Ai cũng nói tiếng Anh?

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức được dùng trong trường học, công sở và cơ quan nhà nước tại đảo quốc Sư tử. Tuy nhiên, điều đó không phải mang tính tuyệt đối như nhiều người lâu nay vẫn tưởng và thế mới có những chuyện dở khóc dở cười!

leftcenterrightdel
Tượng Merilon, một điểm du lịch nổi tiếng Xin-ga-po. 

Có lần nhóm sinh viên Việt Nam và In-àö-nê-xi-a chúng tôi ở Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) phải chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ mới mua được món ăn Tứ Xuyên ưa thích tại một quầy trong căng-tin. Lý do là vì không ai rành tiếng Trung! Hóa ra ông chủ quầy vẫn hay bán hàng cho chúng tôi hôm ấy có việc ra ngoài; trong quầy chỉ còn lại đầu bếp và phục vụ nhưng họ không biết tiếng Anh và chỉ nói tiếng Trung. Cho dù khách hàng đã chỉ vào thực đơn chọn món nhưng đáp lại chúng tôi là nụ cười thân thiện kèm theo câu tiếng Trung. Khó khăn lắm một cậu bạn trong nhóm, vốn đang tham gia một lớp học sơ cấp tiếng Trung, mới dịch lại được là: “Nghe không hiểu, xin chờ một lát!”.

Tình huống tương tự xảy ra khi một sinh viên người ô-xtrây-li-a để quên máy tính xách tay trên xe buýt miễn phí của NTU. Vì không nhớ chính xác số tuyến xe đã đi nên khi thấy xe buýt tuyến nào dừng lại, cô bạn cũng lên hỏi. Trên tuyến xe chúng tôi đi hôm ấy, sau một màn đối thoại Anh-Trung không có kết quả, cô bạn quay sang hỏi chúng tôi rồi xuống xe trong khi bác tài nhún vai tỏ ý không hiểu chuyện gì đang xảy ra!

Từ “thao trường” đến “màn đấu võ”

Trong hồi ký “Từ Thế giới thứ ba đến Thế giới thứ nhất”, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã chia sẻ: “Sau khi độc lập, tôi luôn đau đáu suy nghĩ về những biện pháp để tách bạch hình ảnh Xin-ga-po với các nước Thế giới thứ ba. Tôi quyết định phải cải thiện môi trường và cảnh quan Xin-ga-po. Phủ xanh thành phố là kế hoạch hiệu quả nhất mà tôi từng phát động… Những mảng xanh trong thành phố cũng giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, khiến họ tự hào về những thực thể tồn tại xung quanh. Chúng tôi hướng dẫn họ chăm sóc cây xanh và không phá hoại cây cối”.

Nhờ chủ trương “phủ xanh” ấy mới có chuyện xuất hiện những “khu rừng nhỏ” ngay trong khuôn viên nhiều trường đại học của đảo quốc Sư tử. Gọi là những “khu rừng nhỏ” bởi nhiều trong số đó nằm sát ngay quốc lộ, chiều dài chưa đến 1km, rộng chưa đầy 500m nhưng lại có nhiều cây cối khá to. Điều thú vị là những “khu rừng nhỏ” ấy đã được tận dụng làm thao trường huấn luyện của các đơn vị quân sự. ở NTU, không khó để bắt gặp hình ảnh binh lính Xin-ga-po mang ba lô hành quân dã ngoại trong đêm khuya hay sáng tinh mơ tiến vào phía trong “khu rừng nhỏ”, cách ký túc xá sinh viên chỉ một con đường hẹp. Đây cũng là điều dễ hiểu do diện tích của đảo quốc khá khiêm tốn. Vậy mới có chuyện lâu lâu, một số tuyến đường cao tốc tại Xin-ga-po lại bị phong tỏa để cho lực lượng không quân tập trận!

Mặc dù là những “khu rừng nhỏ” nhưng chúng cũng là nơi cư ngụ của không ít loài động, thực vật. Chuyện sinh viên NTU bắt gặp cảnh sóc, thỏ hay kỳ nhông tung tăng chạy nhảy bên ngoài cửa sổ phòng học hoặc ký túc xá không phải là hiếm. ấy thế mới có chuyện bỗng một buổi sáng đẹp trời, các giáo sư và sinh viên NTU đã bắt gặp “màn đấu võ” vô tư như ở chốn không người giữa một con rắn hổ mang và một con trăn ngay trên quốc lộ bên cạnh “khu rừng nhỏ”. “Màn đấu võ” ấy thậm chí còn được đăng tải cả trên tờ Straits Times, nhật báo hàng đầu của Xin-ga-po!

Bài và ảnh: LÂM TOÀN