Đứng bên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thủ đô La Ha-ba-na (Cu-ba), nữ nhà báo chiến trường Mác-ta Rô-hát hồi tưởng về những ký ức rất đặc biệt trong cuộc đời cầm bút mà bà nói rằng, chúng đã trở thành một phần cuộc sống của mình, để trải lòng với những phóng viên hậu bối đến từ đất nước Việt Nam cách xa nghìn trùng về địa lý nhưng lại rất đỗi gần gũi, thân thương về tình cảm.

leftcenterrightdel
 Nữ nhà báo Mác-ta Rô-hát hồi tưởng lại những ký ức về Việt Nam. Ảnh: VÂN CHI

Ngày ấy, Mác-ta Rô-hát là đặc phái viên của Báo Cách mạng Cu-ba, đang làm nhiệm vụ ở thành phố Xan-ti-a-gô đê Cu-ba (Santiago de Cuba), miền Đông Cu-ba thì nhận được thông báo: Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đồng ý để bà sang tác nghiệp tại chiến trường miền Nam Việt Nam; phía Việt Nam cũng đã đồng ý tiếp nhận nhà báo Cu-ba. Mặc dù rất bất ngờ và chưa có sự chuẩn bị trước về tâm lý cũng như đồ đạc cần thiết mang theo người, nhưng bà Mác-ta Rô-hát nhận lời ngay lập tức. “Tôi có thể đi ngay mà không cần tập luyện, chuẩn bị gì cả. Tôi có thể vào rừng được”, bà nói như vậy. Vậy là Mác-ta Rô-hát lên đường sang Việt Nam, theo đường bí mật từ Cam-pu-chia sang rồi tiến thẳng về căn cứ trong rừng Tây Ninh, nơi Trung ương Cục miền Nam Việt Nam đang đặt ở đó.

Nói về quyết định cực kỳ nhanh chóng ấy của mình, nữ nhà báo lão thành Mác-ta Rô-hát nói, đó là do tình cảm đặc biệt mà bà và người dân Cu-ba dành cho nhân dân Việt Nam cũng như cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô cũng dành tình cảm rất đặc biệt với Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Chuyến tàu đầu tiên chở sinh viên Việt Nam sang Cu-ba học, Chủ tịch Phi-đen đã ra tận cảng để đón. Từ lãnh tụ đến từng người dân Cu-ba, ai cũng yêu mến Việt Nam. Bởi thế, nghe tin được sang Việt Nam tác nghiệp, Mác-ta Rô-hát không chần chừ, nhận lời ngay lập tức.

“Nằm vùng” ở mặt trận miền Nam Việt Nam suốt 54 ngày đêm trong lần đầu tiên đến Việt Nam, Mác-ta Rô-hát nhớ như in những trận bom giội từ máy bay B-52 và nhiều loại máy bay khác của Mỹ trong khu rừng mà bà cùng các chiến sĩ cách mạng Việt Nam ẩn náu. “Bom đạn như thế, nhưng chúng tôi được các đồng chí Việt Nam bảo vệ rất tốt”, Mác-ta Rô-hát nói.

“Mỗi ngày, các bạn Việt Nam đều mang tới cho tôi những món ăn rất đặc biệt. Tôi rất ái ngại, bởi trong hoàn cảnh chiến tranh mà các bạn vẫn quá chu đáo với tôi. Một hôm, các bạn hỏi tôi thích ăn món gì nhất. Tôi đùa là thích bánh ga-tô ướp lạnh. Hai ngày sau, tôi được các đồng chí Việt Nam chuyển tới một chiếc bánh ga-tô ướp lạnh thật”, Mác-ta nhớ lại. Cảm động trước những tình cảm đặc biệt mà các bạn Việt Nam dành cho mình, Mác-ta nói, đó là những ký ức bà không bao giờ quên. Bà vẫn giữ mãi tấm thiệp ghi thông tin về nhà sản xuất được cài cùng chiếc bánh ga-tô năm nào và đã trở lại thăm cơ sở sản xuất đó tại TP Hồ Chí Minh sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng.

CHIẾN THẮNG