Không phải lời tôi tự ru mình.

Như một cuốn phim hiện ra, tôi thấy mình đang trôi trong biển người hành hương về Đền Hùng tháng Ba, ngày Giỗ Tổ. Rất nhiều người Việt ở nước ngoài, có người đã hai, ba lần về mà vẫn rưng rưng. Năm nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng về dự ngày Giỗ Tổ. Như hàng chục triệu người con khác đã từng hành hương về Đất Tổ, trước điện Kính Thiên, Tổng Bí thư dâng hương tri ân công đức của các Vua Hùng đã có công dựng nước; cầu cho xã tắc thịnh vượng, quốc thái dân an, bách gia trăm họ vạn đại trường tồn, đất nước ngày càng hùng mạnh và báo cáo kết quả thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XII, những thành quả và cơ hội xán lạn trên con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã chèo lái đưa dân tộc đến bến vinh quang.

leftcenterrightdel
Khu đô thị phía tây trung tâm thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trọng Hải 

Hàng vạn con cháu Rồng Tiên đều chung về một hướng. Cái giây phút ấy ai cũng đinh ninh một lời Bác dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó như một lời thề. Theo sử sách ghi lại từ thời Thục Phán An Dương Vương có một lời thề ghi trên cột đá được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lời trên cột đá ghi rằng: “Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu thất hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa đập”.

Ta bứt phá để vượt lên, để gặt hái những thành quả thời kỳ hội nhập cũng là để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ thông minh của người Việt luôn biết “Dĩ bất biến ứng vạn biến” trong biến thái khôn lường của nhân thế.

Ta đón trước thiên tai, địch họa để lường sức của mình, ví như năm nay, sự đỏng đảnh thất thường của thời tiết khiến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đại hạn. Chưa bao giờ sông Mê Công trơ đáy, khu vực Vàm Cỏ xâm nhập mặn vào sâu hơn 90km, hàng chục nghìn héc-ta lúa thiếu nước, cây trồng cháy khô… Chỉ trong tháng Mười, ba cơn “đại hồng thủy” như muốn nhấn chìm ba tỉnh Bắc miền Trung nhưng Nam Bộ ba năm nay lũ lại về quá muộn, nhiều nông dân đã tính gác chèo tìm kế mưu sinh khác, cuộc sống của người dân khó khăn lại càng khó khăn chồng chất. Chính trong chồng chất khó khăn ấy, Đảng, Chính phủ luôn kề vai sát cánh với người nông dân trên từng thước đất. Một loạt giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn từ Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương cùng chung sức phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ở Nam Bộ, nhiều đời nay, người nông dân nặng lòng với cây lúa nhưng đã tư duy cùng các nhà khoa học nghiên cứu “Dự án cho vùng ngập hạn mặn”; “Đề án thích ứng với biến đổi khí hậu” và “Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”, sẵn sàng chuyển đổi cây trồng, sẵn sàng biến vùng trồng lúa thành vùng chuyên nuôi trồng thủy sản… Trong cái khó đã ló ra một hướng đi bền vững, lâu dài.

Ta đã và sẽ vượt qua “sự cố môi trường biển”. Cả dân tộc đang “chung lưng đấu cật” sẻ chia với hàng vạn đồng bào ngư dân các tỉnh Bắc miền Trung. Chiến dịch làm sạch biển đã khơi dậy tình yêu sống còn với biển, sự đồng cảm, trách nhiệm không chỉ với ngư dân miền Trung và chưa bao giờ chúng ta lại ý thức rõ ràng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống, bảo vệ sinh mệnh chúng ta. “Không thể đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế!”. Lời Thủ tướng đã trở thành lời hịch!

Đất nước đi lên, vượt qua muôn ngàn thử thách bắt đầu từ niềm tin, từ sự chung lưng đấu cật của người dân như thế. Niềm tin của người dân là sức mạnh vượt qua muôn ngàn thác lũ!

