Ngay sau hội nghị, cơ quan Tổng hành dinh dời Chương Mỹ, cơ động về Quốc Oai, Hà Đông, khi Tết Đinh Hợi 1947 đã đến gần. Nhân dân các thôn: Ngọc Than, Sài Sơn, thôn Bùng..., thuộc huyện Quốc Oai, đón cán bộ, nhân viên các phòng, ban của cơ quan Tổng hành dinh về ăn Tết như đón người thân. Dù bận giúp cấp trên chỉ đạo các chiến trường, nhưng đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vẫn rất quan tâm đến đời sống anh em trong cơ quan, nhất là khi năm hết Tết đến. Đồng chí đã chỉ thị cho các đồng chí cán bộ chính trị và Ban Quản lý nội bộ: “Bảo đảm cho anh em vừa hoàn thành tốt công tác chuyên môn, vừa được đón Tết kháng chiến đầu tiên vui vẻ, đầm ấm...”. Tổng Tham mưu trưởng nhắc các trưởng phòng, ban phải lãnh đạo anh em trong từng nhà giúp đỡ các gia đình quét dọn, trang trí nhà cửa, chú ý tôn trọng phong tục tập quán của bà con, nhất là vào sáng Mồng Một Tết. Nếu chủ nhà mời, có thể liên hoan chung với gia đình để mừng Xuân, nhưng không được gây phiền hà cho bà con...
Cán bộ Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, năm 1947. Ảnh tư liệu
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng, cán bộ, chiến sĩ cơ quan phân công nhau dọn vệ sinh nhà cửa, gánh nước đổ đầy chum, vại, giúp gia đình chỉnh trang bàn thờ Tổ quốc, bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị đón Xuân. Buổi chiều, trên những thửa ruộng mới gặt, anh em hướng dẫn dân quân luyện tập quân sự. Tối đến, chỗ này anh chị em dạy hát cho các cháu thiếu nhi, chỗ khác tổ chức liên hoan văn nghệ “cây nhà lá vườn”, cùng địa phương vui Tết, đón Xuân.
Ban Quản lý nội bộ đã khéo lo cho từng phòng, ban bữa ăn tươi chiều Ba mươi và ngày Mồng Một Tết, có bánh chưng, kẹo, mứt, thuốc lá... Chiều Ba mươi Tết, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái vẫn dành thời gian ít ỏi chúc Tết cán bộ, nhân viên cơ quan Tổng hành dinh, đồng thời lưu ý phải có người thường trực, thường xuyên nắm chắc thông tin chỉ huy, duy trì nghiêm chế độ báo cáo diễn biến chiến sự, nhất là ở Hà Nội cho Bộ Tổng chỉ huy.
Sáng Mồng Một Tết, Tổng Tham mưu trưởng dậy sớm chúc Tết các phòng, ban và cán bộ địa phương; anh chị em cũng chia nhau đi chúc Tết nhân dân, chúc thọ các cụ già, mừng tuổi các em nhỏ... Tối hôm đó, các phòng, ban tổ chức liên hoan văn nghệ với thanh niên và nhân dân ngay trên thửa ruộng khô ở thôn Phú Ô.
Tết kháng chiến đầu tiên của cơ quan Tổng hành dinh chỉ gói gọn trong ngày Mồng Một Tết. Cán bộ trực ban ở từng bộ phận thay nhau, mỗi người trực vài giờ để ai cũng được “nếm hương vị” Xuân kháng chiến... Và trong lúc phần lớn anh chị em đi chúc Tết nhân dân, tổ chức liên hoan văn nghệ, thì bộ phận trực chỉ đạo, chỉ huy của cơ quan vẫn bám sát tình hình chiến sự ở nội thành Hà Nội. Từng phòng, ban khẩn trương chuẩn bị cho cuộc hành quân dài ngày lên Căn cứ địa Việt Bắc. Túi vải đựng gạo, thùng sắt tây đựng tài liệu, cùng nhiều vật chất khác, được ban quản lý phân phối gấp về các đơn vị...
Sau bữa cơm chiều 25-2-1947, trong không khí ấm tình quân dân ở từng gia đình, đại diện từng phòng, ban thưa chuyện với chủ nhà, nói lời cảm ơn các gia đình giúp đỡ đơn vị suốt thời gian trú quân và chúc gia đình một năm mới may mắn, hạnh phúc. Sáng hôm sau, sớm hơn thường lệ, bộ đội tranh thủ quét dọn nhà cửa, gánh đầy vại nước… Cán bộ, chiến sĩ bịn rịn chia tay chủ nhà để lên đường. Trừ một số phương tiện nặng được xếp lên xe bò, tất cả cùng hành quân bộ. Ngoài số ít tư trang để trong ba lô, mỗi người vắt trên vai một bao tượng gạo và khoác một thùng sắt tây đựng tài liệu...
Gần hai tháng sau, cán bộ, chiến sĩ cơ quan Tổng hành dinh đến Căn cứ địa Việt Bắc, cùng toàn dân, toàn quân tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ. Với nhiều người, Tết kháng chiến đầu tiên vẫn luôn là những kỷ niệm đẹp, không thể nào quên.
TS NGUYỄN THÀNH HỮU