Xe vừa rời Hà Nội, bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi thông báo, chuyến đi lần này đoàn đến thăm và tặng quà, chúc Tết hai chú cháu đều là Anh hùng LLVT nhân dân (Anh hùng Hồ Vai và Anh hùng Hồ Kan Lịch). Thông tin này khiến tất cả các thành viên đều hứng khởi và cảm thấy quãng đường dài hơn 700km như ngắn lại. Các sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) háo hức và hát suốt chuyến đi...

leftcenterrightdel
Đoàn cựu chiến binh của Quỹ Mãi mãi tuổi hai mươi đến thăm và tặng quà Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Vai. 
Đến thị trấn A Lưới, đoàn chúng tôi tới thăm bà Hồ Kan Lịch. Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bà Hồ Kan Lịch say sưa kể lại kỷ niệm những năm tháng đánh Mỹ của người Pa Cô năm xưa. Đầu năm 1963, một tiểu đoàn lính Mỹ về đóng ở đồn A Lưới, bà Kan Lịch đã chỉ huy 7 du kích xã lợi dụng đêm tối, địch ngủ say, lẻn vào lấy hết vũ khí. Sau đó, nhân cơ hội địch hoang mang, đơn vị bà tấn công tiêu diệt đồn. Năm 1964, lính Mỹ dùng máy bay chở quân đổ bộ xuống nhằm tấn công căn cứ của ta, bà Hồ Kan Lịch cùng đồng đội tập kích bắn máy bay khi chúng vừa cất cánh từ Sân bay A Lưới. Kết quả, ta đã bắn hạ một máy bay và tiêu diệt hơn 60 tên lính Mỹ. Với thành tích tham gia đánh 49 trận lớn, nhỏ, tiêu diệt 150 tên địch, bắn rơi một máy bay, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện của địch…, năm 1967, bà Hồ Kan Lịch được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và là nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô.

Anh hùng Hồ Kan Lịch xúc động kể về những lần được gặp Bác Hồ: “Tôi may mắn được gặp Bác Hồ 7 lần, trong đó có 4 lần được Bác mời ăn cơm tại Phủ Chủ tịch. Đặc biệt, trong một lần ra Bắc chữa bệnh, tôi được Bác đến thăm và tặng một chiếc đài để nghe tin tức ở chiến trường. Lần nào cũng vậy, khi gặp tôi, Bác đều động viên, dặn dò, đó chính là động lực giúp tôi đánh giặc và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mặc dù giờ đây Bác đã đi xa, nhưng đồng bào Pa Cô chúng tôi luôn khắc ghi lời dạy của Bác, nguyện đem tất cả sức lực và trí tuệ để phục vụ quê hương, đất nước”.

Chia tay Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Kan Lịch, chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Vai. ở tuổi gần 80, lại bị bệnh tim nên ông Hồ Vai không còn nhanh nhẹn như xưa, song vẫn còn khá minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi, ông say sưa kể chuyện mình được mang họ của Bác Hồ.

Sinh ra và lớn lên tại thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế), 10 tuổi, cậu bé A Vai đã làm liên lạc cho du kích xã, 15 tuổi được giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội Du kích xã và đến 19 tuổi, A Vai trở thành Chỉ huy bộ đội địa phương và dân quân du kích tại A Lưới. Năm 1965, A Vai cùng đoàn Anh hùng chiến sĩ miền Nam ra thăm Bác; vì là người dân tộc thiểu số duy nhất trong đoàn nên A Vai được Bác đặc biệt quan tâm, Bác đã đặt họ Hồ cho A Vai. Anh hùng Hồ Vai tâm sự: “Bốn lần gặp Bác là bốn kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời tôi. Lần nào cũng thế, Bác ân cần thăm hỏi về đồng bào Pa Cô, đồng bào Vân Kiều ở Thừa Thiên-Huế. Bác còn căn dặn tôi: “Cháu đã ra miền Bắc thì phải ở lại học cái chữ cho đến lớp 9 rồi hãy về Nam. Có học mới làm cán bộ của đồng bào và phục vụ cách mạng tốt được...”. Tôi rất cảm động, nhưng xin phép: “Dạ thưa Bác, cháu phải trở về miền Nam để cùng đồng bào đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, để giải phóng miền Nam và đón Bác vào thăm. Khi đó, cháu học chữ cũng chưa muộn”...

Trước khi chia tay, ông bắt nhịp và cùng chúng tôi hát bài “Vết chân tròn trên cát”. Câu hát “… Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm. Cho hôm nay những gót chân son vui quanh dấu chân tròn” cứ vang mãi, vang mãi trong suốt hành trình của chúng tôi.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH