1. Ngày 28-1-1941, đúng ngày Mồng Hai Tết Tân Tỵ, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến biên giới Việt-Trung, thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Bên cột mốc biên giới số 108, giữa tiết Xuân đất trời, Người đứng lặng hồi lâu xúc động.

Đầu năm 1941, tình hình thế giới không mấy lạc quan. Trên chiến trường, phe phát xít đang tấn công mãnh liệt, các lực lượng tiến bộ chống phát xít ở thế bất lợi. Tại Đông Dương, quân Nhật đã tràn vào Việt Nam từ tháng 9-1940. Chính quyền thuộc địa của Pháp nhanh chóng đầu hàng và trở thành công cụ của Nhật. Nhân dân Việt Nam chịu cảnh “một cổ hai tròng”.

leftcenterrightdel
 

Với bề dày kinh nghiệm thực tiễn và sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhận định chiến lược vượt thời gian; đó là, lực lượng tiến bộ sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít và khi các kẻ thù lao vào cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ tạo những cơ hội quý cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Trong những năm 1941-1945, Người đã nỗ lực thiết lập những mối quan hệ với các lực lượng chống Nhật ở Trùng Khánh, với các cơ quan quân sự và tình báo Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc). Hồ Chí Minh đã làm cho người Mỹ hiểu hơn về Việt Minh và cuộc chiến đấu giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Trên các chặng đường cách mạng, Hồ Chí Minh luôn quan tâm mở rộng cánh cửa để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo, nhân văn. Trong các mối quan hệ quốc tế của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việt Nam muốn xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau”; với các nước láng giềng thì “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”; với các nước lớn thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau”. 

2. Ngày 28-1 năm nay là ngày đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017, sát gần với ngày đầu năm mới Tân Tỵ 1941, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng, tiến tới Tổng khởi nghĩa, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Tình hình thế giới đang có những biến động mạnh mẽ, nhanh chóng, khó lường, đặt Việt Nam trước nhiều cơ hội và không ít thách thức. Vị trí địa-chính trị quan trọng của Việt Nam rất cần được khai thác để phát triển đất nước bằng một chiến lược ngoại giao khôn ngoan. Theo đó, cái “bất biến” là độc lập cho dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân là những điều bất khả xâm phạm. Để đạt mục tiêu đó, đòi hỏi chúng ta phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” với tình hình liên tục đổi thay.

Bài học từ đường lối sáng tạo và những hoạt động đối ngoại phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là từ khi Người về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng từ mùa Xuân Tân Tỵ cách đây 76 năm, vẫn rất cần được kế thừa, phát huy sáng tạo trong thời kỳ mới.

Với tầm nhìn sáng suốt, rộng mở, Đại hội XII của Đảng đã xác định phương hướng nhiệm vụ công tác đối ngoại trong thời kỳ mới: “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài…; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước…”.

Khắc ghi lời Bác, dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta sẽ tiếp tục chặng đường mới trên cơ sở tăng cường nội lực, kết hợp với ngoại lực, nắm bắt thời cơ, phát huy cao nhất lợi thế và ứng phó hiệu quả với những thách thức trên đường đi tới.

PHƯƠNG ANH