Với số phiếu 21/24, đại diện của Việt Nam, PGS, TS, Phó viện trưởng Viện Văn hóa-Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Hiền đã vượt qua hai ứng cử viên khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để trở thành người Việt Nam được bầu vào Ban Tư vấn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO. Ban này có thẩm quyền khuyến nghị vinh danh hay không một di sản trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Đây quả là tin vui thật đặc biệt. Trước nay, chúng ta có quá ít vị trí với tư cách là chuyên gia quốc tế, hiểu biết sâu về chuyên môn và quan trọng vô cùng là có thể tranh luận, phản biện, tư duy bằng ngoại ngữ bình đẳng, sòng phẳng với những chuyên gia sành sỏi của nhiều quốc gia thành viên khác.

leftcenterrightdel
 PGS, TS Nguyễn Thị Hiền phỏng vấn người tham gia lễ rước kiệu tại Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Gặp bà, một con người với bất cứ điều gì chúng tôi hỏi cũng được viện dẫn bằng tài liệu liên quan, mới thấy rằng, để một di sản được đề cử trong danh sách Di sản phi vật thể của nhân loại không hề đơn giản. Bà giải thích, có thể hiểu, hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia được thẩm định chủ yếu dựa trên hồ sơ khoa học đệ trình lên UNESCO. Di sản đó có thể hiện được đầy đủ giá trị và ý nghĩa hay không, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hồ sơ đó. Số phận hồ sơ thế nào lại phụ thuộc rất nhiều vào những vị giám khảo trong Ban Tư vấn. Chẳng hạn, In-đô-nê-xi-a từng đề cử di sản cho công viên tái dựng văn hóa truyền thống nhưng chuyên gia là người chỉ ra di sản đó không nằm trong bối cảnh, cuộc sống của cộng đồng. Muốn vậy, các chuyên gia phải tinh ý và nắm rõ Công ước 2003 để nhận diện đúng, bảo đảm di sản xứng đáng với sự vinh danh của UNESCO...

“Nếu hồ sơ viết chung chung sẽ khó thuyết phục được chuyên gia. Chính vì vậy, hồ sơ phải sát với thực tế di sản, cô đọng và đáp ứng tiêu chí”, PGS, TS Nguyễn Thị Hiền cho hay. Từ những kinh nghiệm của bản thân, bà cũng là người đóng góp nhiều cho một số hồ sơ di sản phi vật thể của Việt Nam. Ví dụ, để tìm hiểu kỹ năng hát ví, giặm khác quan họ thế nào, bà đã phỏng vấn rất nhiều người để tìm ra một chi tiết rằng, chất giọng Nghệ Tĩnh góp phần tạo nên tính đặc trưng và gần như chỉ những người ở vùng này mới hát được ví, giặm. Hay kỹ năng của những người thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì để trao truyền trong cộng đồng? Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của ta có rất nhiều yếu tố văn hóa từ trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian, nghi lễ, đến người thực hành, thành phần tham dự… Trong số vô vàn thành tố, dữ liệu như vậy, mô tả gì về di sản để phản ánh đúng bản chất của nó và để cho người đọc chưa bao giờ thấy, chưa có trải nghiệm có thể hiểu về nó? Cái khó là những người làm hồ sơ phải tìm cách để giải thích cho các chuyên gia thế giới hiểu trong giới hạn tối đa là 250 từ viết bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chuẩn xác...

HUY AN