Những ngày chuẩn bị diễn ra sự kiện bầu cử Quốc hội khóa XIV, cứ nhìn gương mặt mỗi người dân buổi sáng quanh Hồ Gươm thì biết. Những lo toan cơm áo gạo tiền thường nhật dường như tan biến. Họ nói với nhau về từng đại biểu mà họ gửi gắm niềm tin. Niềm tin của người dân vẫn vẹn nguyên như 40 năm trước, ngày Tổng tuyển cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Giữa không gian sáng trong lành quanh Hồ Gươm như vẫn còn vang vọng trong lòng người lời tuyên thệ nhậm chức của Bác Hồ ngày 2-3-1946: “… Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Tối cao cố vấn đoàn và ủy viên kháng chiến hội, trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hòa Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc. Trong công việc giữ gìn nền độc lập, chúng tôi quyết vượt mọi nỗi khó khăn dù phải hy sinh tính mệnh cũng không từ”.

Sau 70 năm, theo chân Bác, những người lãnh đạo đất nước hôm nay trước Quốc hội khóa XIV, trước đồng bào đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, một lòng một chí vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Độc lập, tự do… là cơm ăn nước uống, là sự khao khát ngàn đời nay của nước Việt. Không có người Việt Nam nào không yêu độc lập, tự do, không yêu Tổ quốc cho dù họ ở phương trời nào. Trong dòng chảy quanh co, ghềnh thác của lịch sử, đất nước có lúc thăng, lúc trầm nhưng cơ hội cho người yêu Tổ quốc bao giờ cũng có. Đã có những lúc trong những người ra đi ta lo “chảy máu chất xám”. Tôi vẫn nghĩ và tin rằng, “chất xám” chảy đi và sẽ “chảy về”. Những chính sách cởi mở trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là Nghị quyết 36 của Đảng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã mở toang cánh cửa cho “chất xám Việt Nam” chảy về Tổ quốc, khi Đảng ta đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước…”.

Có một danh nhân đã nói: “Không có anh, Tổ quốc vẫn tồn tại nhưng anh không thể tồn tại nếu không có Tổ quốc” luôn luôn đúng kể cả với ai còn lưu lạc nơi đất khách quê người. Càng ở nơi xa, dòng máu Tổ quốc càng chảy rần rật trong trái tim anh.

Năm 1946, đất nước non trẻ muôn vàn khó khăn, Bác Hồ trong một chuyến công tác sang Pháp đã đưa về một đội ngũ trí thức trẻ và sau này họ trở thành những cán bộ đầu ngành, đặt nền móng cho nền khoa học nước nhà. Những năm 1960-1970, hàng chục nghìn trí thức trẻ được đào tạo từ các nước XHCN đã tìm đường trở về xây dựng đất nước mà không cần một lời kêu gọi, họ tìm về cội nguồn. Và hôm nay, nhờ Luật Đầu tư nước ngoài thông thoáng, không phân biệt nguồn gốc, không phân biệt sự ra đi và trở về… từ trong hàng triệu người Việt Nam ở khắp thế giới, đội ngũ trí thức ấy đã và đang “chảy về Đất Việt”. Đảng ta đã lắng nghe sự khác biệt, đó là cách “hội tụ nguyên khí quốc gia”.

Đất nước đang đứng trước muôn vàn thử thách. Trước mắt Chính phủ, một loạt khó khăn hiển hiện: Ngân sách thâm hụt; nợ công và nợ xấu chưa giảm; đầu tư tràn lan, thất thoát lớn; tham nhũng và các nhóm lợi ích đang xói mòn lòng tin của nhân dân… Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái có nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Đảng đã chỉ ra trong Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua.

Tôi tin Đảng ta như đã hằng tin, dưới bàn tay chèo lái của Đảng, đất nước sẽ “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Gần một thế kỷ dẫn dắt dân tộc đi ra từ đêm đen nô lệ có lẽ chưa đủ để ta tin Đảng hay sao?

Từ thành công của Đại hội Đảng XII, Tổng Bí thư Đảng ta đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…”. Có độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là có tất cả!

Không phải ngẫu nhiên có một ngày Tổng thống Hoa Kỳ Ô-ba-ma đến Việt Nam, ông đã đọc thuộc lòng câu thơ thần của Đức Lý Thường Kiệt: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời…”. Rõ ràng ông đã rất hiểu văn hóa, tinh thần bất khuất của người Việt trong suốt hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Ông cũng biết, cho dù Việt Nam phải trải qua biến động của lịch sử như thế nào thì nhân dân Việt Nam, đội ngũ lãnh đạo của nước Việt vẫn ghi tạc thông điệp ấy. Thông điệp chỉ một con đường!

Quỳnh Đôi, Xuân Đinh Dậu 2017

Tùy bút của HỒ ANH THẮNG