng với anh, hình như cứ ai từng là lính thì đều là “đồng hương” cả. Còn đối với cánh lái xe Trường Sơn, nói như Phạm Tiến Duật, thi sĩ của Trường Sơn thì chỉ cần ăn chung với nhau một bữa cơm là đã thành ruột thịt rồi: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.
Phan Văn Quý là người thông minh, nhanh nhạy nhưng hành động lại chắc chắn, không ồn ào, khoa trương. Tôi chỉ nói một chi tiết trong hoạt động xã hội của anh. Nhiều năm qua, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Dương Phan Văn Quý cùng với một số bậc lão thành và doanh nhân khác khởi xướng thành lập Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Quỹ Tâm Tài Nghệ An. Chỉ trong thời gian ngắn, các quỹ này đã có hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ người nghèo. Rồi anh làm công tác từ thiện. Tôi nhiều lần chứng kiến việc anh làm từ thiện. Mà làm lặng lẽ, âm thầm, như bản tính khiêm nhường, giản dị của anh. Điều đó, không phải ai cũng biết.
Nhiều lúc, tôi cứ nghĩ, không biết điều gì đã làm nên Phan Văn Quý? Có lẽ là chất lính chăng? Người lính, đúng như Bác Hồ nói: “Thắng không kiêu. Bại không nản”. Phan Văn Quý đã từng thất bại. Ấy là khi anh vừa rời quân đội ra làm kinh tế tư nhân: Kinh doanh xăng dầu. Xăng dầu đối với anh đâu có lạ. Anh là lính lái xe Trường Sơn. “Yêu xe như con, quý xăng như máu”. Câu khẩu hiệu mang tính chỉ đạo chiến lược này, hầu như người lính nào cũng biết, kể cả những người lính không làm nhiệm vụ lái xe. Nhưng khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu. Chỉ có Phan Văn Quý mới biến nó thành hiện thực trọn vẹn. Anh yêu xe, có nhiều sáng kiến bảo vệ xe. Đặc biệt là việc sáng chế ra chiếc áo giáp bảo vệ xe. Áo giáp là những thân gỗ rừng áp hai bên thành xe, che trên mái xe, vừa làm ngụy trang, vừa chắn những mảnh bom, mảnh đạn cho cả người và xe. Rồi kinh nghiệm tiết kiệm xăng. Tiết kiệm hàng nghìn lít. Đúng là yêu xe như con, quý xăng như máu. Chính những kỳ tích này cùng hàng ngàn hàng vạn ki-lô-mét ngang dọc Trường Sơn dưới mưa bom bão đạn, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thương binh cùng hàng hóa vận chuyển đã đào luyện anh thành anh hùng Trường Sơn. Và chuyện này, nhiều người cũng đã kể rồi. Tôi không nói thêm nữa. Khi rời khỏi quân đội, ra làm kinh tế, anh chỉ có hai bàn tay trắng. Trong bài thơ “Lính thời bình”, tôi cũng đã có lần bàn: Trước giặc là lính cựu/ Sau trâu là tân binh/ Cái nghèo và cái dốt/ Bày trận giữa thời bình. Và rồi người lính quả cảm đã từng vượt qua bao nhiêu cửa tử bom đạn nổi tiếng nhất của tuyến đường Trường Sơn, vượt không phải một lần mà hàng trăm lần: Ngầm Tà Lê, cua chữ A, đèo Phu La Nhích rồi ngã ba Lùm Bùm. Vậy mà anh đã thất bại ngay khi mới vào trận kinh doanh xăng dầu. Quý xăng như máu. Tiết kiệm xăng thì đã đành rồi. Nhưng kinh doanh xăng lại là việc khác. Thế là anh bị phá sản. Nhưng bại không nản. Đó là bản lĩnh người lính. Chính bản lĩnh ấy đã vực anh đứng dậy. Lấy thất bại làm kinh nghiệm mới để phòng tránh. Và anh đã vượt lên. Vượt từng bước vững chắc để rồi lại tiếp tục làm nên những kỳ tích mới.
Anh hùng LLVT nhân dân Phan Văn Quý giới thiệu về kinh nghiệm giữ gìn xe tại Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, năm 1976. Ảnh chụp lại.
