leftcenterrightdel
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu hạnh phúc trong ngày cưới. 
Lời cầu hôn trước án tử hình

Những ngày cuối năm, TP Hồ Chí Minh trời se lạnh. Mỗi khi trở trời thế này, vết thương thuở tù đày của bà Nguyễn Thị Châu và ông Lê Hồng Tư lại đau nhức. Đau vậy nhưng đó cũng là lúc ông ôm vai bà, bà xoa tay ông mà nhớ lại bao kỷ niệm thời tuổi trẻ.

Ngày ấy, gần 60 năm trước, cũng vào độ chớm xuân…

Châu xúng xính trong tà áo dài trắng may bằng loại vải rẻ tiền mà cô dành dụm từ mấy năm phụ má bán cá ở chợ Biên Hòa. Châu hay giúp má vì Châu nhỏ, dễ bề được bà con thương tình mua cho khi không may bị tụi cảnh sát đạp ngã, đổ cả thúng cá lên đầu. Nhà nghèo, thuở nhỏ không được đi học, vậy mà nhờ những lần đứng chực ngoài cửa lớp, Châu vẫn thi đậu vào Trường Gia Long-trường dành cho nữ sinh danh giá nức tiếng Sài Gòn ngày ấy. Nhưng vì không mua nổi bộ áo dài, cô không thể nhập trường.

Sau cái đận ấy, má cho Châu đi học ở quê. Hết phổ thông, năn nỉ mãi Châu mới được má gật đầu đồng ý lên Sài Gòn học Trường Văn Lang. Má cấm Châu quen con trai thành đô, rồi lấy chồng xa má, xa em. Bữa đó đang lớ ngớ ở sân trường, bắt gặp ánh mắt người con trai ấy, Châu hốt hoảng. Mặc Lê Hồng Tư hỏi: “Bạn quê ở đâu?”, Châu làm thinh ngó lơ. Sau này Châu mới biết Tư là thủ lĩnh của phong trào đấu tranh trong học sinh, sinh viên tại điểm trường này.

Học chung lớp, Châu ngày càng cảm mến anh bạn đẹp trai, học giỏi. Được Tư giác ngộ, Châu cũng hăng hái tham gia phong trào đấu tranh trong học sinh, sinh viên…

Ông Tư nhớ lại cái thuở ban đầu ấy: “Châu tuy là thiếu nữ nhà nghèo, ăn mặc giản dị nhưng lại có vẻ đẹp thánh thiện, trong sáng, toát lên nét rắn rỏi, cương nghị”. Lần đến nhà trọ của Châu trên đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai), Lê Hồng Tư ngỡ ngàng trước căn chòi lụp xụp, nắng loang lổ chiếu vào tấm chăn rách mướp. Hôm đó, sau cuộc họp bàn kế hoạch đấu tranh sắp tới, hai người ngồi tâm sự về gia cảnh. Tư nào khác gì Châu. Nhà ba má ở Gia Định nghèo rớt, Tư lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm thợ ở xưởng hỏa xa, rồi đủ thứ nghề khác để kiếm sống. Làm cắm đầu cắm cổ đến đói lả vậy mà bọn chủ luôn vung roi chửi bới.

Bị theo dõi gắt gao, cuối năm 1959, Tư chuyển sang cơ sở bên Trường Nguyễn Văn Khuê và tham gia vào ban chỉ đạo “Tập san học sinh cứu nước”. Lần Tư về gặp Châu giao nhiệm vụ mới và từ giã Sài Gòn để rút lên chiến khu công tác, nhìn ánh mắt thiết tha của Châu, Tư biết mình không thể cầm lòng. Anh ấp úng: “Còn… còn điều này tôi muốn nói với Châu…”. Nhớ tới lời dặn của má, Châu luống cuống: “Anh đừng nói nữa… em chưa nghĩ đến chuyện ấy”.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời khiến bầu không khí đấu tranh trở nên sôi sục hơn. Trở về Sài Gòn, Tư được phân công móc nối lại với các đồng chí ở nội thành. Đóng giả một đôi tình nhân đến chùa ở Thủ Đức thưởng ngoạn, sau khi bàn kế hoạch rải truyền đơn và biểu tình, Tư ngập ngừng nhắc lại câu nói hôm trước. Ngồi bên gốc dừa, Châu vẫn cắn môi, lắc đầu.

Trước lúc chia tay, Tư quả quyết: “Còn sống trên đời này, tôi còn giữ ý định thành hôn với Châu. Dù phải đi hết vòng quả đất để đến với Châu, tôi cũng sẵn lòng”. Châu chỉ biết đứng lặng, vân vê tà áo…

leftcenterrightdel
Ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu trong một buổi giao lưu tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh do nhân vật cung cấp. 
15 năm - một lời hẹn ước

Tin Lê Hồng Tư bị địch bắt và kết tội tử hình trong phiên tòa ngày 24-5-1962 đến với Châu như tiếng sét ngang tai, còn đau đớn hơn đòn tra tấn thừa sống thiếu chết mà bọn địch tra khảo cô nhiều ngày nay. Vụ Tư tổ chức ném lựu đạn ám sát tên đại sứ Mỹ Nâu-tinh (Nolting) tại đường Pasteur ngày 8-7-1961 khiến địch điên tiết.

Nằm trong buồng giam của Tổng nha Cảnh sát, Châu thấy chữ “Vịnh-Tư-Thành-Chính” ở trên tường. Hóa ra cô bị giam ở phòng mà trước đây Tư và các đồng chí từng bị giam. Cô lấy kẹp tóc vạch lên bài thơ:

“Áo trắng em chưa vướng bụi đời

Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi

Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót

Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”...

 Cuối bài thơ, cô khắc thêm hai chữ “Tư Châu”. Nghĩ đến việc Tư sắp bị địch xử tử, lòng cô như muối xát. “Ảnh bị địch bắt và sắp bị xử tử. Vậy thì mình sẽ công khai nhận là vợ chưa cưới của ảnh, để chúng biết rằng chúng có thể giết chết thân xác người cộng sản nhưng không thể giết chết tình yêu và lý tưởng của họ”. Nghĩ vậy, Châu tức tốc may hai chiếc quần đùi từ tấm vải đen chị em trong tù cho, phía trong gấu quần cô thêu hai chữ T và C lồng vào nhau rồi nhờ bạn tù gửi đến Tư. Đó là vật làm tin, là lời thề ước cô gửi cho người thương…

Nhờ phong trào biểu tình, đấu tranh phản đối đòi hủy bản án tử hình diễn ra sôi sục nên chính quyền Ngô Đình Diệm buộc phải hoãn xử tử Lê Hồng Tư và các đồng chí của anh. Chúng đày các anh ra Côn Đảo.

Nhận kỷ vật của Châu, mọi nỗi đau đớn về thể xác do bị tra tấn cực hình như tan biến trong Tư. Anh lượm được một miếng bạc mỏng, khéo léo cắt thành hình trái tim, một mặt khắc hình búa liềm, mặt còn lại khắc chữ T.C lồng vào nhau. Đó là hiện thân của trái tim Tư: Một nửa dành cho Châu, một nửa dành cho Tổ quốc, mãi đi theo ngọn cờ của Đảng. Miếng bạc là vật làm tin của Tư gửi tới Châu.

13 năm bị giam cầm, tra tấn ở địa ngục Côn Đảo, thêm hai lần chuẩn bị ra pháp trường nhưng nhờ nhân dân, anh em tù chính trị phản ứng quyết liệt, địch không dám xuống tay với Tư. Bao anh em ngã xuống, nỗi đau chồng chất nỗi đau, bị bệnh kiết lỵ tưởng chết nhưng tình yêu đã tiếp thêm sức mạnh để Lê Hồng Tư đón ánh bình minh ngày giải phóng. Đây là những vần thơ nồng nàn anh gửi người phương xa trong dịp đất trời vào xuân: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững vàng quyết sống, không rời lòng son/ Còn trời, còn nước, còn non/ Anh còn hơi thở là còn yêu em...”.

Về phần Nguyễn Thị Châu, sau hai năm không khai thác được gì, tang chứng không có nên hồ sơ, cung án không làm được, địch đành phải thả cô. Châu tiếp tục hoạt động bí mật ở Biên Hòa. Giữa tin chiến thắng dồn dập của Quân Giải phóng từ các nơi dội về, tháng 4-1975, Châu trở lại Sài Gòn tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh nổi dậy ở quận 10. Ngày giải phóng, bà được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời quận 10. 

Ngày 12-5-1975, trên sân trường Hùng Vương-nơi đón các chiến sĩ ở Côn Đảo trở về-đôi uyên ương đã gặp lại nhau. “Lúc đầu, tôi không nhận ra anh ấy vì ảnh xanh và hốc hác quá. Nhưng đôi mắt sáng thì không lẫn vào đâu được”. Họ bước đến ôm chầm nhau, nước mắt tuôn trào. Một đám cưới ấm cúng đơn sơ của hai thương binh diễn ra ở Sài Gòn, giữa ngày hội mừng hai miền Bắc Nam thống nhất. Cô dâu 38 tuổi, chú rể 40, mái đầu đã điểm bạc. Mấy năm sau, đứa con trai của họ ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Chuyện tình của họ trở thành thiên tình sử để đồng đội ngưỡng mộ nhắc mãi.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Nguyễn Thị Châu được phân công làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10. Trước khi nghỉ hưu, bà là Chủ nhiệm Ủy ban Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em TP Hồ Chí Minh, còn ông là Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh.

Hỏi điều gì đã khiến hai người vượt qua cả thời gian và không gian, cả gông cùm, xiềng xích, nỗi đau và cái chết để giữ trọn một tình yêu thủy chung và bất diệt như thế, hai ông bà cùng lật giở lại mảnh thư mà ông Lê Hồng Tư gửi ý trung nhân trước ngày ra pháp trường lần hai. Trong đó có câu: “Những ngày ở Côn Đảo, khi nhận được lời hứa hôn và vật làm tin của em gửi tới, anh đã hiểu sâu sắc rằng, trong cuộc đời chúng ta không phải chỉ có đấu tranh không thôi, mà còn có niềm vui của một tình yêu thật sự tốt đẹp, chân chính”.

HẠNH TRANG