Ca khúc mở đầu bằng câu: Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu/ Đàn Ta-lư em cất tiếng ca vang cùng núi rừng/ Mừng thắng trận quê em… Tiếp đó, tác giả Huy Thục đã khéo đưa hình tượng có thật là tiếng trống trận trong trận Gio An của Quân Giải phóng vào bài hát, với những lời ca hào sảng: Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/ Rừng núi ta ơi! Hãy ý thức dậy vui cùng bản làng/ Mừng thắng trận Gio An…
Nhạc sĩ Huy Thục với cây đàn ta-lư do bà con Vân Kiều tặng.
Ngược dòng lịch sử, trung tuần tháng 5-1967, để bảo vệ tuyến căn cứ bắc Đường 9, suốt nhiều ngày, quân Mỹ-ngụy dùng xe tăng, pháo binh, máy bay yểm trợ, mở trận càn hủy diệt từ phía đông Đường 1A, lên An Xá, Trung Sơn, Bến Tắt…; nhiều làng mạc, nhà cửa, ruộng đồng trong khu giải phóng bị địch tàn phá.
Sau trận càn, bộ đội cùng du kích khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 13 vận tải, Cục Hậu cần B5 (khi đó tôi là tiểu đội phó) phát hiện 2 chiếc trống lớn, nằm lăn lóc trong đống đổ nát tại trường học của thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn và đưa về Sở chỉ huy Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, đóng quân tại thôn “để bảo quản, chờ thời cơ sử dụng”-theo lệnh của Trung đoàn trưởng Thái Cán.
Đúng thời điểm đó, Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9 quyết định mở Chiến dịch Gio An. Trung đoàn 3 được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung đoàn Pháo binh 164, cùng một số lực lượng của mặt trận có nhiệm vụ kéo địch ra khỏi công sự để đánh tiêu hao, tiêu diệt quân chủ lực Mỹ, đồng thời bắt tù binh để phục vụ công tác địch vận.
Sau nhiều ngày bị chặn đánh, các tốp thám báo của địch nống ra lùng sục ở rìa căn cứ, rồi mở đợt càn quét hòng đẩy quân ta ra xa các cứ điểm. Sáng 2-7-1967, sau nhiều đợt bom pháo bắn phá dọn đường, từ căn cứ Cồn Tiên, quân Mỹ cho một đại đội có máy bay, xe tăng yểm trợ kéo quân ra Gio An-đúng khu vực ta chọn sẵn, nhằm thăm dò phản ứng của ta.
Được lệnh, từ Vĩnh Linh, pháo 122mm và 130mm của Trung đoàn 164 bắn cấp tập, trùm lên đội hình quân địch. Khi pháo ta ngừng bắn, từ Sở chỉ huy Trung đoàn 3, tiếng trống nổi lên liên hồi, giục giã; tiếng kèn lệnh, tiếng kẻng, tiếng tù và, tiếng còi của các chiến sĩ rền vang, làm quân địch thất kinh. Quân ta từ các mũi hướng băng băng xuất kích chia cắt, tiêu diệt địch; nhiều tên địch quá hoảng sợ vứt súng, chui vào bụi cây và bị bắt sống.
Những ngày tiếp theo, từ Cồn Tiên, địch tiếp tục nống ra phản kích, nhưng bị pháo binh của ta bắn áp đảo. Khi pháo ngừng nhả đạn, tiếng trống, tiếng kẻng lại vang lên, bộ binh ta xung phong đánh tan đội hình địch. Sau 5 ngày chiến đấu ác liệt, bộ đội ta đã diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn Mỹ khác, bắt sống 38 tù binh, phá hủy 29 xe tăng, 3 máy bay trực thăng…
Chiến thắng Gio An có tiếng vang rất lớn. Ngay sau đó, nhạc sĩ Huy Thục cùng Đội Xung kích nghệ thuật Đường 9 gặp Trung đoàn trưởng Thái Cán và anh em bộ đội để hỏi chuyện chiến đấu, trong đó có chi tiết về tiếng trống trận Gio An. Trong thời gian rất ngắn, nhạc sĩ Huy Thục đã hoàn thành bài hát “Tiếng đàn Ta-lư”, rồi tập cho ca sĩ Vân Anh thể hiện. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 3, Sư đoàn 324-đơn vị chủ công làm nên chiến thắng Gio An là những người đầu tiên được thưởng thức bài hát. Tiếp đó, ngay lần “ra mắt” đầu tiên, bài hát được bộ đội, dân công mặt trận hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau đợt biểu diễn ở mặt trận trở về Hà Nội, tối 31-12-1968, nhạc sĩ Huy Thục và Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị vinh dự được vào Phủ Chủ tịch báo cáo kết quả chuyến đi phục vụ chiến trường, đồng thời biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng... Ca sĩ Tường Vi vinh dự được thể hiện bài hát “Tiếng đàn Ta-lư”. Bác Hồ khen bài hát hay và mong nhạc sĩ Huy Thục cùng các nghệ sĩ có thêm nhiều sáng tác hay phục vụ bộ đội và nhân dân.
Với thành tích trong chuyến đi sáng tác và phục vụ bộ đội ở chiến trường, nhạc sĩ Huy Thục được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Ghi nhận những đóng góp lớn cho nền âm nhạc cách mạng nước nhà, trong đó có các tác phẩm: “Tiếng đàn Ta-lư”, “Ơi con suối La La”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Vì miền Nam”…, Đại tá, nhạc sĩ Huy Thục vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học-nghệ thuật.
Bài, ảnh: TRỊNH THANH PHI