Làm kinh tế đâu có dễ. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi “Thương trường là chiến trường”. Vì thế, rất dữ dội và khốc liệt! Nhưng với Phan Văn Quý thì khác.
Thương trường là chiến trường
. Nhưng đó là một
chiến trường đặc biệt
. Nếu chỉ là chiến trường thông thường, thì chiến trường ấy chỉ có sống và chết. Bởi ở đó có ta, có địch. Phải tìm mọi cách tiêu diệt địch để giành lấy sự sống. Đó là sự đối kháng quyết liệt với kẻ thù không đội trời chung. Nhưng với Phan Văn Quý,
thương trường là chiến trường không có kẻ thù
. Nếu có cái gọi là kẻ thù, thì chỉ là kẻ thù ảo. Đó là cái đói, cái nghèo, hay sự dốt nát, lạc hậu, trì trệ, đi ngược lại tiến trình văn minh của cả loài người. Còn lại đều là đồng đội. Đối tác là đồng đội. Đối với người lính, đồng đội thiêng liêng lắm. Nói như nhà thơ Chính Hữu:
Đồng đội ta/ là hớp nước uống chung/ Nắm cơm bẻ nửa/ Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa/ Chia khắp anh em một mẩu tin nhà/ Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết…
Vậy đó. Với đồng đội, thì đến cả cái chết cũng chung nhau, cũng không rời nhau. Và như thế, dù ở địa danh nào, ở thời điểm nào, dù người lính hy sinh ở Điện Biên năm 1954, ở cửa ngõ Sài Gòn năm 1975, hay ở Lạng Sơn năm 1979, ở Biển Đông, Trường Sa năm 1988 thì họ cũng vẫn chung nhau một ngày giỗ. Đó là ngày 27 tháng 7.
Nhưng với Phan Văn Quý, ở chiến trường đặc biệt này, không có cái chết mà chỉ có sự sống thôi. Đồng đội ôm lấy nhau mà sống. Không phải tôi ăn cơm. Anh ăn cháo. Mà tất cả đều ăn cơm. Rồi tiến tới những bữa “đại tiệc”. Làm sao để tất cả đều thành công. Không phải tôi thành công thì anh cứ phải thất bại. Nếu người khác phải thất bại mà mình thành công thì thành công của mình đâu có trọn vẹn. Không có hạnh phúc nào đáng gọi là hạnh phúc khi nó lại được xây đắp trên nỗi đau khổ của người khác.
Chính quan niệm rất mới này đã giúp Phan Văn Quý có được những bước đi vững chắc để đến được thành công. Cũng chính vì quan niệm rất nhân văn này, cộng với sự mẫn cảm đặc biệt của người lính đã giúp anh né được những trận “bão” khốc liệt mà không làm đau khổ cho ai. Chính đồng đội đã dìu anh lên. Rồi anh cũng lại dìu đồng đội. Rồi cùng đồng đội dìu tiếp bao nhiêu kiếp người bất hạnh, giúp họ có niềm tin để đứng vững trên đôi chân của mình. Ta hiểu vì sao, một đồng chí lãnh đạo rất có uy tín đã phải khẳng định: “Phan Văn Quý thật đáng quý!”.
“Ngày xưa, mình là lái xe Trường Sơn. Ngày Tết, anh em lo cho mình. Dù một gói lương khô hay một bông hoa dại cũng hạnh phúc lắm. Hạnh phúc bởi cái Tết ấm tình đồng đội. Còn bây giờ, mình là người quản lý, mình phải lo Tết cho mọi người, lo Tết cho đồng đội. Tết không phải chỉ có vật chất mà còn có cả tinh thần. Mà xem ra cái tinh thần lại lớn hơn. Chả thế các cụ bảo: “Vui như Tết”. Vui như Tết chứ có phải Ăn như Tết đâu. Và như thế, ngày Tết không phải mỗi năm chỉ có một lần. Nghĩa là mỗi năm mới có một ngày vui. Mà làm sao để ngày nào cũng vui. Nghĩa là quanh năm Tết. Ngày nào cũng phải như ngày Tết. Có phải thế không đồng hương?”.
Phan Văn Quý lại cười. Vẫn là nụ cười ấm áp của người lính trận. Người lính Trường Sơn…
Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA