- Ôi, thế thì chắc bác có rất nhiều kỷ niệm ở chiến trường? - Tôi hỏi.
Ông cười khà khà, rồi nói:
- Đúng, đúng! Chuyện thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất là kỷ niệm về đĩa xôi, con gà trong lần đi trinh sát quận lỵ Hướng Hóa (Khe Sanh), dịp Tết Mậu Thân 1968. Khi đó, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Trung tướng Nguyễn Ân (bên phải) gặp lại đồng đội cũ.
Trung tướng Nguyễn Ân kể: Để chuẩn bị trận đánh đầu tiên của đơn vị ở chiến trường miền Nam, đơn vị tổ chức đi trinh sát nắm địch. Đó là đêm Nô-en (24-12-1967). Đội trinh sát ăn cơm sớm, rồi cắt rừng đi từ chiều, cho đến khoảng 22 giờ thì vào được vị trí chờ đợi chỉ cách mục tiêu chừng 50m. Quãng gần 24 giờ, tiểu đội tuần tra của địch về đến gần đồn, chúng bắn vu vơ vài loạt đạn rồi chui vào các lô cốt đánh bạc. Lợi dụng địch sơ hở, anh em liền luồn bám theo, vào tới từng lô cốt. Quá trình trinh sát, anh em phát hiện một cửa dẫn từ căn cứ sang khu gia binh không có người canh gác. Đêm đó địch tổ chức khiêu vũ trong hội trường nên rất sơ hở...
Nhiệm vụ trinh sát đêm đó hoàn thành thuận lợi hơn cả dự kiến. Trở về nơi tập kết, bấy giờ Tiểu đội trưởng Tiểu đội Trinh sát mới báo cáo thêm với chỉ huy trung đoàn là còn thu được “chiến lợi phẩm” là... một con gà và đĩa xôi. Trinh sát đêm cuối năm giá lạnh, ai cũng mệt, bụng đói cồn cào, giờ có xôi, gà cải thiện quả là nằm mơ anh em cũng không nghĩ tới. Nhưng đúng lúc ấy, tôi hỏi anh em lấy xôi, gà ở đâu thì anh em thành thật báo cáo: Đã “xin lộc” tại một ngôi miếu nhỏ trên đường về. Tôi lập tức ra lệnh cho đồng chí Tiểu đội trưởng: "Lấy ở đâu thì phải đem trả ngay về vị trí đó". Chấp hành mệnh lệnh, các chiến sĩ lập tức thi hành...
Nén xúc động, Trung tướng Nguyễn Ân kể tiếp: Tôi quyết định như vậy, quả thật cũng không đành lòng. Nhưng đó là kỷ luật chiến trường, không thể làm khác được. Trên đường về thấy anh em có vẻ băn khoăn, tôi nhẹ nhàng giải thích: Đây là nơi thờ cúng của bà con dân tộc Pa Cô. Các đồng chí làm như vậy là vi phạm tín ngưỡng của đồng bào. Hơn nữa, ngày mai người dân đến miếu phát hiện đồ thờ cúng không còn sẽ nghi ngờ. Như thế, có thể sẽ lộ kế hoạch tác chiến của đơn vị...
Nghe tôi giải thích, anh em đều hiểu ra, phấn chấn hẳn lên. Chặng đường hành quân về đơn vị như gần lại. Trận đánh vào quận lỵ Hướng Hóa sau đó, ngày 21-1-1968, dù lần đầu đánh địch trong công sự vững chắc rất gay go, ác liệt nhưng do chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là trinh sát kỹ, giữ được bí mật, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở màn chiến dịch. Đây cũng là trận đánh đầu tiên của sư đoàn với quân Mỹ-ngụy trên chiến trường miền Nam...
Đến đây, tôi tưởng câu chuyện đã kết thúc, liền nói:
- Đúng là một cái kết có hậu, bác nhỉ?
Trung tướng Nguyễn Ân xua tay, nói tiếp: Ấy, chưa hết đâu. Chuyện tưởng đã qua bao năm, không ngờ đến năm 2001, trong lần về họp mặt truyền thống Đại đội 39 Trinh sát của sư đoàn ở Nam Định, tôi gặp lại người tiểu đội trưởng đêm ấy. Bấy giờ, đồng chí đó đã là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Hà Nam. Nhắc lại câu chuyện hơn 30 năm trước, đồng chí ấy xúc động nói: “Tôi nhớ mãi chuyện thủ trưởng bắt tôi trả lại con gà và đĩa xôi về miếu cho nhân dân. Có lẽ không bao giờ tôi quên những lời nhắc nhở chân tình của thủ trưởng. Một lần nữa tôi xin hứa với thủ trưởng, dù làm gì, ở cương vị nào, tôi cũng nguyện giữ gìn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ...”.
Khép lại câu chuyện, Trung tướng Nguyễn Ân nắm tay tôi ân cần:
- Thế đấy, thế hệ chúng mình đi chiến đấu không chỉ biết chiến thắng quân thù mà trong những ngày gian khổ còn phải chiến thắng chính bản thân mình. Bộ đội ngày nay không còn phải lo cái ăn, cái mặc, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Càng trong gian khó, người lính càng cần phải có bản lĩnh, kỷ luật để vượt qua, nhất là với những “viên đạn bọc đường”...
Bài và ảnh: VŨ XUÂN